Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh nhân bị đột quỵ đang trẻ hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: T.HIỀN

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM thì trong hai năm trở lại đây, số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ đang có chiều hướng gia tăng ở những người trẻ. Nếu như trước đây, bệnh này thường nằm trong độ tuổi từ 50-60 trở lên thì hiện đã trẻ hóa dần từ 40-45 tuổi, từ 20-30. Đặc biệt trẻ 5-10 tuổi bị đột quỵ cũng không còn hiếm…
Tình trạng đáng báo động
Thời gian gần đây, các bệnh viện tại TP.HCM như 115, 175, Chợ Rẫy, Bệnh viện Gia Định, ĐH Y dược, Nguyễn Trãi… liên tục tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân bị đột quỵ. Đa số bệnh nhân bị liệt vĩnh viễn hoặc tử vong vì không được cấp cứu kịp thời. BS. Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết thêm là theo thống kê cho thấy, hiện nay mỗi năm tại TP.HCM có hơn 19.000 người mắc căn bệnh này trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong.
Những ngày qua, giới nghệ sĩ hết sức đau buồn bởi sự ra đi đột ngột của đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu ở tuổi 37 do bị đột quỵ. Theo gia đình anh Hải Âu cho biết thì do áp lực của công việc PR cho bộ phim nhựa Thạch Sanh sắp công chiếu cùng công tác chuẩn bị bấm máy cho bộ phim truyền hình dài tập mà anh thường mất ăn, mất ngủ, dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể rồi đột quỵ, khi phát hiện thì đã quá muộn. Còn nhớ cách đây ba năm, diễn viên Thanh Phương vĩnh viễn ra đi ở tuổi 30 cũng vì căn bệnh này bởi làm việc quá sức, đồng thời không thích ứng kịp với không khí lạnh của miền Bắc. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng vừa tiếp nhận ba trường hợp bị đột quỵ ở độ tuổi dưới 30, trong đó anh Nguyễn Minh T., 20 tuổi nhập viện trong tình trạng không cử động chân tay, liệt nửa người bên phải. Qua chẩn đoán, các BS nhận định anh bị nhồi máu não bán cầu phải. Mẹ của T. cho biết, trong lúc đi vệ sinh, bỗng dưng thấy anh ngã quỵ xuống nên vội vàng đưa đi cấp cứu… Tương tự, chị Lê Thị M., 25 tuổi, ở Thủ Đức, sức khỏe bình thường nhưng, sau một đêm ngủ dậy, bỗng dưng thấy hoa mắt, nửa người bên trái không cử động được nên gia đình phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. BS. Nguyễn Huy Thắng, Phó khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết mỗi ngày khoa điều trị nội trú tiếp nhận từ 130-160 bệnh nhân đột quỵ, chưa kể số đến khám ngoại trú liên quan đến huyết áp, tim mạch. Nếu thấy người nhà có các triệu chứng như đột ngột liệt hoặc tê mặt, liệt tay hay chân, liệt một bên thân người, đột ngột nói không được, nói lắp bắp khác thường hoặc nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, đi lại loạng choạng… thì nên đưa đến bệnh viện ngay. 
Trẻ em cũng bị đột quỵ
Mới đây, cháu Nguyễn Anh T., 5 tuổi ngụ ở Châu Thành – Tiền Giang được người thân đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng co giật, nôn ói. Các BS hội chẩn, làm xét nghiệm và phát hiện T. bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
Được biết, mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho khoảng 80 trường hợp trẻ mắc đột quỵ với những bệnh lý khác nhau. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 30 trường hợp trẻ bị đột quỵ, trong đó nhiều trẻ bị tử vong hoặc để lại những di chứng khá nặng nề.
“Các nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ thường gặp nhất bao gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý về máu như bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng trong hộp sọ, dị dạng mạch máu não, chấn thương đầu… Sau cơn đột quỵ, não bộ trẻ có khuynh hướng phục hồi tốt hơn người lớn. Có thể nói, đột quỵ là tình trạng cấp cứu, nên khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ bị đột quỵ, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời” – ThS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần – Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo.
Phụng Diễm

Bình luận (0)