Trước nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản, Công an phường 19 (Q.Bình Thạnh) vừa triển khai hai mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Hai mô hình này không chỉ góp phần phát huy hiệu quả lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ, hạn chế tối đa vụ cháy lớn mà còn phát huy đạo lý tình làng nghĩa xóm.
Người dân phường 19 (Q.Bình Thạnh) diễn tập phòng cháy chữa cháy
Nhiều sự cố đáng tiếc
Thời gian qua, cả nước cũng như TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình là vụ cháy quán karaoke 5 tầng ở phố Quan Hoa (Hà Nội) đã khiến 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy hy sinh. Đó là Trung tá Đặng Anh Quân (Đội trưởng); Trung úy Đỗ Đức Việt, binh nhì Nguyễn Đình Phúc.
Sau đó là vụ cháy nhà xảy ra tại tầng 2 của căn nhà trên đường Trưng Nữ Vương (TP.Đà Nẵng) khiến 3 mẹ con bên trong tử vong.
Tiếp đến là vụ cháy căn nhà tại Ninh Thuận cũng đã làm 3 mẹ con tử vong. Căn nhà này vừa là nơi ở vừa mua bán đồ gia dụng nên bên trong căn nhà chất nhiều đồ nhựa.
Trước đó không lâu đã xảy ra vụ cháy nhà tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) khiến 2 trong số 6 đứa trẻ của một gia đình tử vong. Nguyên nhân do nhà khóa trái cửa, khi cháy nổ xảy ra, các em nhỏ không thoát thân được.
Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM, từ đầu năm 2022 đến nay có gần 70% vụ cháy xảy ra ở các khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh làm 26 người chết (chiếm 1/3 số người chết do tai nạn trên cả nước). Những vụ cháy xảy ra đa phần do người dân thiếu kiến thức, không trang bị đầy đủ thiết bị cũng như không tuân thủ quy định về PCCC dẫn đến khi gặp sự cố không bảo vệ được tính mạng và tài sản.
Ra mắt “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”
Để người dân trên địa bàn luôn chủ động khi có sự cố cháy nổ, bà Bùi Thị Hồng Quế – Chủ tịch UBND phường 19 (Q.Bình Thạnh) cho rằng, mỗi gia đình cần xây dựng phương án cứu nạn khi có sự cố. Nhà ở phải có cổng chính, phụ và kết nối với nhà hàng xóm để thoát nạn. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh phải sắp xếp đồ đạc gọn gàng, những vật dụng dễ cháy phải tách rời khỏi nơi ở để dễ PCCC. Đặc biệt, mỗi gia đình phải trang bị bình chữa cháy, lắp đặt hệ thống chuông báo, xà beng… giúp xử lý nhanh, hiệu quả khi có cháy nổ.
Tổ liên gia an toàn
Với phương châm phòng ngừa là chính, từng nhà an toàn, từng khu phố an toàn, Công an phường 19 (Q.Bình Thạnh) đã triển mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và thí điểm “Điểm chữa cháy công cộng” tại hẻm 62 Huỳnh Tịnh Của.
“PCCC là nhiệm vụ của toàn dân, phải xác định được thời điểm vàng để chữa cháy. Khi xảy ra sự cố phải huy động lực lượng kịp thời để dập tắt đám cháy như vậy mới hạn chế thấp nhất thiệt hại” – Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM cho biết. |
Anh Nguyễn Minh Phương – Trưởng Công an phường 19 (Q.Bình Thạnh) cho biết, qua kiểm tra, công an nhận thấy hẻm 62 Huỳnh Tịnh Của phù hợp với tiêu chí đề ra vì hẻm dài 100m, rộng 2,5m, xe chữa cháy khó vào nên phù hợp với mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Theo đó, mỗi gia đình trong hẻm 62 phải trang bị 1 bình chữa cháy bột ABC loại 4kg, 1 búa tạ, 1 xà beng, 1 kìm cộng lực, lắp đặt hệ thống chuông báo đảm bảo tại mỗi hộ đều có chuông báo cháy với 2 nút báo (1 nút ấn trong nhà; 1 nút ấn bên ngoài) để khi ấn bất kỳ nút nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều reo.
Đối với mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được xây dựng là cái tủ công cộng có trang bị 2 bình chữa cháy, 1 búa tạ cũng như nội quy, hiệu lệnh, bảng hướng dẫn sử dụng PCCC.
“Ngoài ra, người dân ở khu liên gia cũng được hướng dẫn, tập huấn những kỹ năng cơ bản trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ với một số phương tiện như: Bình chữa cháy bột, xà beng, búa, kìm cộng lực… nhằm đảm bảo xử lý nhanh, hiệu quả các vụ cháy, nổ ngay từ đầu, không để đám cháy phát sinh gây hậu quả”, anh Phương khẳng định.
Là một trong những hộ gia đình được chọn thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, bà Lai Kim Liêng (số nhà 62/72) cho biết, đây là mô hình hay và bà sẽ chấp hành quy định về PCCC để thực hiện tốt mô hình. Bên cạnh đó, bà sẽ kêu gọi những người thân quen xây dựng phương án PCCC để khi có sự cố mọi người sẽ tập hợp lại hỗ trợ, kịp thời dập tắt đám cháy, tránh thiệt hại về người và tài sản.
Chú Trần Hải Sơn (số nhà 62/97) khẳng định: “Việc xây dựng mô hình trên không chỉ giúp PCCC hiệu quả mà còn giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết, hỗ trợ nhau khi khó khăn, hoạn nạn”.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hiếu – Phó Trưởng công an Q.Bình Thạnh cho hay, TP.HCM đang triển khai quyết liệt PCCC tại khu dân cư, trong đó đẩy mạnh xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Thực hiện kế hoạch đó, Q.Bình Thạnh cũng đang lên kế hoạch để mở rộng mô hình này trên địa bàn. Với tiêu chí “Mỗi quận, huyện chọn một phường, xã. Mỗi phường, xã chọn một khu dân cư. Q.Bình Thạnh không chỉ chọn một địa điểm điển hình mà sẽ triển khai tới các khu phố, khu vực để PCCC”, Thượng tá Hiếu cho biết.
Qua đây, Thượng tá Hiếu đề nghị tổ liên gia được chọn thực hiện mô hình phải duy trì hiệu quả, lấy phương châm PCCC là chính. Cán bộ các phường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân sắp xếp hàng hóa, tạo lối thoát nạn, chuẩn bị phương tiện chữa cháy, thường xuyên vận hành phương án sẵn sàng chữa cháy.
Kiều Khánh
Bình luận (0)