Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để trường nghề tồn tại và được người học chủ động tìm đến thì phải gắn kết nhiều nguồn lực, trong đó không thể thiếu doanh nghiệp.
Giáo viên doanh nghiệp, kỹ sư Nguyễn Tâm (Giám đốc Công ty Điện công nghiệp An Thịnh Phát, TP.HCM) chia sẻ mục đích tham gia giảng dạy tại trường nghề
Đào tạo bám sát doanh nghiệp
TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) khẳng định, trường nghề có đầu tư trang thiết bị hiện đại đến đâu cũng khó theo kịp doanh nghiệp. Chính vì thế, việc gắn kết, hợp tác đào tạo là giải pháp tốt nhất để tiết kiệm ngân sách đầu tư mua sắm trang thiết bị. Trong sự hợp tác này, doanh nghiệp không chỉ chia sẻ về máy móc, thiết bị đào tạo mà còn chia sẻ về nguồn lực giáo viên. Ông Điền đánh giá cao vai trò của giáo viên doanh nghiệp đối với chất lượng đào tạo trong xu thế hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường đã bỏ lỡ cơ hội này, đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội của người học khi không được tiếp cận chương trình đào tạo bám sát doanh nghiệp.
Ở góc độ cơ sở đào tạo, PGS.TS Bùi Văn Hưng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) nhìn nhận, trong nhiều nguồn lực mà trường nỗ lực gắn kết lâu nay có giáo viên doanh nghiệp. Họ là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực và chính họ trực tiếp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá đầu ra và giảng dạy. “Trường đã xây dựng được đội ngũ giáo viên doanh nghiệp các ngành nghề như xây dựng, kế toán, điện công nghiệp, cơ khí, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ may, kỹ thuật môi trường… Đây là lực lượng góp phần quyết định sự phát triển của trường cũng như chất lượng nguồn lao động. Giáo viên doanh nghiệp được đưa về các khoa và trường luôn tạo mọi điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất có thể”, PGS.TS Bùi Văn Hưng nói.
Tương tự, ThS. Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho biết, việc ký kết hợp tác đào tạo với doanh nghiệp là tăng cơ hội cho người học, qua đó nâng cao chất lượng nguồn lao động. Theo ThS. Nguyễn Đăng Lý, các khoa của trường trực tiếp ký kết hợp tác với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo, thực hành và tuyển dụng. Mới đây, trường đã ký kết với Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) về tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng. Trong khi đó, TS. Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM) cho hay, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, trường còn chủ động liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây chính là cơ sơ để người học tiếp cận với công nghệ mới, theo xu hướng chung ở trong nước và các nước trong khu vực. Qua các chương trình hợp tác đào tạo, chất lượng đào tạo nâng lên và được doanh nghiệp đón nhận.
TS. Phạm Vũ Quốc Bình (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh, các trường nghề phải có hướng đi riêng để tồn tại. Trong đó hợp tác toàn diện với doanh nghiệp từ đánh giá đầu vào, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo và sử dụng lao động đã được nhiều trường áp dụng, mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, trường nghề cần lựa chọn hợp tác với doanh nghiệp có uy tín để hợp tác lâu dài, tránh ảnh hưởng đến uy tín của trường. “Với gần 2.000 cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cả nước thì không thể thiếu lao động cho thị trường. Thiếu ở đây là thiếu lao động làm được việc, thiếu kỹ năng… Như vậy, bên cạnh đào tạo chuyên môn, các trường cần chú trọng đào tạo kỹ năng, đặc biệt là ở các ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp 4.0”, TS. Phạm Vũ Quốc Bình lưu ý.
Vì lợi ích của người học
Tìm kiếm giáo viên doanh nghiệp đối với các trường nghề hiện nay không dễ, đặc biệt là các ngành nghề kỹ thuật. Hiệu trưởng một trường CĐ nghề than phiền: “Để doanh nghiệp hợp tác với trường đã khó, chia sẻ đội ngũ chuyên gia hoặc giáo viên thì càng khó hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự hợp tác không lâu dài hoặc chỉ dừng lại ở thực tập, thực hành, còn tuyển dụng thì… hên xui. Có doanh nghiệp rất quan tâm đến đào tạo đội ngũ nhân lực trẻ, chủ động liên hệ hợp tác đào tạo, tuyển dụng nhưng cũng có không ít doanh nghiệp không mặn mà, thậm chí cho rằng đào tạo là việc của trường. Mặc dù nội dung ký kết rất cụ thể song cũng khó đưa ra những ràng buộc và không phải trường nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng những đòi hỏi từ phía doanh nghiệp”.
Sinh viên trường nghề thực hành trên dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp
Đại diện một số trường nghề cho biết, bên cạnh giáo viên doanh nghiệp có tâm, vì người học thì cũng có không ít giáo viên đồng ý đi dạy chỉ vì cái danh “giáo viên doanh nghiệp”. Kỹ sư Nguyễn Tâm (Giám đốc Công ty Điện công nghiệp An Thịnh Phát, TP.HCM) cho biết, thực tế qua phỏng vấn tuyển dụng người học mới ra trường, các em còn hạn chế nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành. “Chúng tôi nhận lời làm giáo viên doanh nghiệp với mục đích là chia sẻ kiến thức và kỹ năng cho người học để các em ra trường làm được việc ngay. Nếu vì lợi ích cá nhân, vì cái danh thì chúng tôi không đi dạy”, kỹ sư Nguyễn Tâm chia sẻ. ThS. Trần Như (Giám đốc Công ty An Nhơn, TP.HCM – giáo viên doanh nghiệp tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2) cũng nhìn nhận, kỹ năng thực hành của người học thật sự chưa làm hài lòng doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân doanh nghiệp phải bỏ thời gian, kinh phí để đào tạo lại sau tuyển dụng. Dù chỉ đào tạo trong thời gian ngắn nhưng kinh phí rất lớn, đó là chưa kể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. “Thay vì đào tạo lại tốn kém thì doanh nghiệp chủ động tham gia đào tạo cùng nhà trường ngay từ đầu và cam kết tuyển dụng người học. Nếu đã tham gia đào tạo mà không sử dụng được thì đó là trách nhiệm của doanh nghiệp”, ThS. Trần Như thẳng thắn nói.
Là đơn vị tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Đông Nam, Bình Dương) đánh giá, hiện còn một số cơ sở đào tạo theo chương trình cũ, trang thiết bị quá lạc hậu dẫn đến chất lượng đầu ra thấp. “Khi đưa 20 em về nhà máy chỉ để học việc nhưng cán bộ kỹ thuật đã trả về 1/3 và đề xuất đào tạo lại. Nếu được sự tham gia đào tạo của doanh nghiệp từ đầu thì đến bất cứ đâu, các em cũng có thể làm được việc, nếu phải đào tạo lại thì chỉ đào tạo văn hóa doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Vân Anh đúc kết.
T.Anh
Bình luận (0)