Quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo nước nhà trải qua trên 30 năm từ cuối thập niên 80. Vào những năm 90, nhiều cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học của các nhà khoa học tâm lý và giáo dục diễn ra làm lan tỏa quan điểm “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm” trong cộng đồng xã hội. Bộ GD-ĐT có chủ trương đổi mới trong hệ thống chuyên môn các nhà trường, đổi mới quản lý, đổi mới đào tạo và bồi dưỡng giáo viên. Công cuộc đổi mới của ngành từ đó mà tiếp diễn…
Cô và trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1
1.Đến năm 2000, Quốc hội có Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10 đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa mới (sách giáo khoa năm 2000), đồng thời đổi mới hệ thống thiết bị nhà trường. Phong trào đổi mới giáo dục và đào tạo tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực với quy mô rộng khắp trong toàn ngành nhưng vẫn chưa làm hài lòng trọn vẹn đối với những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người của đất nước!
Ngày 4-11-2013, Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được ban hành về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới nhà trường lúc bấy giờ cả về tính khoa học và tính thực tiễn.
Tính khoa học được đề cập ở đây là sự đồng bộ và đồng thời của các thành tố giáo dục, không thể tách rời giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp, tổ chức quản lý và đánh giá.
Về thực tiễn cho thấy khát vọng và ý chí đổi mới phát triển của ngành rất cao nhưng sự rời rạc, thiếu đồng bộ đã kéo dài trong một thời gian khá lâu, hiệu quả đổi mới giới hạn lại luôn tạo ra tâm thế bất ổn với tư tưởng thường xuyên thay đổi, mà lẽ ra phải có một lộ trình rõ ràng, khoa học và ổn định với từng bước đi cụ thể một cách vững chãi cho chiến lược phát triển con người.
Nghị quyết 29-NQ/TW với nội dung, quan điểm, cách trình bày diễn đạt súc tích và đầy đủ, kế thừa được những kinh nghiệm và kết quả quá trình đổi mới trước đó mà giáo dục và đào tạo TP.HCM rất vinh dự được góp phần cùng cả nước trong suốt quá trình cống hiến của mình. Theo đó việc quán triệt và thực hiện tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đối với lực lượng sư phạm TP.HCM là khá thuận lợi cả về nhận thức, kỹ năng và cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường.
Điều quan trọng mà mỗi nhà giáo chúng ta hết sức quan tâm là mục tiêu giáo dục nhà trường được xác lập rõ ràng, đào tạo con người năng lực thay cho con người khoa bảng. Đây là giá trị cốt lõi nâng cao phẩm chất tuyệt vời của thầy cô giáo về sự sáng tạo, am hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh, nhận thức sâu sắc yêu cầu đào tạo con người mới của thời đại; từ đó mà đề ra nội dung, phương pháp phù hợp tạo điều kiện và thúc đẩy người học phát triển năng lực một cách thiết thực và hiệu quả.
2.Khó khăn của nhà giáo hiện nay là chúng ta đã trải qua một thời gian khá dài trong nền giáo dục ứng thí, học để đi thi với sách giáo khoa là pháp lệnh, nên đã ảnh hưởng sâu sắc thói quen cố hữu dễ dàng chấp nhận sự bất bình. Một học sinh tiểu học chỉ viết chính tả với một số bài trong sách giáo khoa, thầy cô giáo sử dụng một bài nào ngoài sách giáo khoa cho học sinh là lập tức bị phụ huynh khiếu kiện, các cấp quản lý phiền hà! Một học sinh trung học chỉ được đọc và bình phẩm những tác phẩm trong sách giáo khoa, thầy cô giáo nào đưa một tác phẩm ngoài sách giáo khoa để học sinh phân tích cảm nhận là vi phạm quy chế chuyên môn… Trong khi cuộc sống thực tế thì không dễ dàng chấp nhận những con người máy móc, rập khuôn, sáo rỗng, thiếu năng lực phản biện, bằng cấp thì nhiều nhưng không có khả năng giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống thường ngày, chỉ giải quyết những tình huống trong sách giáo khoa do thầy cô giáo vo tròn, sắp sẵn.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân vui mừng khi được học trong ngôi trường khang trang, hiện đại
Ngày nay, với tinh thần đào tạo con người năng lực, các bộ môn được vận dụng một cách chủ động và tích cực những vấn đề đặt ra trong đời sống thực tế. Việc chọn bài để dạy chính tả hay chọn tác phẩm để dạy học sinh phân tích, cảm nhận là việc của thầy cô giáo, vinh quang sáng tạo dẫn dắt học sinh rèn luyện năng lực, thâm nhập vào đời sống thực tế để trải nghiệm trưởng thành đã được phục hồi trao lại cho người giáo viên. Đây là vấn đề nhà giáo cần nhận thức sâu sắc, nâng cao lòng tự hào mà tích cực học tập, rèn luyện, hợp tác cùng nhau với đồng nghiệp để làm tròn thiên chức của mình. Tương tự, ở những môn khoa học khác, những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống sẽ được đưa vào bài học để học sinh phân tích, phản biện, lý giải tìm ra chân lý qua các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, không chỉ đơn thuần thuộc lòng sáo rỗng từ sách giáo khoa để đi thi, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo trong quá trình học tập.
3.Mục tiêu đào tạo con người năng lực của nhà trường được đề cập trong năm học này khẳng định sự đổi mới không dừng lại ở hình thức, phong trào rời rạc mà là vấn đề của chất lượng giáo dục, vấn đề của uy tín nhà giáo, danh dự của nhà trường được thực hiện một cách căn cơ, đồng bộ, đồng thời các thành tố giáo dục từ nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, tổ chức quản lý và thi cử đánh giá học sinh. Các cấp quản lý và lực lượng sư phạm của ngành chúng ta cần chuẩn bị thật tốt cho một năm học mới 2022-2023 sắp diễn ra với nhiều ý nghĩa, sự tin yêu và hy vọng!
TS. Huỳnh Công Minh
Bình luận (0)