Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không nên lạm dụng thuốc giảm đau

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Không nên dùng thuốc giảm đau khi có triệu chứng đau ruột thừa. Ảnh: T.LÊ

Sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp con người đẩy lùi được bệnh, nhưng ngược lại nếu dùng bừa bãi và tùy tiện thì sẽ có những tác dụng phụ nguy hại đến sức khỏe, cả đến tính mạng, trong đó có thói quen lạm dụng thuốc giảm đau.  
Dùng thuốc như ăn kẹo
Mỗi lần đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn trong tuần, chị Lê Thị P. (đường số 45, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thường ghé vào tiệm thuốc tây mua một vỉ thuốc Panadol và một vỉ Paracetamol. Chị P. cho biết đây là hai loại thuốc giảm đau luôn có mặt trong tủ thuốc gia đình phòng khi người nhà bị bệnh thì có sẵn để cho uống kịp thời. Chính vì thế, những lúc chồng và hai đứa con bị triệu chứng nhức đầu hay cảm sốt thì chỉ cần cho uống một viên thuốc rồi sau đó “tính sao thì tính”. Có thể nói đây không chỉ là thói quen của chị P. mà còn là “cách ứng xử tình huống” nhanh gọn của một số người khi bị triệu chứng đau nhức hay sốt cao. Thực tế cho thấy, hai loại thuốc này luôn có công hiệu của nó trong việc đẩy lùi các cơn đau của con người. Từ lâu, Paracetamol hay Acetaminophen là loại thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau giống như thuốc giảm đau Aspirin, rất phổ biến trước đây. Tuy nhiên, không như Aspirin, loại thuốc giảm đau này có rất ít tác dụng chống viêm và tác dụng phụ nên được cung cấp dễ dàng mà không cần kê đơn chỉ định. Chính vì thế, có rất nhiều người đã lạm dụng thuốc này để tìm mọi cách trì hoãn các cơn đau trong cơ thể bất kể đó là đau gì. Đây cũng là công dụng của vỉ thuốc Panadol mà chị P. thường mua về để xài dần. Một lần thấy con gái của mình đang ngồi học bài kêu nhức răng, đau đầu. Sợ ảnh hưởng đến đợt thi giữa kỳ sắp tới, chị P. đã cho cháu uống ngay một viên Panadol nhằm tìm cách xua tan và trì hoãn cơn đau đột xuất đó lại. Đối với gia đình chị, dùng thuốc giảm đau – có thể ví – giống như ăn kẹo bạc hà mỗi khi rát cổ viêm họng. BS. Nguyễn Thụy Khương – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sai lầm của một số bệnh nhân là hễ thấy đau một chút là dùng ngay thuốc giảm đau mà không biết việc lạm dụng như thế sẽ gây hại cho cơ thể. Cũng theo BS.  Khương, nếu lạm dụng thường xuyên thuốc giảm đau không chỉ làm cho viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa mà còn gây ra tình trạng lờn thuốc vì dùng không đúng cách. Những người có tiền sử về bệnh thận như sỏi thận, suy thận uống thuốc giảm đau kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chức năng của thận.
Lời khuyên không thừa
Mặt khác thuốc giảm đau còn được đào thải qua gan vì thế nếu dùng quá liều lại dẫn đến suy gan cấp. Sai lầm lớn nhất cần đáng báo động là khi có triệu chứng đau ruột thừa, không ít người vẫn dùng thuốc giảm đau. Do thiếu hiểu biết mà anh Nguyễn Viết D. sinh viên một trường cao đẳng ở Đồng Tháp đã tự tiện uống thuốc giảm đau để kịp ngày thi hết phân môn. Tuy nhiên, khi kìm hãm được cơn đau thì sau đó anh D. đã tử vong vì bị viêm ruột thừa mà không biết. Rõ ràng thuốc giảm đau đã làm lu mờ các dấu hiệu của bệnh khiến cho BS khó chẩn đoán và bệnh diễn biến nặng bên trong mà không biết. Bệnh nặng bên trong mà không thấy rõ bên ngoài nên qua mặt được thân chủ và cả thầy thuốc, nhất là trường hợp bị viêm nhiễm ruột thừa như anh D. Cứ nhức đầu, sổ mũi hay cảm cúm một chút là “tống” vào bụng một vài viên Paracetamol hay Panadol là bệnh nặng thêm và đem lại nguy cơ cao về cả mạng sống của con người. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau một cách tùy tiện luôn luôn là một lời khuyên không bao giờ thừa nhất là vào các dịp lễ hay chuẩn bị vào mùa thi cử như hiện nay. Vì thế các em học sinh và cả bậc phụ huynh cần lưu ý. Đừng để bệnh nặng thêm vì thiếu hiểu biết.
Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)