Sự thiếu hụt lao động vào quý III-2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 kéo theo nguồn lao động sẽ bị đứt gãy sau Tết Nguyên đán 2022.
Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng chiếm tỷ lệ cao ở các nhóm ngành nghề: cơ khí, điện – điện tử, chế biến lương thực, thực phẩm…
Các chuyên gia việc làm cho rằng, thông thường sau Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường lao động có sự thay đổi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Đây cũng là lý do vào cuối năm, các DN phải vừa lo sản xuất vừa nỗ lực tuyển dụng mới để bổ sung, thay thế cho các vị trí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lao động di cư ngược từ thành phố lớn về quê chiếm tỷ lệ cao khiến nguồn lao động thiếu hụt vào quý I và quý II-2022.
Xáo trộn lớn về thị trường lao động
Với kinh nghiệm gần 15 năm tuyển dụng lao động, bà Ngô Thanh Phương (Công ty TNHH thi công và lắp đặt tủ bảng điện Trường Thành, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) nhận định, đầu năm 2022, thị trường lao động sẽ có sự xáo trộn lớn, nhất là tình hình dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát. Theo đó, sẽ có không ít DN rơi vào tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động trình độ TC và CĐ. Theo bà Phương, ngay từ quý III-2021, nhiều DN gặp khó khăn lớn về lao động do ảnh hưởng của giãn cách xã hội cũng như yếu tố dịch tễ. Đáng lo ngại là nhiều lao động sau thời gian về quê chưa hoặc không có ý định trở lại TP.HCM làm việc vì nhiều lý do như thời gian cận Tết, khủng hoảng tâm lý sau dịch, đã chuyển đổi việc làm trước đó… “Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh, một số DN chọn giải pháp tuyển dụng lao động thời vụ để “chữa cháy”. Tuy nhiên, thường vào đầu năm, lao động nhảy việc chiếm tỷ lệ lớn; do đó, dù đã có kế hoạch từ trước nhưng DN vẫn luôn bị động, nhất là thời điểm dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào”, bà Phương giải thích.
Cũng ở góc độ DN, ông Đào Văn Trung (Giám đốc nhân sự Công ty Cơ điện Thành Phát, TP.Thủ Đức) lo lắng DN sẽ thiếu lao động vào đầu năm 2022 do nguồn cung thấp hơn cầu. Bức tranh thị trường lao động đã chỉ ra nguyên nhân thiếu hụt lao động, đó là sự thay đổi môi trường làm việc; chia sẻ lao động giữa các địa phương; nhu cầu làm việc ở nước ngoài tăng mạnh; học sinh, sinh viên chưa tốt nghiệp do tác động của dịch… “Thị trường lao động xuất khẩu đang có dấu hiệu hồi phục nhanh. Các thị trường truyền thống của lao động xuất khẩu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… đã nới lỏng các quy định về phòng chống dịch. DN đã và đang hoàn tất các thủ tục để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết với đối tác trước đó. So với tổng số lao động, người có nhu cầu làm việc ở nước ngoài không cao nhưng đó là những lao động có chuyên môn và kỹ năng nghề. Do đó, DN trong nước sẽ phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực có tay nghề cao”, ông Trung cho biết.
Thiếu hụt lao động trình độ TC
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục thống kê ở 22.700 DN về ảnh hưởng của dịch Covid-19, có đến gần 18% DN thiếu lao động. Theo đó, tại vùng Đông Nam bộ, tỷ lệ DN thiếu hụt lao động chiếm đến 30,6%, cao nhất là Bình Dương 36,9%; Bình Phước 34,5%, kế đến là TP.HCM với 31,8%. Riêng quý III-2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người (từ 15 tuổi trở lên) bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19, trong đó có 4,7 triệu người mất việc; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ; 12 triệu nguời bị cắt giảm giờ làm… Từ khảo sát trên, Tổng cục Thống kê cho biết vào cuối quý I, đầu quý II-2022, sự thiếu hụt lao động sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Còn theo Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), từ quý I-2022, các DN sẽ hoạt động với công suất lớn nhưng không tránh khỏi khó khăn về nguồn lao động. Số lao động đã di cư ngược từ thành thị về nông thôn từ quý III và quý IV-2021 chiếm số lượng lớn, khoảng 60% dân số di chuyển. Trong số này, dự báo chỉ khoảng 60-70% lao động quay trở lại các khu công nghiệp làm việc, do vậy thị trường lao động có nguy cơ đứt gãy vào đầu năm 2022.
TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG QUA ĐÀO TẠO CHIẾM HƠN 85% Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, năm 2022, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Dự kiến toàn thành phố có gần 5 triệu lao động làm việc, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,96%; công nghiệp – xây dựng chiếm 37,15%; thương mại – dịch vụ chiếm 61,89%… Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 19,37%, trong đó ngành cơ khí chiếm 4,37%; sản xuất hàng điện tử chiếm 6,97%; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống chiếm 3,96%; hóa dược – nhựa – cao su chiếm 4,07%. Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 51,26%, trong đó ngành thương nghiệp chiếm 15,45%; vận tải kho bãi chiếm 4,51%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 5,11%; thông tin và truyền thông chiếm 3,67%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 4,77%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 6,53%; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ chiếm 2,51%; GD-ĐT chiếm 5,1%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 3,61%… Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 86,28%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 22,52%; TC chiếm 24,43%; CĐ chiếm 18,59%; ĐH trở lên chiếm 20,74%. T.Anh |
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường lao động trong năm 2022. Theo đó, kịch bản thứ nhất, nếu tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp thì nhu cầu nhân lực của thành phố cần khoảng 255.000-280.000 lao động. Trong đó, quý I cần khoảng 71.500-78.500 người; quý II: 59.600-65.500 người; quý III: 60.600-66.500 người; quý IV: 63.300-69.500 người. Còn kịch bản thứ hai, dịch Covid-19 được kiểm soát thì trong quý I-2022, các DN trên địa bàn thành phố cần tuyển từ 280.000-310.000 lao động, trong đó quý I: gần 87.000 người; quý II: 72.000 người; quý III: 74.000 người và quý IV khoảng 77.000 người. Nhu cầu tuyển dụng chiếm tỷ lệ cao tập trung ở các nhóm ngành nghề như cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, chế biến lương thực, thực phẩm… Về cơ cấu trình độ, DN tuyển dụng lao động trình độ CĐ-TC và sơ cấp (chiếm 86% tổng nhu cầu). Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng nhận định, với khoảng 500.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN. Tuy nhiên, các chuyên gia việc làm lo ngại tình trạng lao động vừa thừa vừa thiếu như hiện nay. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho rằng, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ TC chiếm tỷ trọng cao trong các bậc đào tạo. Hiện nay, thị trường cần 30% lao động trình độ TC, cứ 10 người tham gia thị trường lao động thì có 6 người trình độ ĐH; 2 người CĐ; 1 TC và 1 sơ cấp, điều này cho thấy sự thiếu hụt lao động trình độ TC.
Ông Nguyễn Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM) cũng cho biết, thống kê trên 1.000 vị trí tuyển dụng thì có trên 50% nhu cầu tuyển trình độ TC và sơ cấp, 30% trình độ CĐ và chỉ gần 20% trình độ ĐH.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)