Không chỉ xuất bản truyện, các cá nhân, đơn vị đã bắt đầu tạo ra những “hệ sinh thái truyện tranh” với nhiều sản phẩm giải trí đi kèm. Khai thác bản quyền thương mại là hướng đi nhiều tiềm năng cho truyện tranh Việt trong tương lai.
Cột mốc mới của truyện tranh
Sự kiện khai thác bản quyền thương mại bộ truyện Dũng sĩ Hesman của tác giả – họa sĩ Hùng Lân – Hesman Legend (Huyền thoại Hesman) – được xem là cột mốc đáng chú ý của truyện tranh Việt Nam. Đây là hướng đi tiềm năng cho truyện tranh Việt sau khi nhiều quốc gia đã bắt đầu tạo hệ sinh thái cho tác phẩm truyện khá lâu.
Anh Nguyễn Khánh Dương, đại diện Comicola, cũng là đồng tác giả của bộ truyện Long thần tướng nổi tiếng
Dũng sĩ Hesman là bộ truyện gắn liền với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X. Bộ truyện này hội đủ các yếu tố để khai thác bản quyền thương mại. Về độ nhận diện, một tác phẩm tồn tại gần 30 năm (từ năm 1993) dư sức nhận được sự chú ý. Hesman Legend là sự hợp tác từ nhiều đơn vị, đồng lòng để làm nên hệ sinh thái bao gồm trò chơi trên điện thoại di động, mô hình, truyện tranh điện tử (webtoon), có thể sẽ có phim hoạt hình…
Ở Việt Nam, những người làm sáng tạo luôn mong xây dựng được hệ sinh thái tương tự, với một sản phẩm trung tâm. Tổng nguồn thu từ các sản phẩm phái sinh sẽ đẩy mạnh thương hiệu, người hưởng lợi nhiều nhất là những người làm sáng tạo, tác giả và cả người hâm mộ.
Tác giả Hùng Lân và bạn đọc yêu mến bộ truyện Dũng sĩ Hesman
Tác giả – họa sĩ Hùng Lân cho biết, ông vui vì sau gần 30 năm, bộ truyện tranh do ông thực hiện – dựa trên phim hoạt hình Voltron – Defender of the Universe của World Events Productions – vẫn được khán giả quan tâm. Ở những sản phẩm phái sinh trong dự án Hesman Legend, ông không can thiệp nội dung mặc dù các đơn vị, những nhà sáng tạo trẻ có gặp gỡ, chuyện trò để tham khảo ý kiến. Tuy nhiên, ông nói tinh thần chính của Dũng sĩ Hesman là cho thấy giá trị nhân bản, không ca ngợi bạo lực. Ông tin những người yêu và hiểu bộ truyện, khi thực hiện các tác phẩm phái sinh sẽ tự khắc lưu ý.
Để truyện tranh không chỉ là trang giấy
Ông Vương Lê Vĩnh Nhân – Tổng Giám đốc Quỹ FundGo, đơn vị “rót vốn” cho dự án Hesman Legend – cho biết, sở dĩ chọn Dũng sĩ Hesman để đầu tư là bởi tác phẩm đã tồn tại từ lâu và vẫn có sức sống theo thời gian. Ngoài ra, có thể ứng dụng công nghệ blockchain vào khai thác bản quyền thương mại tác phẩm. Đây là thị trường còn bỏ ngỏ nhưng vô cùng tiềm năng. Điều quan trọng là làm sao để ứng dụng được cách thức khai thác mới nhưng không làm tổn hại hình ảnh, giá trị tác phẩm ban đầu.
Anh Nguyễn Khánh Dương cho rằng, khi truyện tranh Việt Nam bắt đầu khai thác bản quyền thương mại, nghĩ đến việc tạo hệ sinh thái quanh tác phẩm truyện, thì nhiều nước trong khu vực châu Á như Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã đi rất xa. Tuy nhiên, có bắt đầu còn hơn không, dù khó khăn không ít.
Một số tập truyện trong bộ Dũng sĩ Hesman.
Hiện tại, với các tác phẩm truyện được Comicola sản xuất, ngay từ đầu anh Nguyễn Khánh Dương đã định hướng cho các tác giả đi theo cách có thể khai thác bản quyền thương mại. Nghĩa là sáng tạo những nhân vật mà tạo hình của họ có thể làm ra mô hình, có chất liệu để phóng tác, chuyển thể thành tác phẩm khác.
“Tôi sang Trung Quốc dự sự kiện truyện tranh của họ và thấy công ty nào cũng thực hiện khai thác bản quyền thương mại. Công ty truyện tranh Việt Nam chỉ mang theo một cuốn truyện, còn họ có cả một hệ sinh thái phát triển từ truyện tranh”, anh Nguyễn Khánh Dương cho biết. Theo anh, Indonesia là một “cường quốc” trong lĩnh vực truyện tranh với dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp. Họ có thể thực hiện trọn bộ các sản phẩm để tạo thành hệ sinh thái mà giá cả phải chăng, thậm chí rẻ hơn giá thành sản xuất tại Việt Nam nhiều lần.
Tôi thấy rất đáng quan tâm với những người làm sáng tạo và các cá nhân, đơn vị đầu tư nghệ thuật. Họa sĩ trẻ của chúng ta rất nhiều, nhiều tác phẩm truyện tranh của Việt Nam rất tốt. So với thế hệ của tôi, các bạn có điều kiện tìm hiểu, nắm bắt xu hướng nhanh. Tôi tin nếu hợp lực, truyện tranh Việt có thể có hướng đi hiệu quả. Họa sĩ Hùng Lân |
Comicola hoàn toàn có thể hợp tác với Indonesia, như cách mà truyện tranh Hàn Quốc và các nước đang làm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có niềm tự hào dân tộc, anh Nguyễn Khánh Dương muốn phát triển tại Việt Nam. Bởi thị trường hiện tại gần như là khoảng trắng, và chúng ta không thiếu những người Việt trẻ giỏi, đang muốn thực hiện khai thác bản quyền thương mại.
Hesman Legend là dự án mở đầu, mang tính tiên phong trong khai thác bản quyền thương mại. Về hiệu quả của dự án, có lẽ phải cần thêm thời gian để minh định. Tuy nhiên, khi đã bắt đầu, nghĩa là giới sáng tạo có cơ hội để thực hiện điều mà họ ấp ủ bấy lâu.
Theo Diễm Mi/PNO
Bình luận (0)