Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Mùa” của bệnh thủy đậu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bệnh nhi Nguyễn Hồng Sơn đang điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Những ngày qua, bệnh nhi nhập viện vì bệnh thủy đậu (bệnh trái rạ) gia tăng. Bệnh do siêu virus Varicella Zoster gây ra, thường lành tính song cũng có thể biến chứng khiến bệnh nhi gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Tháng 4, 5 sẽ bùng phát mạnh
Hiện, nhiều bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu đến khám điều trị tại các bệnh viện như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhiệt đới khá đông. Hầu hết đến từ các tỉnh thành: TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Cà Mau… Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thì từ tháng 1 trở lại đây, mỗi ngày có từ 13-26 ca khám điều trị. Trong đó số bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú do bệnh bị biến chứng cũng không ít, từ 3-4 ca/ngày. BS. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết:“Bệnh thủy đậu thường bùng phát mạnh vào tháng 4, tháng 5. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và lớp 1, lớp 2 dễ mắc nhất. Ngoài ra thời điểm này, bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng”.
Nhập viện điều trị bệnh thủy đậu cả gần chục ngày nay tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 mà bé Trần Văn Tiến (5 tuổi, quê ở Cà Mau) vẫn phải thở ôxy, BS và người nhà luôn theo dõi chặt chẽ. Chị Phạm Thị Ngọc, mẹ bé cho biết: “Thấy cháu có triệu chứng sốt, đau bụng, ho, nổi nốt nước có màu đục ở sau gáy, trên mặt, gia đình cho bé đi bệnh viện ngay. Thế mà bệnh vẫn tiến triển nhanh, diễn biến phức tạp. Hơn nữa do sức đề kháng yếu nên bệnh cháu càng nặng hơn khiến việc điều trị lâu nhưng bệnh vẫn chưa dứt”.
Trong khi đó, tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Nguyễn Thị Thu Cúc (Tây Ninh) cũng phải túc trực thường xuyên bên con trai Nguyễn Hồng Sơn (7 tuổi). Những ngày đầu bệnh mới phát chỉ vài nốt nước trên tay, chị mua thuốc bắc cho con uống. Hai ngày sau nhiều nốt nước nổi nhanh, nổi nhiều khiến bệnh nặng hơn. Quá lo lắng, chị tiếp tục mua thuốc tây điều trị song bệnh cũng không hết, lại kèm theo sốt, viêm phổi nặng và lúc này chị mới cho con về Nhi đồng 1 khám. Do bệnh nặng, sức khỏe yếu nên điều trị cả chục ngày nay mà bé Sơn vẫn sốt nặng, bệnh chưa thuyên giảm. Chị Cúc chia sẻ: “Cứ nghĩ cháu bị nhẹ nên tôi tự ý đi mua thuốc mà không có lời khuyên của BS. May mắn là cháu nhập viện, được BS điều trị kịp thời nên cháu qua cơn nguy kịch mà không bị biến chứng nguy hiểm”.
Tiêm phòng là cách phòng bệnh hữu hiệu
Thời gian ủ bệnh thủy đậu thường không biểu hiện triệu chứng, nhưng khi khởi phát, bệnh nhi có biểu hiện: Sốt, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau bụng. Thời kỳ toàn phát thì nổi các nốt ban đỏ khắp người, khoảng một ngày chuyển sang nốt nước chứa dịch trong, và chuyển dần sang dịch đục như mủ. Các nốt này mọc thành nhiều đợt khác nhau, 10 ngày sau nốt nước tự vỡ và khô lại. Và ai cũng có thể mắc bệnh. Bệnh thường lành tính. Nếu phát hiện và được khám kịp thời thì người nhà có thể chăm sóc bệnh nhi tại nhà và khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, trong số đó thì cũng có khoảng 10% trẻ nhập viện do biến chứng dẫn đến nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm màng não, thậm chí trẻ có thể viêm tủy gây tử vong.
BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Một số người nấu gốc rạ, thậm chí sắc thuốc cho trẻ uống. Làm như thế là sai. Gốc rạ bị phun thuốc sâu, tưới các loại phân… chứa nhiều vi khuẩn độc hại gây nhiễm trùng da, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Đối với trẻ sơ sinh chưa chích ngừa, hoặc mắc bệnh suy giảm miễn dịch khiến sức đề kháng yếu, bệnh diễn tiến nặng hơn vì thế cần theo dõi chặt chẽ, chăm sóc kỹ lưỡng hơn. Không được dùng thuốc aspirin hoặc những thuốc cảm có chứa aspirin hạ sốt vì có thể gây nguy hiểm”.
Cũng theo BS. Khanh thì bệnh thủy đậu thường lây lan nhanh trong môi trường đông người. Đáng lưu ý, khi người bệnh chưa biết được mình bị bệnh thủy đậu thì đây là thời điểm bệnh bắt đầu lây. Nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học, ở nhà, cách ly khoảng 10 ngày. Và biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm chủng vaccine phòng bệnh. Nên tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi trở lên. Đến 4, 5 tuổi tiếp tục tiêm 1 mũi nữa. Nếu trẻ lớn hơn thì tiêm 2 mũi. Mỗi mũi cách nhau khoảng 3 tháng. Đối với người mẹ mang thai tháng thứ 3 mà trước đó chưa bị thủy đậu, chưa tiêm phòng, nếu chẳng may bị thủy đậu, bệnh lây nhiễm sang thai nhi, khiến thai nhi bị dị tật nặng nề. Vì thế người mẹ nên tiêm phòng trước khi có thai là tốt nhất.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
BS. Đỗ Châu Việt khuyến cáo: “Thời điểm này, bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng, phụ huynh lại thường hay nhầm lẫn giữa thủy đậu và tay chân miệng, vì thế khi thấy trẻ có biểu hiện của các bệnh thì nên đưa đến bệnh viện khám, điều trị ngay để tránh gây nguy hiểm cho trẻ”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)