Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bỗng dưng… con bị đau chân

Tạp Chí Giáo Dục

Sau một ngày vận động nhiều, trẻ dễ bị mắc chứng đau tăng trưởng

“Một buổi tối, bỗng nhiên bé Sam, con gái 4 tuổi của tôi mếu máo nói: “Mẹ ơi, con đau chân quá”. Kiểm tra thì không thấy gì, hỏi con có té ngã ở đâu, bé trả lời không… Nguyên đêm đó, tôi trằn trọc không sao ngủ được, chỉ mong nhanh sáng để đưa con tới bệnh viện”, chị Mỹ Chi – P.Phú Mỹ, Q.7 cho biết.
Trẻ bị đau chân
Sau khi đưa con đi khám và được BS cho biết, không phát hiện bất kỳ chấn thương nào ở chân của bé, chị Mỹ Chi mừng khôn xiết. Lúc đó, chị nghĩ chắc con gái nhõng nhẽo với mẹ nên đã nói vậy. Song, mấy ngày sau, cũng vào thời điểm đó, con gái chị lại mếu máo: “Mẹ ơi, con đau chân quá”. Kiểm tra chân con không phát hiện gì, chị quát: “Con đừng nhõng nhẽo mẹ nữa, con cần gì thì cứ nói”. Bé Sam khóc to: “Con bị đau chân thật mà”. Khi chị Mỹ Chi xoa bóp vào chân con thì bé Sam nín.
Tình trạng này cứ vài ba ngày hoặc một, hai tuần là lặp lại một lần. Và chỉ xảy ra vào buổi tối. Điều này khiến chị Mỹ Chi không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đưa con đi khám, thậm chí chụp X-quang lại không phát hiện bất kỳ tổn thương nào ở chân của bé.
Một trường hợp khác là con của chị Hạnh Nhơn (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1). Con trai chị đang học lớp 4 tại một trường tiểu học gần nhà. Trong một lần trường tổ chức đi dã ngoại, buổi chiều về nhà Quốc Anh than đau chân. Kiểm tra thấy chân con không có vết trầy xước hay sưng tấy nào nên chị Hạnh Nhơn yên tâm. Lúc đó, chị nghĩ do ban ngày con vận động, chạy nhảy quá nhiều so với ngày thường nên đau chân cũng là điều dễ hiểu. Một tuần sau, đang ngủ, Quốc Anh ngồi dậy đi qua phòng chị và nói: “Chân con đau quá mẹ ơi”. Cả ngày hôm đó con trai chị không hoạt động gì quá sức, cũng không bị té ngã, vì vậy chị Hạnh Nhơn thật sự lo lắng. Khổ nỗi khi đi bệnh viện khám thì không phát hiện ra bất kỳ chấn thương nào.
Đừng quá lo lắng
BS. Trần Thị Mỹ Duyên, Chuyên khoa Nhi phòng khám Victoria khẳng định: “Khoảng 25-40% trẻ trải qua tình trạng này”.
Theo BS. Mỹ Duyên thì những gì con của chị Mỹ Chi và chị Hạnh Nhơn trải qua được gọi là đau tăng trưởng. Bệnh thường hay xuất hiện vào chiều muộn hoặc trước giờ đi ngủ, đôi khi là giữa đêm phá giấc ngủ của trẻ. Những cơn đau nhức và sự khó chịu này hay đến từ sau một ngày hoạt động tích cực của trẻ như chạy, nhảy, leo trèo mà không có bất kỳ chấn thương, tổn thương nào. Đau tăng trưởng thường xảy ra ở hai giai đoạn từ 3-5 tuổi hoặc từ 8-12 tuổi.
“Đau tăng trưởng tác động lên cơ nhiều hơn là xương hay khớp của trẻ, đó là những vị trí như mặt trước đùi, trong bắp chân hay sau khớp gối (không phải khớp gối). Các cơn đau này diễn ra từng đợt kéo dài 10-30 phút và không làm ảnh hưởng đến chân hay sự di chuyển của trẻ. Cường độ các cơn đau khác nhau ở từng trẻ. Trẻ bị đau tăng trưởng luôn cảm thấy dễ chịu khi được xoa bóp. Điều này hoàn toàn trái ngược với việc đau do bệnh lý. Vì vậy, phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám ngay khi có các biểu hiện như: Đau liên tục, đau vào ban ngày hay bị sưng đỏ ở một vị trí hoặc một khớp nào đó; đau kèm theo tổn thương, di chuyển khập khiểng; sốt hoặc phát ban bất thường; ăn uống kém, mệt mỏi; có những cử chỉ, hành động khác thường”, BS. Mỹ Duyên chia sẻ.
Mặc dù vậy, mỗi khi thấy con đau, thậm chí đau đến mức phải khóc thì không ông bố, bà mẹ nào có thể an tâm được. BS. Mỹ Duyên tư vấn: “Đau tăng trưởng lành tính và không kéo dài, do đó việc điều trị là không cần thiết. Nếu cơn đau kéo dài hơn 30 phút, phụ huynh có thể xoa bóp vị trí đau nhức của trẻ, thực hiện một vài động tác căng cơ. Thậm chí có thể giúp trẻ giảm đau bằng cách cho uống Ibuprofen hay Acetaminophen, tuyệt đối không dùng Aspirin cho trẻ dưới 12 tuổi”.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)