Việc chưa hoàn thiện về nền tảng dạy học trực tuyến đã tạo cơ hội để người lạ xâm nhập, phá rối lớp học. Tuy nhiên, chính văn hóa ứng xử của thầy và trò trên môi trường mạng sẽ tạo ra lớp “áo giáp” đẩy lùi tình trạng xấu này…
Văn hóa ứng xử trên môi trường ảo của thầy và trò sẽ là lớp “áo giáp” hạn chế tình trạng phá rối lớp học trực tuyến (ảnh minh họa)
Bình tĩnh xử lý nếu là nạn nhân
Là giáo viên tư vấn tâm lý ở một trường THPT, chuyên gia tâm lý Hoàng Sĩ Đăng thừa nhận chính thầy cũng là nạn nhân bị phá rối khi dạy học trực tuyến. “Trong một giờ dạy học trực tuyến, khi cả lớp đang say sưa nghe tôi giảng thì bỗng có những tiếng chửi thề, những tin nhắn phản cảm. Khi biết đây không phải là học sinh trong lớp, tôi đã yêu cầu ra khỏi lớp, thế là người này chuyển sang công kích, thách thức tôi”, thầy Đăng kể.
Theo thầy Đăng, việc dạy học trực tuyến thông qua những ứng dụng phổ biến như Zoom, Google Meet…, thông thường chỉ cần có đường link là có thể tham gia vào lớp học. Vì vậy, việc người lạ vào lớp rất có thể sẽ xảy ra nếu như đường link lớp học được chia sẻ ra ngoài. “Người lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến đa phần chỉ với mong muốn phá rối lớp học. Trong những trường hợp này, nếu giáo viên và học sinh không bình tĩnh ứng phó thì sự việc sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí còn tạo sự thích thú cho kẻ phá rối. Khi gặp phải tình huống này, tốt nhất là có cách ứng xử phù hợp nhưng dứt khoát. Giáo viên phải xác minh cụ thể, sau đó kích người lạ ra ngoài. Nếu vẫn tiếp tục bị phá rối, lớp học có thể lập ra một đường link mới…”, thầy Đăng nói.
Nhiều học sinh tại một trường THPT ở Q.3 (TP.HCM) cũng từng gặp sự việc người lạ xâm nhập vào lớp học trực tuyến và có lời lẽ thiếu chuẩn mực, quấy rối lớp học khiến học sinh, giáo viên hoang mang. Sự việc được phản ánh lên trang Fanpage của Đoàn trường, thu hút sự chú ý của nhiều học sinh trong và ngoài trường. Trước tình trạng này, lãnh đạo nhà trường cho biết trường đã tăng cường các biện pháp bảo mật lớp học, song song đó là tuyên truyền sâu rộng về các quy tắc trong lớp học trực tuyến đến học sinh để tăng ý thức tham gia học trực tuyến. “Ứng xử trong lớp học trực tuyến không thể đơn thuần như ứng xử trong lớp học trực tiếp. Vì là môi trường lớp học ảo có thể ẩn danh hoặc thậm chí là giả danh, do đó người lạ thường có xu hướng mạnh miệng hơn. Nhà trường đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên về cách thức ứng xử, gỡ rối khi gặp phải trường hợp này. Đồng thời, học sinh cũng được phổ biến quy tắc tham gia lớp học trực tuyến, nâng cao ý thức của các em khi tham gia học trên môi trường mạng”, lãnh đạo trường này chia sẻ.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong lớp học trực tuyến
Ngay từ đầu năm học, ngành GD-ĐT TP.HCM đã triển khai dạy học trên môi trường internet. Để đảm bảo an toàn lớp học ảo, các trường đã xây dựng nội quy lớp học trực tuyến, thông báo đến phụ huynh, học sinh ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó, mỗi giáo viên cũng xây dựng thêm các nội quy riêng trong môn học của mình như yêu cầu học sinh bật camera, giơ tay khi muốn phát biểu, không chia sẻ đường link lớp học… Đặc biệt, nhiều trường sử dụng các phần mềm lớp học trực tuyến khép kín, việc dạy và học trực tuyến được thực hiện theo một quá trình, giáo viên có thể theo dõi, đánh giá quá trình học tập của học sinh, từ đó hạn chế tình trạng người lạ xâm nhập vào lớp học. “Khi dạy và học bằng phần mềm Zoom hoặc các phần mềm phổ biến miễn phí, chỉ cần có đường link là bất kỳ ai cũng có thể vào được lớp học. Trong khi đó, dạy và học bằng hệ thống dạy học trực tuyến, học sinh vào học theo mã số định danh học sinh, giáo viên sẽ dễ dàng quản lý, theo dõi”, cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ.
“Dạy và học trực tuyến dù đã trở thành một hình thức dạy học chính thức trong năm học này song tính bảo mật vẫn chưa thực sự cao. Về lâu dài cần có một nền tảng lớp học ảo, đảm bảo mô phỏng lớp học trực tiếp và gia tăng tính bảo mật”, cô Kiều Nguyệt Hương Liên (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đề xuất. |
Cô Liên cho rằng, nếu dạy và học qua các phần mềm, nền tảng ứng dụng miễn phí, giáo viên và học sinh đều phải cẩn trọng. Không chia sẻ, không cung cấp cho người khác đường link lớp học. “Dạy và học trực tuyến dù đã trở thành một hình thức dạy học chính thức trong năm học này song tính bảo mật vẫn chưa thực sự cao. Về lâu dài cần có một nền tảng lớp học ảo, đảm bảo mô phỏng lớp học trực tiếp và gia tăng tính bảo mật”, cô Liên đề xuất.
Từ kinh nghiệm dạy và học trực tuyến trong năm học trước, năm học này Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) tiếp tục xây dựng nội quy học tập trên môi trường mạng. Trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng học sinh khi tham gia học tập trực tuyến. Lãnh đạo nhà trường nhận định nội quy lớp học trực tuyến rõ ràng, chặt chẽ sẽ là “hàng rào”, tạo hành lang để nhà trường quản lý nề nếp học sinh, đồng thời hạn chế những hiện tượng xấu xảy ra khi dạy học trực tuyến.
Trong khi đó, thầy Đặng Ngọc Ngận (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Phạm Phú Thứ, Q.6, TP.HCM) cho rằng ngoài các quy tắc, hệ thống lớp học khép kín thì văn hóa ứng xử trong lớp học trực tuyến cũng sẽ hạn chế được tình trạng người xấu phá rối lớp học trực tuyến. “Văn hóa ứng xử trong lớp học trực tuyến là việc ứng xử giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh. Khi chúng ta tạo ra một môi trường lớp học ảo luôn thân thiện, vui vẻ, hòa đồng sẽ kịp thời phát hiện ra nếu có người lạ vào lớp học. Đồng thời, giáo viên, học sinh cũng sẽ có biện pháp ứng xử phù hợp trước những tình huống phát sinh”, thầy Ngận chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) nhận định, để hạn chế tình trạng người lạ phá rối lớp học trực tuyến thì trước hết nhà trường phải hoàn thiện được môi trường lớp học ảo. Trong đó không chỉ có sự hiện diện của nền tảng công nghệ mà còn là sự vào cuộc, chung tay ý thức của từng thành viên trong nhà trường, lớp học bao gồm từng giáo viên, học sinh. “Nhà trường xây dựng quy tắc ứng xử trong lớp học trực tuyến đảm bảo mọi học sinh đều tuân theo. Trong quá trình học tập, giáo viên và cán bộ lớp sẽ thường xuyên theo dõi thành viên lớp học. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên tập huấn cho đội ngũ giáo viên cách thức ứng xử khi có sự cố trong lớp học trực tuyến, có riêng một bộ phận hỗ trợ công nghệ giải đáp thắc mắc cho thầy cô”, thầy Phú nói. Theo thầy Phú, văn hóa ứng xử khi dạy và học trực tuyến của thầy – trò sẽ là lớp “áo giáp” để tạo môi trường lớp học lành mạnh, đẩy lùi tình trạng phá rối lớp học.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)