Nữ kỹ sư trẻ Trần Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Hồng Thúy giải thích ngắn gọn cho quyết định đầu quân về Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), làm công việc lặn biển để ươm trồng, bảo tồn rạn san hô, cỏ biển, rong biển là xuất phát từ tình yêu biển và niềm đam mê khám phá vẻ đẹp trong lòng đại dương.
Công việc ươm tạo san hô ở Cù Lao Chàm của các nữ kỹ sư
Theo nghề vì yêu biển
Thảo và Thúy hẹn tôi vào một chiều mùa hè, sau chuyến lặn biển kiểm tra tình trạng của khu vực san hô vừa ươm cấy xuống đáy biển Cù Lao Chàm. “Nghề của tụi em không nghĩ tới chuyện dưỡng da, chống nắng, bởi chỉ cần một bữa lặn biển là da đã rám nắng rồi”, Thảo mở đầu câu chuyện về công việc không mấy nhàn nhã đối với cánh phụ nữ.
Thảo quê ở TP.Hội An. Tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng 7 năm trước. Còn Thúy sinh ra và lớn lên ngay trên vùng biển Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), tốt nghiệp ngành quản lý nguồn lợi thủy sản – Trường ĐH Nông Lâm – ĐH Huế. Cả hai đầu quân về Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Thảo nói: “Hai chị em, mỗi đứa một tính cách nhưng có chung tình yêu biển, từng nhiều lần xem các ngư dân đánh bắt cá trên biển và nghe nhiều câu chuyện về chủ quyền biển đảo. Vì vậy, luôn muốn góp sức mình để gìn giữ môi trường biển trong lành. Những buổi làm việc mệt nhoài, thong dong từng bước chân trên bãi cát mịn, ngắm nhìn những chú rùa lủn củn bò trên bãi cát để hướng về phía mặt nước trong xanh là trong lòng thấy hân hoan, yêu hơn công việc của mình”.
Nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Thúy
Ban quản lý có cả đội lặn với khoảng gần 10 nam kỹ sư. Thảo và Thúy có thể hoàn thành công việc của mình thông qua hệ thống, số liệu và khảo sát trên bờ nhưng cả hai tâm niệm, làm bảo tồn mà không lặn xuống đáy biển, không trực tiếp quan sát, nghiên cứu thì không trọn vẹn. “Hai chị em viết đơn xin đi học một khóa học lặn ở Nha Trang. Được sự hướng dẫn tận tình của giáo viên nên bọn em tiếp thu nhanh, phần khác do quá mê khám phá biển nên mọi nỗi sợ hãi thông thường đều bị bỏ qua hết. Nhớ nhất là những lần lặn đầu tiên, khi nào cũng có đồng đội đi kèm hỗ trợ. Cứ mỗi lần nhìn thấy một cụm cây san hô hay loài cá lạ là cả hai “đứng hình” mất mấy giây vì không ngờ dưới đáy biển lại đẹp đến thế”, Thảo chia sẻ.
Nắng gió của biển khiến làn da của Thảo và Thúy sạm đen. Phụ nữ lặn biển còn rất nguy hiểm do sức khỏe yếu hơn, nhất là mỗi khi gặp luồng nước đục cuộn xoáy để thoát được cần có kỹ năng và sự phán đoán chính xác. Thúy kể: “Có lần đang lặn khảo sát rạn san hô thì bất ngờ một luồng nước đục cuộn qua. Trước mắt chỉ một màu đục ngầu. Kịp định thần sau phút hoảng loạn nhưng lại rất khó để thoát được vùng nước đó. Thậm chí nhìn thấy cả phao hỗ trợ từ đồng đội thả xuống mà vẫn không nắm bắt được. Đến khi thoát lên được mặt biển thì đã mệt nhoài”. Khó khăn vô vàn nhưng không vì thế mà tình yêu dành cho biển trong họ vơi đi. Suốt 5 năm nay, vẻ đẹp tiềm ẩn của đáy đại dương biển Cù Lao Chàm luôn là hấp lực mãnh liệt chiếm lấy tình yêu của hai nữ kỹ sư trẻ. Thảo bảo: “Em không hình dung được sẽ thế nào nếu có ngày nghỉ lặn biển, không còn nhìn ngắm những rạn san hô lớn lên. Bây giờ, chỉ cần vài ba bữa không được lặn biển đã thấy nôn nao nhớ đám san hô, rong tảo biển và bầy cá đủ sắc màu rồi”.
Trồng rừng dưới đáy biển
Vùng biển Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nơi đây đang tồn tại nhiều loài san hô, cỏ, rong biển và các loại sinh vật quý hiếm khác như rùa biển… Thống kê riêng loài san hô có khoảng 282 loại thuộc 23 họ và 79 giống. Trong đó san hô tạo rạn có 265 loài thuộc 17 họ và 66 giống. Qua khảo sát, có sự suy thoái rạn ở một số vùng biển như Bãi Tra – Bãi Hương và Bãi Bắc Cù Lao Chàm. Tác động của môi trường, biến đổi khí hậu và cả con người luôn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tận diệt hệ sinh thái này. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái trên vùng biển Cù Lao Chàm rất được chú trọng.
Trần Thị Phương Thảo trước giờ chuẩn bị lặn biển kiểm tra rạn san hô
Bà Trần Thị Hồng Thúy – Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, năm 2015, đơn vị thực hiện dự án phục hồi hệ sinh thái san hô, cỏ biển bằng phương pháp tách chiết. Hai nữ kỹ sư Thảo và Thúy đảm nhận công việc khảo sát các khu vực trên biển, ươm trồng và chăm sóc. “Lượng san hô ươm ở vườn cách nay 4 năm đã được cấy xuống đáy biển. Tuy tác động của môi trường rất mạnh nhưng phần lớn san hô cấy xuống đều sống và phát triển tốt. Hiện tụi em đang chuẩn bị làm lại vườn ươm khác để có san hô giống kế tiếp cấy xuống các vùng rạn chưa có san hô”, Thảo cho biết.
Thảo mô tả, công việc ươm cấy san hô dưới đáy biển cũng giống các kiểm lâm trên rừng. Khảo sát khi những rạn san hô, tảo, cỏ biển đẹp và cả những nơi san hô bị chết do tác động môi trường. Công việc tách chiết và ươm san hô cứng mất khá nhiều thời gian. “Để thực hiện kỹ thuật ươm trồng và phục hồi các rạn san hô cứng, tụi em phải lặn xuống độ sâu từ 10 đến 20 mét. Các động tác di chuyển phải nhẹ nhàng tránh để tạo sóng mạnh tác động lên các cây san hô vừa tách chiết hoặc vừa cấy xuống. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Việc ươm giống thường kéo dài 3 tháng sau đó cây khỏe mới trồng xuống đáy biển. “Chúng em đi hết vùng này đến vùng khác dưới đáy biển. Đánh dấu bằng bản đồ và theo dõi rất sát sao. Cũng giống như người trồng rừng vậy, nhưng đây là rừng dưới biển, phải làm việc qua ống thở và bình ôxy trong lòng biển thinh lặng. Có nhiều bữa trồi lên mặt nước thấy mình ở rất xa vị trí thuyền, lúc đó phải bơi về thuyền khá mệt”, Thúy kể lại.
Thiên Phúc
Bình luận (0)