Để thực hiện hiệu quả 1 tuần còn lại trong tháng cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi, sáng 24-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức họp giao ban công tác tiêm với các địa phương.
Các địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi tổ chức tiêm cho học sinh từ 5- dưới 18 tuổi
Còn nhiều khó khăn
Sau 3 tuần triển khai chiến dịch, quận 5 có 56 trường đăng ký tiêm trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi. Đại diện phòng GD-ĐT quận cho hay, ngành giáo dục đã lập danh sách học sinh theo từng phường, khi học sinh chưa đi học thì UBND phường "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động phụ huynh học sinh tiêm, cùng với đó nhà trường, giáo viên chủ nhiệm nỗ lực tuyên truyền. Tuy vậy, rất khó để vận động đồng thuận trẻ 5 tuổi.
Từ thực tế tổ chức chiến dịch tiêm tại địa phương trong tháng cao điểm, ông Phan Sĩ Đạt – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Phú chia sẻ, ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn về tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh. Nhiều phụ huynh trước đó đã đăng ký song không đi tiêm.
Ông cho biết các trường đã thực hiện đủ các cách thức như nhắn tin tuyên truyền đến từng phụ huynh, học sinh trong group lớp, website trường… song đến thời điểm này chưa thực sự hiệu quả. Do vậy, phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền trên đa dạng các kênh truyền thông như báo chí, truyền hình để gia tăng sự đồng thuận của phụ huynh, nhất là trẻ 5 đến dưới 12 tuổi.
Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trong tháng cao điểm cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, TP.Thủ Đức đã tổ chức 30 điểm tiêm với tổng số mũi tiêm sau 3 tuần là trên 23.000 mũi.
Bà Kiều Mỹ Chi – Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức cho hay, ngành giáo dục đã phối hợp với trung tâm y tế và các bệnh viện thực hiện chiến dịch tiêm trong tháng cao điểm với nhiều nỗ lực. Khó khăn lớn nhất khi triển khai tháng cao điểm tiêm là phụ huynh còn nhiều băn khoăn, việc tiêm lại rơi vào thời gian hè nên khó huy động phụ huynh.
"Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận không nhiều, thậm chí đã đồng thuận rồi nhưng đến lúc tiêm lại hoãn, nhất là trẻ trong độ tuổi 5 tuổi. Toàn TP.Thủ Đức có 12 ngàn trẻ 5 tuổi song mới tiêm được khoảng 1.500 em. Hiện nay, khi học sinh đã tựu trường, việc vận động phụ huynh có sự thuận lợi hơn. Tới đây, TP.Thủ Đức sẽ tổ chức tiêm cho hơn 5.000 học sinh tại 27 điểm tiêm trường học theo cụm trường", bà Chi nói.
Tăng cường hơn nữa tuyên truyền đến phụ huynh
Thông tin tại buổi họp, ông Nguyễn Quốc Hưng – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 cho hay, trong tháng 8, quận duy trì 4 điểm tiêm với 100% trường tổ chức tiêm cho học sinh.
Thời gian tới, các trường tiếp tục thống kê lại số học sinh chưa đồng thuận lên lịch để tiêm lưu động xuống từng trường. Quận sẽ triển khai hình thức này trước với 6 trường THPT, dự kiến trong tuần này sẽ tiêm hết, sau đó đến bậc THCS. Với cách thức này, đầu tháng 9 sẽ nâng được tỷ lệ tiêm ở học sinh. Dù vậy, còn tình trạng một bộ phận học sinh phải chờ để tiêm mũi 2 vắc xin Moderna…
"Để triển khai hiệu quả hơn nữa việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi thì ngoài sự nỗ lực của nhà trường, ngành giáo dục, rất cần có sự vào cuộc hơn nữa của đài truyền hình, các kênh truyền thông chính thống để tăng thêm hiệu quả tuyên truyền, tăng tỷ lệ đông thuận", ông Hưng đề nghị.
Đánh giá sau 3 tuần triển khai chiến dịch tháng cao điểm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng nhìn nhận địa phương, nhà trường đã rất nỗ lực tổ chức thực hiện chiếc dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Tuy nhiên, với những lý do khách quan như vào thời gian nghỉ hè, khó tập trung học sinh; việc tổ chức không được tập trung, đồng loạt như các chiến dịch trước khiến công tác tổ chức tiêm gặp khó khăn, tỷ lệ tiêm ở nhiều địa phương chưa được như kỳ vọng.
Lãnh đạo Sở cho rằng, hiện tại học sinh đã bắt đầu tựu trường năm học mới là thuận lợi hơn để nhà trường phổ biến việc tiêm vắc xin đến phụ huynh, học sinh. Do đó, ông yêu cầu 100% trường phải đẩy mạnh kế hoạch, đặc biệt tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh về việc tiêm vắc xin cho trẻ; xây dựng phương án tiêm cho học sinh trường mình và theo dõi mũi tiêm của các em trong suốt năm học.
"Việc tiêm vắc xin sẽ đảm bảo an toàn cho học sinh trước các biến chủng mới, đảm bảo an toàn cho việc dạy học năm học mới. Do vậy, việc tiêm không chỉ thực hiện trong tháng cao điểm mà phải thực hiện xuyên suốt để không bỏ sót đối tượng. Sở GD-ĐT sẽ có những ý kiến đề xuất với ngành y tế, tham mưu với lãnh đạo thành phố về những ý kiến của địa phương, để đạt hiệu quả cao nhất", ông Dũng nhấn mạnh.
Trong công tác tổ chức tiêm, ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh nhà trường, địa phương không cứng nhắc chạy theo con số mà quan trọng hơn cả là đảm bảo an toàn cho học sinh. Công tác truyền thông cần được làm thường xuyên, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa đảm bảo quyền lợi, an toàn của học sinh, đưa trẻ đi tiêm trong thời gian sớm nhất. Từng đơn vị phải có kế hoạch triển khai tiêm, trong đó phục vụ theo nhu cầu phụ huynh theo tính chất của từng nhà trường, địa phương. Linh hoạt không cứng nhắc tổ chức điểm tiêm.
Nhà trường phải chủ động rà soát, phối hợp với y tế địa phương để tổ chức tiêm cho học sinh, không mang tâm lý chờ đợi, gặp khó khăn phải nêu ra phương án. Các quận, huyện nên triển khai theo hình thức cho nhà trường đăng ký khung thời gian tiêm theo yêu cầu của nhà trường dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh mỗi thời điểm, phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm cho học sinh theo thời gian đó, tạo thuận lợi nhất cho phụ huynh.
Yến Hoa
Bình luận (0)