Sự kiện giáo dụcTin tức

“Ngôi nhà Ánh Dương” – giảm bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 23-6, tại TP. Đà Nẵng, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam và Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức lễ ra mắt “Ngôi nhà Ánh Dương” (Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC)).


Lễ kí kết ra mắt Ngôi nhà Ánh Dương tại Đà Nẵng

Đây là Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên tại miền Trung và là ngôi nhà thứ tư trên cả nước được thành lập trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu tác động của Covid-19 lên nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đảm bảo tiến trình quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” do chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Ngôi nhà Ánh Dương sẽ cung cấp các dịch vụ toàn diện cho nạn nhân bị bạo lực tại một địa điểm, bao gồm: chăm sóc sức khỏe, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh, bảo vệ của lực lượng công an, dịch vụ pháp lý và tư pháp, và dịch vụ chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại đây đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm. Trong đó, người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời đảm bảo về quyền riêng tư và bí mật. Theo đó, người bị bạo lực có thể tiếp cận 24/7 qua đường dây nóng (024 33335599). 

Phát biểu tại lễ, bà Naomi Kitahara – Trưởng Đại diện của UNFPA tại Việt Nam cho hay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vốn đã tồn tại từ trước, nhưng đã trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh Covid-19. Các báo cáo gần đây cho thấy những quy định về việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và các biện pháp kiểm soát dịch, cùng với áp lực về kinh tế, xã hội và những căng thẳng trong gia đình, đã dẫn đến gia tăng bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, UNFPA đã đồng hành với Chính phủ Việt Nam trên hành trình chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. UNFPA muốn đảm bảo tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ tổn thương nhất, có quyền được hưởng một cuộc sống không có bạo lực và được đảm bảo về phẩm giá. “Chúng ta không để phụ nữ và trẻ em gái ở lại phía sau trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”, bà Naomi Kitahara nói.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTB&XH) chia sẻ, Ngôi nhà Ánh Dương sẽ trở thành điểm đến thân thiện, tin cậy, nơi trao gửi tâm tư, nguyện vọng của những người yếu thế, để giúp họ hàn gắn lại tổn thương trở lại cuộc sống tươi đẹp hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, Ngôi nhà Ánh Dương do UNFPA hỗ trợ ở Quảng Ninh (năm 2020) và ở Thanh Hóa ra mắt vào đầu năm nay, đã hỗ trợ hơn 450 trường hợp bị bạo lực và các đường dây nóng miễn phí hoạt động 24/7 đã nhận được hơn 1.000 cuộc gọi trợ giúp mỗi tháng. Cả hai trung tâm đều đang hoạt động vượt quá công suất thiết kế ban đầu, điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết về việc có thêm mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ở các địa phương khác trên cả nước. Mới đây, tại TP.Hồ Chí Minh, Ngôi nhà Ánh Dương thứ 3 cũng vừa được ra mắt.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)