Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), tôi xin kể lại đôi kỷ niệm về quá trình hoạt động văn hóa – nghệ thuật – báo chí của mình.
Nhạc sĩ, nhà báo Trương Quang Lục đệm đàn piano
Trong kháng chiến chống Pháp, thời học phổ thông, tôi đã bắt đầu tập tành sáng tác âm nhạc. Khi bắt đầu vào cấp 3, tôi có được vài bài hát được phổ biến trong quần chúng ở địa phương như “Hoa xuân đất nước”, “Đố cờ”, “Hoa bên suối”… Lớn lên, trở thành cán bộ văn hóa – văn nghệ ở Liên khu 5 (Nam Trung bộ), công tác tại các cơ quan ngành Hỏa xa, Thanh niên xung phong, tôi có những sáng tác như “Chuyến tàu trăng”, “Bảo vệ hòa bình”, “Bài ca Đội Thanh niên xung phong”… Năm 1954, tôi được tập kết ra miền Bắc. Tại Hà Nội, năm 1957, tôi được tham gia Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và trở thành một trong hơn 40 hội viên đầu tiên.
Đến với những người thợ
Để có điều kiện hòa nhập vào quần chúng lao động và có thực tế sáng tác, tôi vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi tốt nghiệp kỹ sư, về công tác tại một nhà máy ở Lâm Thao, Phú Thọ. Cảnh vật và con người miền trung du tạo cảm hứng cho tôi sáng tác nhiều ca khúc về vùng đất này, đáng chú ý có bài “Tiếng hát bên rừng cọ đồi chè”: “À ơi… Mênh mông đồi chè/ À ớ… Xanh xanh rừng cọ/ Ta mến làng ta đồi nương bát ngát/ Biêng biếc cành lá chè xanh trên sườn đồi…”. Tiếp đến, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ác liệt, máy bay địch đánh phá dã man nhà máy và khu tập thể, công nhân nhà máy dùng súng cao xạ đánh trả quyết liệt. Và ca khúc “Lâm Thao nhà máy chúng ta” ra đời, trở thành ca khúc truyền thống của xí nghiệp: “… Lâm Thao ơi! Nhà máy thân yêu ơi/ Tay búa tay súng sẵn sàng, ta sẵn sàng…”. Cũng trong thời gian công tác tại nhà máy, lòng luôn hướng về miền Nam thân yêu, tôi đã viết ca khúc “Vàm Cỏ Đông” (phổ thơ Hoài Vũ). Gửi cho Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát được các ca sĩ Trần Thụ, Tuyết Nhung và tốp ca nữ trình bày, giọng hát thật ngọt ngào:“Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…”. Đó là năm 1966. Hai năm sau, tôi lại viết ca khúc “Hoa sen Tháp Mười”, cảm hứng từ hai câu thơ của nhà thơ Nam bộ Bảo Định Giang: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”… Năm 1975, thống nhất đất nước, tôi được chuyển công tác vào TP.HCM và vẫn ở trong ngành công nghiệp. Cảm xúc sáng tác dần dần thiên về đề tài phục vụ thiếu nhi. Năm 1979, một niềm vui hiếm có khá đặc biệt đến với tôi khi được trao giải nhất toàn quốc về ca khúc thiếu nhi đề tài hòa bình do Ủy ban Nhi đồng Liên hợp quốc phát động trên toàn thế giới. Đó là bài “Trái đất này là của chúng mình” (phổ thơ Định Hải): “Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi, cánh chim vờn trên sóng…”. Hiện nay, tôi còn lưu giữ nhiều video ghi lại các tiết mục biểu diễn bài này ở nước ngoài như Canada, Đức, Thụy Điển, Nhật… Ca khúc “Trái đất này là của chúng mình” trở thành nguồn động viên tôi sáng tác phục vụ tuổi thơ nhiều hơn…
Gắn bó với những trang báo
Sau khi về Nam ít lâu, tôi được chuyển công tác sang Báo Sài Gòn giải phóng (SGGP), theo yêu cầu của trên và nguyện vọng của tôi. Trước đó khá lâu, tôi cũng từng cộng tác với nhiều tờ báo ở Trung ương và TP.HCM do yêu thích nghề viết báo. Về Báo SGGP, tôi mong muốn công tác ở Ban Văn hóa – Văn nghệ gần gũi với sở trường âm nhạc của mình. Nhưng đồng chí Tổng Biên tập thuyết phục: “Chúng tôi biết rõ đồng chí là một nhạc sĩ, nhưng cũng là một kỹ sư nên đã thống nhất ý kiến bố trí đồng chí về phụ trách Ban Khoa giáo là nơi chưa có ai từng làm công tác khoa học – kỹ thuật. Phần lớn phóng viên trong ban tốt nghiệp ĐH báo chí nên khi viết về lĩnh vực này thường bị sai sót về chuyên môn. Chúng tôi tin rằng đồng chí về phụ trách ban này sẽ giúp khắc phục sai sót này…”. Ngoài nhiệm vụ chính là đọc bài, sửa bài của các phóng viên trong Ban Khoa giáo trước khi đưa sang tòa soạn để đăng lên báo, tôi tranh thủ đến các đơn vị sản xuất, viện nghiên cứu, trường học… tìm hiểu để viết bài. Dưới những bài viết tôi ghi tên tác giả “Trương Quang Lục”. Một hôm, đồng chí Tổng Biên tập nói với tôi: “Chúng tôi biết khá rõ đồng chí là một kỹ sư từng công tác ở nhà máy trên 20 năm, trải qua nhiều cương vị phụ trách. Nhưng hầu hết bạn đọc của báo ta đâu biết điều này. Nên khi đọc một bài báo viết về khoa học – kỹ thuật với cái tên tác giả “Trương Quang Lục”, bạn đọc có thể nghĩ rằng báo ta thiếu người viết về khoa học – kỹ thuật nên phải nhờ đến “tay ngang” nhạc sĩ viết…”.
Nhạc sĩ, nhà báo Trương Quang Lục làm giám khảo tại một cuộc thi âm nhạc
Thế là từ đó dưới các bài viết về khoa học – kỹ thuật, tôi phải dùng bút danh khác. Ngày ngày công việc của tôi khá bận rộn với nhiệm vụ Trưởng ban Khoa giáo sát cánh gần chục phóng viên của một tờ nhật báo ấn hành tại một thành phố đông dân nhất nước. Một hôm, đồng chí phụ trách tờ tuần san SGGP thứ bảy (phụ bản của nhật báo SGGP) đến gặp tôi đề nghị cộng tác với tuần san, cụ thể là giữ một mục về âm nhạc trên trang Văn hóa – Nghệ thuật. Sau thời gian đắn đo suy nghĩ vì ngại thời gian eo hẹp, nhưng rồi tôi cũng vui vẻ nhận lời vì thật ra đây cũng là sở trường thứ hai của tôi. Ngày 19-8-1995, tờ tuần san SGGP thứ bảy số 238 khai trương một mục mới trên trang Văn hóa – Nghệ thuật. Mở đầu mục mới này, tôi giới thiệu ca khúc “Suối mơ” nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao với các thông tin về xuất xứ, hoàn cảnh, thời gian tác phẩm ra đời đồng thời phân tích, bình luận về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Kèm theo phần giới thiệu là bản nhạc và bức ảnh tác giả. Phản hồi của bạn đọc cho biết: Xem mục này, bạn đọc được biết khá nhiều thông tin quý giá xung quanh tác phẩm – tác giả. Càng thêm yêu mến ca khúc quen thuộc và ngưỡng mộ nhạc sĩ nổi tiếng, đồng thời có được bản ký âm nhạc phẩm đáng tin cậy, không sợ “tam sao thất bổn”. Sau mở đầu thuận lợi, cứ hàng tuần trên trang Văn hóa – Nghệ thuật của tuần san thứ bảy, tôi lại tiếp tục giới thiệu tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng khác của nền âm nhạc Việt Nam. Ròng rã 8 năm, từ 19-8-1996 đến 27-9-2003, trang Văn hóa – Nghệ thuật của tuần san thứ bảy đã giới thiệu 388 ca khúc hay của hầu hết các nhạc sĩ nổi tiếng khắp mọi miền đất nước kèm theo nhiều tư liệu thông tin dồi dào về tác phẩm – tác giả…
Trong thời gian làm báo, tôi vẫn tranh thủ sáng tác âm nhạc và đã có một số ca khúc được các bạn nhỏ hưởng ứng như: Điều em muốn, Tuổi mười lăm, Tuổi hồng, Màu mực tím… Có vài bài đã được chọn đưa vào sách giáo khoa. Sau đây là đoạn điệp khúc của bài hát “Điều em muốn” vừa qua được chọn đưa vào sách giáo khoa Âm nhạc lớp 7: “… Điều em muốn một niềm tin/ Em hằng mong ước sống vui tuổi thần tiên/ Cuộc sống tương lai bao hạnh phúc trong tay/ Đây là niềm tin ở ngày mai”. Một niềm vui khác là nhiều trường học từ ngoài Bắc đến trong Nam đã yêu cầu tôi viết bài hát truyền thống cho đơn vị…
Trương Quang Lục
Bình luận (0)