Hơn 3 năm bước vào nghề báo, tôi đã được tiếp xúc và viết rất nhiều nhân vật về người tốt, việc tốt, gương sáng học đường. Mỗi nhân vật đều để lại trong tôi những dấu ấn khác nhau thông qua những câu chuyện, việc làm của họ đối với xã hội. Chính những nhân vật ấy đã giúp chính tôi cũng như bạn đọc thấy cuộc sống này thật đẹp và ý nghĩa.
Phóng viên Hồ Trinh
Từ người tốt, việc tốt
Trong những nhân vật mà tôi từng phỏng vấn và viết bài, chị Nguyễn Thị Ngọc (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) là người mà tôi khâm phục nhất. Với lòng yêu thương động vật, chị đã bỏ ngoài tai mọi lời gièm pha để hằng ngày chăm sóc, cưu mang chó, mèo hoang suốt hơn 6 năm qua. Chó, mèo được chị Ngọc mang về chăm sóc đủ loại thương tật: Có con bại liệt chỉ nằm một chỗ không biết sống được bao lâu. Con thì bị xe cán gãy một chân. Con thì bị ký sinh trùng lông lá trơ trọi. Con thì mù. Con thì ghẻ đầy mình… Những con vật được chị Ngọc mang về, mỗi con mỗi hoàn cảnh. Dù không biết chúng còn sống được bao lâu nhưng hễ con nào đến với chị đều được chăm sóc một cách chu đáo, cho ở trong chuồng trại sạch sẽ, tối ngủ lót khăn ấm thơm mùi nước xả, ăn thức ăn tươi sống do chị tự nấu, đồ hộp công nghiệp được đặt mua. Dù làm được việc mà không phải ai cũng làm được, nhưng chị Ngọc lúc nào cũng giản dị, khiêm tốn. Khi nghe tôi giới thiệu mình là phóng viên muốn liên hệ chị để viết bài tuyên dương, chị một mực từ chối. Chị cho rằng việc mình làm rất bình thường, không muốn ai biết tới. Để được gặp và phỏng vấn chị để thực hiện bài “Người nặng nợ với chó, mèo vô gia cư” (đăng năm 2021), tôi phải nhờ đến sự hỗ trợ của người quen, chính quyền địa phương khuyên nhủ chị. Khi gặp chị, tôi đặt những câu hỏi phỏng vấn đầu tiên, chị cũng rất khiêm tốn trong câu trả lời của mình. Dù vậy, nhưng khi nhắc đến những chú chó, mèo tội nghiệp, chị lại nói hết ruột gan tình cảm của mình dành cho chúng. Chính sự khiêm tốn và việc làm của chị đã để lại trong tôi một sự trân quý vô bờ bến. Chị Ngọc là một tấm gương điển hình truyền đi thông điệp về tình yêu thương đối với chó, mèo hoang.
Cô Hiền mang sách đến học sinh mọi miền Tổ quốc
Với một người làm báo, đi nhiều và tiếp xúc với nhiều nhân vật không chỉ giúp mình có những bài viết ấn tượng mà còn có những trải nghiệm thú vị. Ở đó, chúng ta sẽ được học nhiều điều hay từ nhân vật để từ đó biết hy sinh và dấn thân với nghề nhiều hơn. |
Ngoài chị Ngọc, một người để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi đó chính là cô Hoàng Thị Thu Hiền (cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM)). Ở cái tuổi về hưu, lẽ ra phải được nghỉ ngơi, sống an nhàn bên con cháu nhưng cô Hiền lại tự tạo việc cho mình qua dự án “Sách hay cho học sinh tiểu học”. Để thực hiện dự án, cô và đồng đội phải lặn lội khắp mọi miền Tổ quốc từ Lũng Cú – Hà Giang cực Bắc của Tổ quốc, ra tận đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi rồi đến Mũi Điện Vạn Ninh – Khánh Hòa – nơi đón nhận ánh bình minh đầu tiên ở đất liền của đất nước. Và đã vào tận đất mũi Cà Mau – nơi bãi bồi phù sa của cực Nam thân thương để mang những cuốn sách của muôn vạn tấm lòng đến với học sinh và thầy cô nơi ấy. Trong hành trình ấy, có lúc cô và đồng đội tưởng chừng phải bỏ mạng vì tai nạn nhưng bằng tấm lòng yêu trẻ, vì mầm non của đất nước, cô đã lèo lái con thuyền tri thức trước biết bao sóng dữ để thực hiện dự án. Cô Hiền là tấm gương của một nhà giáo về hưu tận tụy, luôn nghĩ đến các em học sinh. Để bài viết “Ở đâu cần sách, ở đó có cô Hiền” được hoàn thành, đăng trên Tạp chí Giáo dục TP.HCM vào tháng 3-2022, tôi phải liên hệ cô rất nhiều lần mới được gặp, bởi những người làm việc cho cộng đồng thường rất bận rộn, không thích trả lời báo chí để “khoe” mình. Khi tiếp cận nhân vật, tôi nhận ra được một điều rằng, động lực để thôi thúc họ làm việc không lương đó đều xuất phát từ tâm. Và chỉ có những người có trái tim yêu thương con người, vì lợi ích của cộng đồng, xã hội mới có thể làm được.
Đến gương sáng học đường
Không chỉ ấn tượng với những tấm gương về người tốt, việc tốt tôi còn rất ngưỡng mộ những gương sáng học đường. Điển hình như cậu bé Lữ Triển Phong (học sinh lớp 4, Trường Quốc tế Tây Úc, TP.HCM). Cậu bé này chơi được cùng lúc 4 loại nhạc cụ truyền thống Việt Nam khi chỉ mới 8 tuổi. 4 nhạc cụ của Triển Phong gồm: Đàn T’rưng, trống cơm, đàn tranh và đàn bầu. Điều đặc biệt ở chỗ cậu bé này là người Việt nhưng gốc Hoa. Dù học trong môi trường quốc tế, gia đình có điều kiện nhưng từ nhỏ cậu bé được gia đình dẫn dắt chơi nhạc cụ dân tộc và bản thân cậu bé cũng rất yêu thích. Có thể nói, thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc người trẻ đam mê và biết chơi nhạc cụ dân tộc rất ít, thay vào đó họ chạy theo xu thế, theo đuổi những thứ “hot”. Việc Triển Phong giỏi 4 nhạc cụ đã góp phần vào việc giữ hồn dân tộc trong thời hội nhập.
Nói về gương sáng học đường tôi không thể nào quên nhân vật trong bài “Cậu học trò nghèo và ngôi nhà mơ ước” thực hiện và đăng hồi năm 2019. Đó là em Phạm Thế Minh (học sinh lớp 7A1 Trường THCS Lê Lai, Q.8, TP.HCM). Sống trong căn nhà trọ ngang 2m, dài 7m, em gái mắc bệnh Down, mẹ bị tai biến, cha chạy xe ôm nhưng suốt nhiều năm liền Minh luôn là học sinh giỏi. Minh là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó. Ước mơ lớn nhất của Minh là có căn nhà che mưa che nắng cho cha mẹ và đứa em. Để có tiền trang trải, hàng ngày sau giờ học Minh còn đi làm thêm phụ gia đình. Sau khi bài viết về Minh được đăng trên Báo Giáo dục TP.HCM (nay là Tạp chí Giáo dục TP.HCM), một đơn vị tài trợ đã liên hệ Minh gửi tặng suất học bổng 20 triệu đồng để em có thể học tiếp, không bị gián đoạn học tập vì cuộc sống khó khăn. Minh đã truyền cho bạn bè xung quanh một động lực đó là dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, miễn bản thân quyết tâm và cố gắng vượt qua thì cánh cửa tương lai sẽ hé mở. Hiện tại Minh đã lên cấp 3 và chuẩn bị vào đại học. Cuộc sống của gia đình em cũng bớt khó khăn hơn. Tôi tin rằng với bản lĩnh của Minh, em sẽ thành công như mong đợi.
Hồ Trinh
Bình luận (0)