Nên cẩn trọng với việc ăn uống để những ngày Tết được trọn vẹn. Ảnh: T.L |
Tết là thời gian để mọi người sum họp, chúc tụng và thưởng thức những món ngon. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận trong cách ăn uống và bảo quản thực phẩm vệ sinh, có thể nhiều người sẽ mất đi cái Tết vui tươi.
Một chút sơ sẩy…
29 Tết 2012, sau khi dùng bữa cơm chiều anh Nguyễn Văn Thuận ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM có triệu chứng đau bụng nhẹ. Đến chiều tối cơn đau càng khó chịu hơn sau đó anh bị “Tào Tháo rượt” 3, 4 lần trong một tiếng đồng hồ. Không phải đi bệnh viện nhưng anh được bà xã “chẩn đoán” là do ăn phải thức ăn lạ. Đến lúc này anh mới nhớ là cả nhà hôm đó đã ăn phải bịch lẩu hải sản do người chị họ cho cách đó mấy hôm. Anh Thuận kể lại: “Bịch lẩu hải sản đủ các loại tôm, mực, ốc nấu cho cả nhà ăn nhưng tôi là người dùng nhiệt tình nhất nên đã bị trúng thực”. Theo anh thì khi bóc bịch lẩu ra không để ý đến hạn sử dụng nhưng nhìn bằng mắt thường anh thấy các sản phẩm trong đó không còn tươi mới nữa.
Chị Trần Thị Huệ, ngụ ở Q.Bình Thạnh cũng không quên được cái Tết năm ngoái khi gặp sự cố đường ruột nên phải đi mua 2 liều thuốc tiêu chảy về uống trong ngày mồng 5 Tết. Trước đây, chồng con đều biết chị là người rất kỹ trong chuyện ăn uống. Thức ăn lúc nào cũng tự chế biến tại nhà chứ ít khi chị cho con mua sẵn ngoài tiệm hay các gánh hàng rong. Đồ dư trong các bữa ăn hàng ngày chị không bao giờ để lâu trong tủ lạnh. Cho nên con cái chị hầu như chưa bao giờ thấy mẹ phải khổ sở vì chuyện đau bụng hay tiêu chảy do thức ăn thiếu vệ sinh. Tuy nhiên, theo chị sơ sẩy lần này là do lần đầu tiên chị thưởng thức món nem chua từ ngoài quê gửi vào. Mặc dù miếng nem còn mới, thơm mùi lá đinh lăng nhưng do không hợp bao tử nên chủ nhân mới bị “dính chấu”.
Để niềm vui ngày Tết trọn vẹn
Các loại thịt cất giữ trên tủ đông phải gói kín và nếu cho vào hộp thì phải có nắp đậy kín. Tốt nhất là nên cho vào từng hộp nhỏ để dùng khi nào lấy ra khi đó vì nếu chứa trong hộp lớn thì phải dùng hết và mất nhiều thời gian rã đông hơn. Thức ăn còn dư thì nên hâm lại sau mỗi bữa ăn để vi trùng không còn môi trường sống và cơ hội xâm nhập.
Thức ăn thừa trong ba ngày Tết là không thể tránh khỏi. Tâm lý chung của các bà nội trợ là bỏ thì tiếc nên cất để hôm sau dùng dần. Nếu dùng không hết thì sẽ xảy ra tình trạng ôi thiu thức ăn. Chính đây là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh đường ruột cho các chủ nhân giải quyết nó. Nói như ông bà xưa: “Tham dĩa bỏ cả mâm” là vậy. BS. Lê Thanh Nghị – Bệnh viện huyện Thống Nhất tỉnh Đồng Nai khuyến cáo không nên ăn các loại thực phẩm có mùi lạ và ôi thiu trong dịp Tết và cả ngày thường vì không chỉ có người “bụng xấu” mà ngay cả người có “bụng tốt” cũng rất dễ làm cho đường tiêu hóa bị trở chứng. Theo BS. Nghị, lúc này chúng ta không nên quá lo lắng mà uống thuốc vội, bệnh có thể nhanh chóng đi qua nếu toàn bộ thức ăn đó bị phân hủy hết. Cũng nhờ tống được hết mọi thứ “phế phẩm” ra ngoài mà sau đó ruột anh Thuận đã khỏe mạnh trở lại. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu chảy kéo dài liên tục thì người bệnh phải uống thật nhiều nước để bù lại và phải đi đến bệnh viện vì có thể bị ngộ độc thực phẩm.
Không chỉ tiêu chảy, một số căn bệnh khác nếu có cơ hội cũng sẽ phát sinh trong những ngày Tết như cảm lạnh đối với trẻ nhỏ, đột quỵ hay tăng huyết áp đối với người già. Khi đã có bệnh thì phải điều trị theo sự hướng dẫn của các BS chứ không được uống thuốc một cách tùy tiện. Có như vậy mới mang lại cho mình một cái Tết vui vẻ và hạnh phúc trọn vẹn.
Hương Thủy
Bình luận (0)