Để đơn giản hoá thanh toán khí đốt bằng đồng rúp, Nga sửa luật thuế đối với các công ty nước ngoài.
Nga sửa luật để đơn giản hoá cách thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Nga sửa luật thuế
Luật thuế của Nga đã được sửa đổi để giúp các công ty nước ngoài mở tài khoản tại các ngân hàng của Nga và đăng ký với cơ quan thuế của nước này dễ dàng hơn – RT đưa tin.
Ngày 1.5, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một dự luật thành luật sửa đổi mã số thuế của Nga và công bố trên cổng thông tin chính thức về thông tin pháp lý.
Luật này nhằm giúp các công ty nước ngoài thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp, phù hợp với cơ chế mới được thông qua vào tháng trước. Các pháp nhân nước ngoài sẽ có thể đăng ký với cơ quan thuế của Nga sau khi ngân hàng mở tài khoản cho họ nộp đơn đăng ký.
“Điều này làm cho việc đăng ký và mở tài khoản trở nên thực sự dễ dàng” – nhật báo kinh doanh Vedomosti dẫn lời nhà lập pháp kiêm thành viên ủy ban thuế Olga Anufrieva cho biết. Bà nói thêm rằng, biện pháp này chỉ là tạm thời.
Vào tháng 3, Mátxcơva yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" (những nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga) phải trả tiền khí đốt bằng đồng rúp. Liên minh Châu Âu (EU) từ chối, nói rằng làm như vậy sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraina và các điều khoản của hợp đồng hiện tại.
Tuy nhiên, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, 10 quốc gia thành viên đã đồng ý sử dụng cơ chế thanh toán mới và 4 quốc gia đã thực hiện các khoản thanh toán đầu tiên bằng đồng tiền của Nga. Chính phủ Hungary hôm 1.5 xác nhận đã mở một tài khoản euro với ngân hàng Gazprombank của Nga.
Hungary không ủng hộ cấm vận dầu khí Nga
Hungary đồng thời tái khẳng định lập trường không ủng hộ việc cấm vận dầu khí Nga. Hungary phủ nhận một báo cáo trên các phương tiện truyền thông Đức tuyên bố rằng, nước này chuẩn bị ủng hộ lệnh cấm của EU đối với dầu khí Nga để đáp lại chiến dịch quân sự của Mátxcơva ở Ukraina.
Budapest khẳng định lập trường của mình về vấn đề này sau khi đài truyền hình ZDF của Đức trích dẫn các nguồn tin nói rằng, các nước “do dự” như Áo, Hungary và Slovakia đã “rút lại quyền phủ quyết”.
Người phát ngôn về các vấn đề quốc tế của chính phủ Hungary, Zoltan Kovacs.
Người phát ngôn về các vấn đề quốc tế của chính phủ Hungary, Zoltan Kovacs, đã tweet hôm 2.5: “Không, các biên tập viên thân mến tại ZDF, Hungary không từ bỏ quyền phủ quyết của mình. Trên thực tế, lập trường của Hungary về các lệnh trừng phạt dầu khí từ Nga vẫn không thay đổi: Chúng tôi không ủng hộ”.
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đã cảnh báo việc cắt nguồn cung từ Mátxcơva sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này.
“Chúng ta không được áp dụng các biện pháp trừng phạt đó, bởi những lệnh trừng phạt mà chúng ta áp đặt lại khiến chúng ta tự trừng phạt mình” – ông Gergely Gulyas, người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Hungary nói với đài Kossuth hôm 1.5. Ông giải thích, Budapest đang trải qua lạm phát cao hơn dự kiến và quan tâm đến việc tiếp tục nhận được “năng lượng với mức giá rẻ nhất có thể”.
Trong một cuộc phỏng vấn riêng với HirTV, ông Gulyas khẳng định, Hungary sẽ không bao giờ ủng hộ lệnh cấm vận đối với dầu khí của Nga.
Vào tháng 3, EU công bố kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030, chứ chưa cấm ngay lập tức, bất chấp lời kêu gọi từ Kiev.
Hôm 2.5, Reuters dẫn lời các quan chức EU nói rằng, Brussels có thể miễn cho Hungary và Slovakia khỏi lệnh cấm vận đối với dầu của Nga. Gói trừng phạt mới nhất dự kiến được hoàn thiện vào ngày 2.5.
Sau khi phương Tây đóng băng tài sản nhà nước của Nga để đáp trả chiến dịch quân sự ở Ukraina, Nga đã yêu cầu các thành viên EU chuyển sang thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Nga đã cắt khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào tuần trước vì hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng tiền của Nga.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen gọi động thái này là "không hợp lý và không thể chấp nhận được”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 2.5 lập luận rằng, nhu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng rúp là chính đáng vì phương Tây đã “đánh cắp” tài sản của Nga, “phần lớn trong số đó kiếm được thông qua việc cung cấp khí đốt và dầu”.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định, cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)