Tắm đêm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như tiềm ẩn nhiều căn bệnh. Ảnh: T.L |
Nhiều người có thói quen và sở thích tắm đêm. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Văn Tiến (Bệnh viên 175 – TP.HCM) thì nên hạn chế thói quen này bởi vì nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cũng như tiềm ẩn nhiều căn bệnh.
Thói quen không tốt
Anh Hải Nam (quận 8 – TP.HCM) lo lắng: “Do công việc đòi hỏi nên hàng ngày tôi đi làm về nhà rất muộn, điều đó đồng nghĩa với việc tôi thường xuyên tắm gội về đêm. Nhiều khi tóc chưa khô hẳn tôi đã vội vàng đi ngủ. Buổi sáng thức dậy tôi thấy đau đầu và người rất mệt mỏi. Nhiều người bảo tắm đêm và để tóc còn ướt đi ngủ sẽ khiến da đầu bị nhiễm lạnh, các mạch máu bị ảnh hưởng, gây cản trở sự lưu thông dẫn đến chứng đau đầu mãn tính. Điều này có đúng như vậy không? Nếu tắm vào ban đêm thì nên như thế nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe?”.
Còn chị Thúy An (quận Thủ Đức – TP.HCM) hiện đang mang thai hai tháng, chị thường thấy nóng nực, đổ mồ hôi nhiều, nhất là vào ban đêm nên nếu không tắm, chị bứt rứt ngủ không được bởi ba mẹ chồng chị không cho sử dụng máy lạnh, sợ em bé viêm phổi từ trong bụng mẹ. “Thật ra, thói quen tắm đêm của tôi đã có từ hồi chưa lập gia đình, rất khó bỏ. Nhưng mẹ chồng tôi bảo tắm đêm không tốt cho sức khỏe, thai to rất nhanh sợ mai mốt tôi khó sinh!?!” – chị Thúy An tâm sự!
BS. Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Từ sau 23 giờ là thời điểm bạn đặc biệt không nên tắm, gội đầu bằng nước lạnh bởi nó sẽ là nguyên nhân khiến bạn bị đau đầu kinh niên. Có thể thấy ngay hậu quả của việc tắm gội đêm là sau một đêm đi ngủ với mái tóc ướt, lập tức bạn sẽ bị nhức đầu kinh khủng. Bên cạnh đó, tắm đêm thường xuyên sẽ khiến bạn bị ho, sốt, kéo theo các nguy cơ viêm phổi. Vì quá trình này diễn ra sau một thời gian khá dài nên ít người nhận ra. Nguy hiểm hơn, tắm đêm trong tình trạng cơ thể suy yếu sẽ nhanh dẫn đến tình trạng đột quỵ, tai biến, đặc biệt với những người bị say rượu, mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp”.
Tắm thời điểm nào là hợp lý?
Tắm giúp cho cơ thể sạch sẽ, thơm tho và sảng khoái. Nhưng nhiều người vẫn mơ hồ về việc tắm vào thời điểm nào là hợp lý? Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, thời điểm tắm thích hợp nhất là buổi sáng, sau khi tập thể dục, chờ khoảng một giờ cho ráo mồ hôi thì hãy tắm. Ngoài ra, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tắm vào buổi tối (khoảng 19 giờ) sẽ giúp các tế bào da chết tích tụ cả ngày biến mất, cơ thể sạch sẽ giúp cho bạn có một giấc ngủ ngon hơn. Khi tắm, bạn nên xối nước vào hai chân, hai tay rồi mới đến toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, chỉ nên tắm 10 phút dưới vòi hoa sen. Không nên tắm ngay sau khi ăn cơm, nếu bạn có thói quen này thường xuyên sẽ gây ra các bệnh về đường ruột, dạ dày. Nên đợi khoảng 1-3 tiếng sau khi ăn rồi mới tắm. Khi đang đói thì lượng đường trong máu xuống mức thấp nhất, nếu tắm sẽ không đảm bảo đủ năng lượng tiêu hao cần thiết cho cơ thể, vì vậy, tắm khi đói dễ bị chóng mặt, thậm chí bị ngất xỉu. Khi sốt, nhiệt độ cơ thể đang cao, nếu tắm năng lượng của cơ thể tiêu hao sẽ tăng lên, cơ thể rất yếu, tắm vào thời điểm này dễ ảnh hưởng xấu cho cơ thể.Sau khi uống rượu, bia, bạn cũng không nên tắm đêm vì đường trong máu không được bổ sung kịp thời, dễ dẫn đến hoa mắt chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, nếu nghiêm trọng còn dẫn đến ngất xỉu do bị hạ đường huyết. Tắm đêm, dù bằng nước nóng cũng khiến các tĩnh mạch giãn ra, hạ huyết áp, người bị huyết áp thấp dễ xuất hiện hiện tượng thiếu máu não, nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê.
Những người tuyệt đối không nên tắm đêm là thai phụ, trẻ nhỏ, phụ nữ đang trong giai đoạn “đèn đỏ”.
Thu Hiền
Bình luận (0)