So với các khu vực khác thì tình hình Covid-19 ở khu vực miền Trung vẫn còn kiểm soát tốt. Tuy nhiên để vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội vừa phòng chống dịch, các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị… đã và đang có nhiều giải pháp tăng cường phòng dịch.
Bệnh viện Trung ương Huế thành lập Trung tâm nghiên cứu và điều trị Covid-19 với quy mô 300 giường bệnh
Xuất hiện các ca không rõ nguồn lây
So với khu vực miền Nam thì tình hình dịch bệnh Covid-19 ở miền Trung không quá nghiêm trọng; tuy nhiên số ca mắc vẫn tăng từng ngày, đặc biệt là ca mắc trong cộng đồng với lịch trình di chuyển phức tạp. Phần khác, số ca mắc tăng cao được phát hiện do các lao động trở về từ các tỉnh phía Nam, đang thực hiện cách ly tại nhà. Đơn cử như ngày 8-12, TP.Đà Nẵng ghi nhận 169 ca mắc Covid-19, trong đó có 17 ca cách ly tập trung, 60 ca cách ly tại nhà, 23 ca trong khu phong tỏa và 69 ca cộng đồng (trong đó Q.Liên Chiểu có 39 ca đại diện các hộ gia đình tại P.Hòa Khánh Nam, P.Hòa Minh và P.Hòa Hiệp Nam). Đáng chú ý, trong số 169 ca nói trên có đến 120 ca có khả năng lây lan cho cộng đồng.
Tính từ ngày 16-10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19, trong đó có trên 150 ca về từ ngoại tỉnh. Toàn thành phố có khoảng 230 khu vực phong tỏa với trên 1.500 hộ dân/9.556 nhân khẩu. Có 17 cơ sở cách ly tập trung đang cách ly khoảng 650 người.
Tỉnh Thừa Thiên Huế dù là địa phương có số ca mắc Covid-19 trong đỉnh dịch khá thấp nhưng thời gian trở lại đây, ca mắc cộng đồng tăng cao. Tính riêng trong ngày 8-12 có 156 ca mắc, trong đó có tới 109 ca cộng đồng. Tính đến nay toàn tỉnh có hơn 5.700 ca mắc Covid-19, bao gồm cả bệnh nhân nơi khác chuyển đến BV Trung ương Huế điều trị. Hiện có khoảng 2.500 ca đang điều trị. Ngành y tế ghi nhận hơn 10 ca tử vong (kể cả các ca bệnh nặng chuyển từ tỉnh khác đến).
Tại Quảng Trị, từ đầu năm đến nay có gần 1.200 ca mắc Covid-19. Số lượng F0 xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, số ca mắc khá cao. Tập quán sinh hoạt và các điều kiện khác khiến nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tại khu vực này rất lớn. Điều kiện kinh tế của đồng bào thiểu số còn khó khăn nên dịch bệnh bùng phát khiến sinh hoạt của nhiều gia đình bị đảo lộn…
Tăng cường kiểm soát phòng dịch
Để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thực hiện song song mục tiêu phát triển kinh tế đảm bảo phòng chống dịch, các tỉnh thành này đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.
Bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP đã chỉ đạo ngành y tế, các quận huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch một cách khẩn trương, đồng thời đảm bảo cho người dân sinh hoạt, sản xuất an toàn. Ngành y tế đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc các trường hợp mắc SARS-CoV-2 trong cộng đồng nhằm sớm ngăn chặn nguồn lây.
Theo thống kê trong số ca mắc Covid-19 tại TP.Đà Nẵng hiện nay, có khoảng 78% trường hợp đã tiêm vắc-xin.
“Việc tiêm vắc-xin nhằm hạn chế sự lây lan cũng như giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng tử vong. Vì vậy, cùng với tiêm vắc-xin, người dân cần chú trọng thực hiện nghiêm 5K để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, bà Yến nhấn mạnh.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng – nhìn nhận, tình hình dịch trên địa bàn TP tuy được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là khi thế giới đã ghi nhận biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 – có nguy cơ bùng phát đợt dịch mới. Với phương châm phòng, chống dịch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch… TP tiếp tục thực hiện tốt 3 trụ cột: cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể. Việc cách ly, phong tỏa đều đưa ra mục tiêu và lộ trình, từ đó có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm sớm kết thúc cách ly, phong tỏa. TP tiến hành xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch. Việc xét nghiệm phải đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Về điều trị phải tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở để góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
Ngành y tế TP.Đà Nẵng triển khai lấy mẫu xét nghiệm để ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng
“Các địa phương, đơn vị phải đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của các ổ dịch; rà soát, truy vết, không để sót F1, F2, F3 liên quan để có biện pháp can thiệp phù hợp…”, ông Triết chỉ đạo.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, để đáp ứng nhu cầu điều trị, BV Trung ương Huế đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và điều trị Covid-19 với quy mô 300 giường bệnh. Trung tâm có chức năng thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực, phức tạp cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Đồng thời trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về dịch Covid-19 như thống kê, điều tra các biến chủng, các đặc tính sinh học… làm cơ sở dữ liệu để nghiên cứu tìm ra các biện pháp điều trị tốt nhất.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BV Trung ương Huế, tháng 8-2021, BV Trung ương Huế đã thành lập Trung tâm ICU tại TP.HCM quy mô 614 giường với đầy đủ hệ thống cận lâm sàng từ chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, huyết học, vi sinh… Trung tâm đã điều trị cho hơn 1.800 bệnh nhân, trong đó có khoảng 1.600 bệnh nhân nặng chuyển đến từ các tuyến. Với các kỹ thuật cao, trung tâm đã cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Dự kiến, ngày 15-12, BV Trung ương Huế sẽ bàn giao lại Trung tâm ICU cho Sở Y tế TP.HCM quản lý, thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Hàn Giang
Bình luận (0)