Muỗi là tác nhân lớn nhất gây ra bệnh sốt xuất huyết cho trẻ. Ảnh: T.Nhiên
|
Những tuần qua, muỗi bùng phát dữ dội, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân TP.HCM sinh sống tại các quận Bình Thạnh, 1, 12, 8, 6, 4…
“Sống chung” với muỗi
Trước đây, khu vực quận 1 rất ít có sự xuất hiện của muỗi, thế nhưng hiện nay, dưới chân cầu Ông Lãnh, rác bị vứt bừa bãi làm nước không thông dòng chảy nên muỗi sinh sôi nảy nở. Bác Sáu Thu cho hay: “Tôi sống ở đây mấy chục năm mới chứng kiến khu vực này bị muỗi như thế. Ban ngày không thấy muỗi nhiều, nhưng đêm đến chúng xuất hiện rất dữ dội trong nhà của chúng tôi”.
Người dân sinh sống quanh cầu Băng Ky, cầu Đỏ, cầu Bình Lợi thuộc các phường 11, 12, 13, 26, quận Bình Thạnh còn khốn khổ hơn. “Mặc dù chúng tôi đã dùng các biện pháp diệt muỗi như bình xịt, nhang muỗi, vợt điện… nhưng vẫn không diệt được bọn “giặc” này. Hiện tại, chúng tôi buộc lòng phải “sống chung với muỗi”. Tất cả mọi người ở đây đều hoàn tất việc ăn tối trước 19 giờ để tránh bị muỗi tấn công. Nhiều hộ có con nhỏ phải gửi con cho người thân ở các quận không có muỗi. Trước Tết, Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Thạnh có tổ chức 3 đợt phun thuốc diệt muỗi, tuy nhiên lượng côn trùng này chỉ giảm được chút ít rồi lại bùng phát như cũ” – chị Nguyễn Thị Thu, sống gần cầu Băng Ky – đường Nơ Trang Long cho biết! Được biết, một trong những nguyên nhân muỗi dày đặc ở đây là do cầu Băng Ky, cầu Đỏ, cầu Bình Lợi đang được tiến hành sửa chữa, nâng cấp, hạn chế dòng chảy nên nước không lưu thông khiến muỗi phát sinh nhiều.
Anh Thanh Vinh, ngụ tại phường Thạnh Lộc, quận 12 than thở: “Buổi tối muỗi nhiều kinh khủng, cứ ngồi yên là bị đốt chi chít. Hiện, phường chúng tôi đang tiến hành phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng, nạo vét kênh mương đồng thời phối hợp với ban quản lý các dự án triển khai để khơi thông dòng chảy… nhưng không biết có hạn chế nổi muỗi không?”.
Bệnh từ muỗi
Đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám vì nghi nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: H.Triều |
Ông Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết muỗi gây ra nhiều bệnh cho người dân, nhiều nhất là sốt xuất huyết do muỗi vằn Aedes aegypti truyền bệnh, có thể xuất hiện quanh năm. Bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.
Hiện, có khá nhiều bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi đang điều trị nội trú mỗi ngày do bệnh này là 38 bé. Còn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có 49 trường hợp đang điều trị nội trú. Muỗi còn gây ra bệnh viêm não Nhật Bản. Tác nhân truyền bệnh là muỗi Culicinea tritaeniorhyunchus, thường có ở nông thôn. Tỉ lệ tử vong từ 7-33%. Các di chứng của bệnh thường là liệt, chậm phát triển trí tuệ và rối loạn tính cách. Vì đây là bệnh do virus gây ra nên các hiểu biết bệnh học còn nhiều hạn chế. Việc điều trị dựa vào tiêm phòng là chủ yếu. Bệnh sốt rét do muỗi Anopheles làm trung gian truyền bệnh, đến nay, vẫn còn là một bệnh khó chữa. Để khống chế muỗi sinh sôi, người dân nên phun thuốc diệt muỗi trong nhiều ngày, đốt nhang trừ muỗi, dùng thiết bị vợt điện diệt muỗi hiện đang rất thông dụng. Những hóa chất mà các công ty đưa vào sản xuất các thiết bị này đều nằm trong danh mục qui định, theo liều lượng cho phép của Bộ Y tế, đã có loại trừ những loại hóa chất gây độc. Hiệu quả qua kiểm nghiệm là tốt, nhưng hiệu quả khi sử dụng còn tùy thuộc người dân thực hiện có đúng cách hay không. Tuy nhiên, phương pháp ngăn ngừa có tính chất hiệu quả và lâu dài nhất vẫn là chặn đứng những yếu tố thuận lợi cho muỗi đẻ như không để nước ứ đọng, khơi thông kênh rạch, môi trường sống sạch sẽ… Đặc biệt, các BS luôn khuyến khích mọi người dùng các biện pháp dân gian, hoặc các biện pháp khác trong gia đình như ngủ mùng, dùng nhang đuổi muỗi, bình xịt muỗi gia dụng…
Thanh Nhiên
Bình luận (0)