Hội nhậpThế giới 24h

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Đại hội đồng LHQ bác kiến nghị của Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 10-10 đã bỏ phiếu không tán thành kiến nghị của Nga liên quan đến việc Đại hội đồng bỏ phiếu kín về dự thảo nghị quyết phản đối Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine.

Với 107 phiếu ủng hộ, 13 phiếu phản đối, 39 phiếu trắng và một số nước như Nga, Trung Quốc… không bỏ phiếu, Đại hội đồng (gồm 193 thành viên) quyết định cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra công khai. Các nhà ngoại giao cho biết cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 12-10.

Bản dự thảo nghị quyết mới sẽ kêu gọi các quốc gia không công nhận động thái của Nga và tái khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Đại hội đồng LHQ bác kiến nghị của Nga - Ảnh 1.

Các nhà ngoại giao cho biết cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 12-10. Ảnh: AP

Về phía Nga, Moscow lập luận rằng cần một cuộc bỏ phiếu kín bởi vì hoạt động vận động hành lang của phương Tây khiến việc công khai bỏ phiếu "có thể sẽ rất khó khăn". Cách nay không lâu, vào ngày 30-9, Nga đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết tương tự của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm 15 thành viên.

Reuters cho rằng các động thái tại Liên Hiệp Quốc phản ánh những gì đã xảy ra vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tại Hội đồng Bảo an, Nga đã phủ quyết dự thảo nghị quyết phản đối cuộc trưng cầu dân ý về Crimea. Đại hội đồng sau đó đã thông qua một nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ với 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng chính thức, trong khi 20 quốc gia không tham gia.

Khủng hoảng Nga-Ukraine: Đại hội đồng LHQ bác kiến nghị của Nga - Ảnh 2.

Quân đội Ukraine phụ thuộc hơn vào vũ khí phương Tây khi chiến sự kéo dài. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky sẽ phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7 (gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản và Mỹ) vào ngày 11-10 để kêu gọi tăng cường hỗ trợ quân sự và ngoại giao sau đợt tấn công tên lửa lớn nhất của Nga vào các thành phố của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại nước này.

Theo tờ The Guardian, bài phát biểu của Tổng thống Zelensky sẽ xoáy vào hai mục tiêu: cơ sở hạ tầng năng lượng và con người. Bên cạnh đó, ông Zelensky cũng sẽ nhấn mạnh đến các hệ thống phòng không và lặp lại nhu cầu lâu nay về tên lửa tầm xa hơn.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức ngày 10-10 tuyên bố sẽ chuyển hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên cho Ukraine trong vài ngày tới vì vụ tấn công tên lửa của Nga. Ngoài ra, người phát ngôn của chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết Đức sẽ làm mọi thứ trong khả năng để huy động viện trợ bổ sung, giúp khôi phục cơ sở hạ tầng dân sự bị hư hỏng.

Hồi tháng 7, Mỹ thông báo bổ sung gói viện trợ quân sự trị giá 820 triệu USD cho Ukraine, trong đó có 2 hệ thống tên lửa đất đối không NASAMS. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với tờ Washington Post rằng hệ thống tên lửa đất đối không sẽ đến Ukraine trong vòng vài tuần tới.

Theo Hải Ngọc – Huệ Bình/NLĐO

 

Bình luận (0)