Y tế - Văn hóaDinh dưỡng học đường

Đừng phát bệnh vì… tết!

Tạp Chí Giáo Dục

Những quy tắc về dinh dưỡng thường bị đảo lộn trong những ngày tết, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính.

Người bệnh đái tháo đường nên giới hạn ăn bánh chưng, bánh tét trong ngày tết – Ảnh: N.C.T.
Từ quan niệm “tết phải đầy ắp, dư thừa thì cả năm mới no đủ”, cộng thêm tâm lý “thỏa thích ăn uống” trong mấy ngày tết đã làm nhiều người chủ quan, quên mất bệnh của mình cần kiêng cữ, giữ gìn ra sao… Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng có nhận xét như vậy.
Những bệnh cần “siết” đường ăn
Bác sĩ Lê Thị Kim Quý, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, lưu ý thực phẩm ngày tết thường có hàm lượng chất béo, đạm cao, đặc biệt là hàm lượng đạm động vật. Chỉ tính riêng các món ăn cổ truyền ngày tết như thịt kho tàu với trứng, giò thủ, giò lụa… đã thể hiện rõ điều này. Chưa kể một lượng đồ ngọt như mứt, bánh kẹo… cũng được tiêu thụ đáng kể trong tết. Do vậy, ăn uống trong những ngày tết rất dễ làm người bình thường bị nới rộng vòng hai, người mắc bệnh mãn tính có liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, cao huyết áp… dễ bị trở bệnh nặng.
Dù đi chơi hay ở nhà cũng nên duy trì đủ bữa, đúng giờ và ăn vừa đủ để đảm bảo cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Kim Quý, người có bệnh mãn tính cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, uống thuốc đều đặn theo toa và có chế độ ăn hợp lý.

Người mắc bệnh gan (viêm gan, xơ gan mãn tính) cần kiêng rượu bia, nhất là rượu nặng. Các món nhiều dầu mỡ trong các bữa ăn ngày tết cũng không có lợi cho người mắc bệnh gan. Không nên ăn quá nhiều đạm vì lá gan bị bệnh không đủ sức chuyển hóa hết các chất gây đầy bụng, khó tiêu. Lượng amoniac sinh ra từ chuyển hóa đạm không được gan xử lý hết sẽ biến thành urê gây hại cho cơ thể. Người bệnh gan còn phải chú ý giữ vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu để xảy ra rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc tiêu hóa sẽ gây ra đợt viêm gan tiến triển, có khi rất nặng.
Người mắc bệnh thận cần giữ chế độ ăn nhạt hoặc ít muối, đảm bảo độ đạm 50-60 gam/ngày từ nguồn thịt động vật (đã bỏ da) như nạc heo, bò, gà, vịt đã kiểm dịch, tôm, cá, các loại đậu.
Với người mắc bệnh đái tháo đường cần lưu ý giới hạn lượng nếp từ bánh chưng, bánh tét. Những loại bánh này có nhân làm từ đậu xanh thì có thể ăn nhiều hơn. Không nên ăn quả khô sấy, trái cây ngọt mà thay bằng trái cây nhiều nước như bưởi, thanh long, mận, ăn nhiều rau. Các loại xà lách hoặc món khổ qua dồn thịt rất thích hợp với người bệnh đái tháo đường.
Người bị cao huyết áp nên duy trì chế độ ăn ít muối, ít béo, giàu canxi (sữa ít béo, cá, tép nhỏ ăn cả xương, rau xanh, đậu đỗ), giàu kali (rau trái), hạn chế rượu, bia; không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn (thường có hàm lượng muối cao) như đồ hộp, chả giò, lạp xưởng, khô mực; hạn chế các món ăn mặn như tương, chao, cá khô.
Tránh nấu nhiều, hâm đi hâm lại
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoa – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, thực đơn phù hợp trong ngày tết nên có một món chất bột đường (bánh tét hoặc xôi, mì, miến), một món chất đạm (giò chả, thịt, cá), một món rau (canh xúp rau củ). Ngoài ra, để thêm hương vị thì một chút rau ghém, rau sống. Không nên chế biến quá nhiều món vì ăn nhiều sẽ không còn cảm giác ngon của món chính nữa.
Bác sĩ Kim Quý cho rằng những bữa tiệc đầu năm không có rượu sẽ mất vui, nhưng không nên dùng rượu mạnh mà thay bằng rượu vang. Uống rượu vang, nhất là loại làm từ nho, trong bữa ăn rất tốt vì sẽ kích thích tiêu hóa. Một số thành phần trong rượu vang có tác dụng cản trở sự hình thành sạn từ axit uric, làm người mắc bệnh gout không bị bệnh nặng thêm.
Không nên nấu quá nhiều và tránh hâm đi hâm lại thực phẩm vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Nấu nướng nhiều dẫn đến tình trạng… cố ăn cho hết. Ăn nhiều sẽ làm bao tử mệt. Ngược lại, ham vui chơi quá để đói kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết, cung cấp oxy cho não kém gây mệt mỏi, cáu gắt.
Nhiều quý ông thường nhậu quên cả ăn, đây chính là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày ở những người đã tiềm ẩn bệnh dạ dày.
Bác sĩ Kim Quý cũng lưu ý nước ngọt có gas thường có mặt trong bữa ăn dịp tết. Trẻ em rất thích uống nước ngọt nhưng loại nước này không tốt vì chỉ có năng lượng rỗng (đường và các loại hương liệu) chứ không có thành phần dinh dưỡng cần thiết, làm trẻ no ngang, gây biếng ăn. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ ăn lặt vặt suốt ngày mà bỏ ăn bữa chính. Phụ huynh cũng cần lưu ý một số loại thức ăn có thể gây hóc, sặc cho trẻ em như các loại hạt: đậu phộng, hạt bí, hạt dưa, các loại trái cây có hạt nhỏ như dưa hấu, mãng cầu, sapôchê.
Duy trì chế độ tập luyện
Với nhiều người, ngày tết luôn có một chế độ ăn uống dồn dập, hết bữa tiệc này qua bữa tiệc khác nhưng chế độ tập luyện thường ngày lại được tạm nghỉ vì “một năm chỉ có mấy ngày tết”. Đây sẽ là cơ hội tăng cân, dự trữ mỡ. Theo bác sĩ Kim Quý, mọi người cần duy trì chế độ tập luyện (có thể đi bộ, tập thể dục ở nhà dù thời gian tập luyện ít hơn những ngày thường). Đặc biệt, không nên ăn sau 19g vì thời gian này gần đến giờ đi ngủ, ít vận động nên dễ bị tích lũy mỡ. Chú ý uống đủ lượng nước chín cần thiết, tối thiểu 1,5-2 lít/ngày, nhất là khi du lịch ngoài trời, nên ăn nhiều rau củ để cản trở sự hấp thụ chất béo.
Khi đi chơi xa phải ăn ngoài cần chú ý vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại bột ăn liền, cháo ăn liền, sữa tươi, sữa chua, nước ép trái cây, nước tinh khiết đóng chai rất tiện dụng cho trẻ khi đi du lịch cũng như những ngày tết.
THÙY DƯƠNG / TTO

Bình luận (0)