Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, nhiều doanh nghiệp cố gắng giữ chân người lao động cũ và thu hút người mới theo khả năng của mình.
Thời điểm cuối năm âm lịch, nhiều doanh nghiệp nỗ lực tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu đơn hàng. Trong ảnh: Đại diện Công ty CP Kỹ thuật ViJa đến trường nghề tuyển dụng sinh viên năm cuối các ngành kỹ thuật
Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng hiện nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục kết nối tuyển dụng lao động thông qua nhiều kênh để giải quyết các đơn hàng tồn đọng, đồng thời chuẩn bị cho đơn hàng mới vào năm 2022. Đây cũng là cơ hội cho người lao động vừa trở lại thành phố tìm việc làm sau thời gian dài về quê tránh dịch Covid-19.
Giữ chân người lao động bằng mọi giá
Thời điểm cuối năm (âm lịch – PV), thị trường lao động dịch chuyển lớn, cộng thêm sự thiếu hụt lao động do yếu tố dịch tễ cũng như cận Tết, người lao động về quê trước đó chưa trở lại thành phố nên doanh nghiệp phải tăng cường tuyển dụng để bổ sung. Có nhiều cách để doanh nghiệp thu hút người mới cũng như giữ chân người lao động nhằm động viên, khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài.
Ông Trần Nam Bình (Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bao bì và Cơ khí Phương Nam, quận 7, TP.HCM) cho biết công ty còn có nhiều đơn hàng trị giá hàng chục tỷ đồng phải làm xuyên Tết để bàn giao đúng tiến độ cho đối tác. Để đảm bảo đủ nhân lực cho các đơn hàng này, ngoài hơn 150 lao động tình nguyện đăng ký làm xuyên Tết, công ty phải tuyển thêm khoảng 100 người, trong đó chủ yếu là lao động các ngành nghề kỹ thuật như cơ khí chính xác, hóa nhựa, quản lý kho và vận tải… “Người lao động có thể chọn làm việc lãnh lương theo ngày, lương tuần hoặc lương tháng nhưng phải cam kết làm việc đến khi hoàn thành số đơn hàng này, không nghỉ giữa chừng. Bù lại, ngoài mức lương trung bình 350-450 ngàn đồng/ngày, 10-15 triệu đồng/tháng (tùy vị trí), phía công ty sẽ có chế độ lương, thưởng tùy vào năng lực và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ 100% chi phí test Covid-19 theo quy định. Riêng người lao động ở xa hoặc chưa có nơi trọ ổn định có thể ở lại công ty”, ông Bình nói.
Tại các sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến cuối năm 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh so với quý III và hai tháng đầu quý IV-2021. Nhóm ngành nghề cần tuyển dụng lao động tập trung chủ yếu ở các ngành xây dựng, logistic, điện – điện tử, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, giải trí…), thực phẩm… Ông Nguyễn Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) khẳng định, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nóng lòng chờ người lao động. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng thời điểm này chủ yếu ở trình độ CĐ, TC và sơ cấp nghề. Bên cạnh các chế độ theo quy định, mỗi doanh nghiệp còn có chính sách riêng như hỗ trợ tiền ăn, đi lại, chi phí xét nghiệm Covid-19… Bà Trần Thị Hồng Vân (Chủ tịch Công đoàn Công ty Nessei Electric Việt Nam) cho biết thời điểm cuối năm có nhiều đơn hàng, cộng với sự dịch chuyển lớn của thị trường lao động nên công ty có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đưa ra nhiều chính sách để giữ chân người lao động như lương, thưởng và quà Tết. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hải (chủ doanh nghiệp gia công cơ khí Hải Nam, TP.Thủ Đức) lo lắng, nếu như trong tháng 11-2021, việc tuyển dụng lao động kỹ thuật đơn giản thì sang tháng 12-2021 và tháng 1-2022, tuyển rất khó. Ông Hải lý giải, thời điểm cận Tết, người lao động tranh thủ sắp xếp về quê đón Tết cùng gia đình, còn một bộ phận lo ngại dịch sẽ bùng phát mạnh trở lại nên chưa quay lại thành phố. Vì vậy, để đảm bảo đủ nguồn lao động vận hành xưởng thì chúng tôi phải tăng cường thêm các khoản phụ cấp, công khai với người lao động để giữ chân cũng như thu hút người mới. “Cực chẳng đã chúng tôi mới tuyển mới với số lượng lớn chứ tuyển dụng đã khó, lại phải mất thời gian đào tạo theo yêu cầu công việc (ít nhất 1 tuần với người đã có tay nghề); tuy nhiên, vì hầu hết là lao động còn trẻ nên thường có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, giữ chân họ càng khó hơn. Mỗi năm, chúng tôi tuyển mới 2 đợt, trung bình khoảng 100 người. Qua thời gian thử việc, sàng lọc, tỷ lệ rơi rụng đến 70%”, ông Hải cho biết.
Kết nối vùng chia sẻ nguồn lao động
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, việc tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm âm lịch thường không đạt chất lượng như mong muốn do thiếu nguồn tuyển. Như mọi năm, thời điểm này học sinh – sinh viên trường nghề đã tốt nghiệp nên nguồn tuyển khá dồi dào, thêm cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc, lựa chọn kỹ hơn. Năm nay, do dịch Covid-19 kéo dài, lịch tốt nghiệp phải giãn ra, thậm chí có nhiều khóa phải dời sang đầu năm 2022 dẫn đến nguồn cung thiếu hụt. Đó là chưa kể chất lượng đào tạo bị ảnh hưởng do giãn cách, thời gian thực tập tại doanh nghiệp hạn chế, số lao động mới này thiếu nhiều kỹ năng phải mất thời gian và chi phí đào tạo lại.
Đại diện Công ty CP Kỹ thuật ViJa (tỉnh Bình Dương) cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, xuất khẩu sang Nhật Bản, yêu cầu tuyển dụng, đào tạo khắc khe hơn. Nguồn tuyển lao động chính hàng năm của công ty là các trường nghề đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Theo đó, công ty có kết nối chặt chẽ với các đơn vị đào tạo để có nguồn lao động chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lao động có kỹ năng, vững tay nghề, công ty chủ động liên kết đặt hàng đào tạo. Tương tự, mặc dù đến thời điểm này công ty đã tuyển 75/80 lao động theo kế hoạch cho các vị trí kỹ thuật viên đứng máy phay, tiện, gia công khuôn mẫu… để kịp bắt tay thực hiện đơn hàng đầu năm 2022, nhưng ông Trần Nam Bình vẫn lo vì số lao động này sẽ “rơi rụng”. Ông Bình cho rằng thời điểm nhảy việc của lao động, đặc biệt là lao động trẻ mới ra trường thường rơi vào khoảng đầu đến giữa năm. Đây là thời điểm doanh nghiệp thực hiện cơ cấu, sắp xếp lao động theo kế hoạch năm. Người lao động nhảy việc cũng là để tìm môi trường làm việc tốt hơn, mức lương cũng như chế độ đãi ngộ hấp dẫn hơn. Hơn nữa, khoảng tháng 3, tháng 4 trong năm thị trường lao động sôi động hơn, doanh nghiệp cũng tranh thủ để tuyển dụng nguồn lao động chất lượng nhất đáp ứng yêu cầu mới. Từ thực tế đó, ông Bình đề xuất: “Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng cùng thời điểm thì nguồn cung thiếu hụt, đó là chưa kể các doanh nghiệp lớn có khả năng trả lương cao sẽ “hớt tay trên”. Do đó, các trung tâm giới thiệu việc làm, kể cả các trung tâm thuộc khu chế xuất – khu công nghiệp cần tăng cường kết nối với các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… để chia sẻ nguồn lao động”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)