Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nỗi ám ảnh của nam giới mang tên “rối loạn”

Tạp Chí Giáo Dục

Rối loạn cương dương ở nam giới tăng theo tuổi, có không ít trường hợp các chàng trai tuổi đôi mươi vẫn không thể gần gũi được.
Các chuyên gia Nam học khuyến cáo: Để cải thiện tình trạng tế nhị này, các quý ông phải sắp xếp chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, quan hệ tình dục lành mạnh. 

Ảnh minh họa: KT
Không còn “dũng mãnh”!
Tuổi mãn dục là khoảng bao nhiêu? Những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên, giải pháp ra sao, thưa bác sĩ?
Mãn dục là một thuật ngữ chỉ hiện tượng rối loạn cương dương ở nam giới. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, tăng theo tuổi tác. Những người trẻ vẫn có thể bị bệnh, thậm chí tuổi đôi mươi vẫn không quan hệ tình dục được. Nếu gặp tình trạng này bạn nên đến cơ sở chuyên khoa khám để xác định mức độ bệnh điều trị
Chồng tôi năm nay 38 tuổi, thời gian gần đây có một số biểu hiện (tuy không thường xuyên) như: Khi âu yếm thì “dũng mãnh” nhưng khi quan hệ thì yếu dần, hoặc có lúc “ngủ gật” luôn! Chồng tôi có bệnh đau dạ dày. Anh ấy nên khám ở đâu, phải điều trị như thế nào, hiện tại có phải uống thuốc gì không?
Huyền Trâm (Hà Giang)
Chồng bạn bị rối loạn cương dương trong khi lại có thêm tiền sử đau dạ dày. Thuốc điều trị bệnh dạ dày có thể khiến cho bệnh nặng thêm.
Để khám và điều trị hiệu quả, anh ấy nên đến Bệnh viện Việt Đức hoặc Bệnh viện Nam học hiếm muộn Hà Nội (ở phía Bắc) hoặc Bệnh viện Bình Dân (khu vực phía Nam). Phải được thăm, khám thì bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Không nên tùy tiện dùng các loại thuốc “tăng lực” mà không có chỉ định, chỉ khiến bệnh nặng thêm!
Tôi năm nay 40 tuổi, khoảng một năm nay khi gần gũi với vợ, tôi rất hay gặp hiện tượng “không làm ăn” gì được. Nếu có thì thời gian lại kéo dài nhưng không thể “xuất binh”. Tôi bị bệnh gì, cách điều trị như thế nào?
(Độc giả giấu tên)
Trong trường hợp này, anh bị suy sinh dục do không “xuất binh” được. Đây là trường hợp rối loạn cương dương ở mức độ nặng. Anh cần phải đến cơ sở y tế để khám lâm sàng, xét nghiệm nội tiết và một số bệnh lý khác như đái đường, cao huyết áp… để tìm nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, thầy thuốc mới có phương pháp điều trị ổn thỏa.
Đừng thờ ơ với sức khỏe chính mình
Tôi là nhân viên văn phòng, rất hay thức khuya. Sức khỏe của tôi khá tốt. Trước đây chuyện ái ân của vợ chồng bình thường (trung bình 3 lần/một tuần).
 Khoảng 2 tháng gần đây, mặc dù tôi vẫn có ham muốn, nhưng khi “hành sự” thì chỉ khoảng 3 – 4 phút sau thì không còn “hoành tráng” được nữa và làm ảnh hưởng đến quá trình xuất tinh. Tôi có phải khám sức khỏe hay điều trị không? Nên có chế độ sinh hoạt như thế nào cho phù hợp?
Đoàn Bá Phú (TPHCM)
Bạn có thể bước đầu mắc bệnh rối loạn cương dương. Việc đầu tiên cần làm: Bạn nên kiểm tra sức khỏe toàn thân và sức khỏe sinh sản. Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Việc bạn thức quá khuya cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng trong chuyện ấy.
Xin các bác sĩ cho biết biểu hiện của mãn dục nam thế nào? Muốn biết bản thân đang ở trong giai đoạn này, tôi cần kiểm tra vấn đề gì? Cách phòng ngừa hoặc hạn chế hiện tượng này ra sao? 
Vũ Việt Dũng (Hà Nam)
Triệu chứng của bệnh mãn dục nam bao gồm: Khả năng “dũng mãnh” kém, rối loạn xuất binh (xuất binh nhanh). Ngoài ra, với bệnh lý này, người mắc bệnh có thể mệt mỏi toàn thân, đau lưng, tức ngực, thèm ngủ…
Nguyên nhân gây bệnh có thể do cao huyết áp, đái đường, rối loạn nội tiết… Căn bệnh này có thể khiến cuộc sống tình dục thay đổi, hạnh phúc gia đình có nguy cơ bị xáo trộn. Bạn cần kiểm tra sức khỏe sinh sản để biết mình có mắc bệnh hay không.
Tùy từng nguyên nhân khác nhau, thầy thuốc sẽ có những phương án chữa bệnh hợp lý. Bạn nên sắp xếp chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, quan hệ tình dục lành mạnh.
Tôi 41 tuổi, vô sinh do không có tinh trùng. Xin hỏi ngày nay ngoài phương pháp nuôi tinh tử thì Việt Nam và thế giới đã có thuốc hay biện pháp khác chưa?  
Huy Đức (Phú Thọ)
Tình trạng không tinh trùng do hai khả năng: Không tinh trùng thật (có nghĩa là tinh hoàn không sản xuất tinh trùng) và không tinh trùng “giả” (có nghĩa là tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng nhưng không ra ngoài được). Nếu trong tinh hoàn không sản xuất tinh trùng thì khả năng trở thành bố hầu như không có.
 Hiện các nhà khoa học đã có thể lập bản đồ tinh trùng để xác định chắc chắn có tinh trùng trong tinh hoàn hay không. Anh có thể đến chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội để khám, kiểm tra
Năm nay em 31 tuổi mới cưới vợ, nhưng tình trạng quan hệ có dấu hiệu nhàm chán và giảm ham muốn (xuất tinh nhanh, có dấu hiệu yếu sinh lý). Làm sao để cải thiện tình hình này? Có thuốc gì để uống khắc phục không? Em làm quản lý kỹ thuật vì vậy công việc cũng hơi căng thẳng và mệt mỏi.
 Nguyễn Bình Lợi (Vũng Tàu)
Nhiều người cao tuổi hơn, công việc căng thẳng hơn bạn song “chuyện ấy” vẫn tốt. Bạn đang ở lứa tuổi “ông 30” là đỉnh cao mà lại xuất tinh nhanh do cương cứng kém. Đây là hiện tượng của bệnh lý rối loạn tình dục.
Hiện, các nhà khoa học đã tìm được 80% nguyên nhân gây bệnh nên cơ hội chữa khỏi rất cao. Bạn có thể tới các cơ sở chuyên khoa nam học để tìm nguyên nhân và cách chữa bệnh hợp lý.
Làm gì để cải thiện sức khỏe phòng the?
 Thuốc Nam có chữa được chứng rối loạn không, thưa bác sĩ?
Đinh Ngọc Tuất (Bạc Liêu)
Thuốc Nam có thể chữa được nhiều bệnh trong đó có rối loạn cương dương. Nhưng theo quan niệm của Đông y: Chứng này cũng có nhiều thể.
 Trong thực hành có nhiều loại thuốc, mỗi loại thuốc chữa một thể tương ứng. Để điều trị có hiệu quả, tránh biến chứng của thuốc, các quí ông nên tới các chuyên khoa về Đông y bắt mạch, kê đơn cẩn thận…
Cách đây 2 năm, em có đi giải phẫu tĩnh mạch thừng tinh 2 bên (do không có trinh trùng). Sau đó em cảm thấy ham muốn giảm dần. Việc giải phẫu trên có ảnh hưởng đến khả năng trong chuyện ấy  không, vì trước khi giải phẫu, khả năng của em vẫn khá ổn?!
Quốc Bình (An Giang)
Giãn tĩnh mạch tinh có thể gây vô sinh nam (từ 42 đến 78% thậm chí 82% – vô sinh thứ phát) thậm chí không còn tinh trùng trong tinh hoàn. Nó gây rối loạn cương và ảnh hưởng tới sinh hoạt (cảm giác đau tức, nóng rát, khó chịu). Để điều trị bệnh này, cách duy nhất là phẫu thuật.
Thông thường, sức khỏe phòng the sẽ cải thiện và trở lại bình thường. Bạn bị rối loạn sau khi phẫu thuật cần đến cơ sở chuyên khoa để khám, tìm nguyên nhân (có thể là một nguyên nhân khác không phải là giãn tĩnh mạch tinh) để có phương pháp điều trị phù hợp.
Theo BS Lê Vương Văn Vệ
Gia đình & Xã hội

Bình luận (0)