PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT) cho rằng, hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (sư phạm) đợt 1 năm nay là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Thêm 4.000 thí sinh đăng ký
Kết thúc đợt 1 đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ (sư phạm) năm nay, cả nước có hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển. Vào ngày 22-8, Bộ GD-ĐT đã có quyết định mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng đến hết 17 giờ ngày 23-8 nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh tự đăng ký, chỉnh sửa thông tin; do vẫn còn nhiều em nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Đây cũng là cơ hội cuối cùng để thí sinh hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng của mình. Trong thời gian mở lại hệ thống, cả nước đã có thêm gần 4.000 thí sinh đăng ký và khoảng 75.000 em điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, sau khi mở hệ thống thêm lần nữa, cùng với số lượng thí sinh đăng ký thêm, cả nước hiện vẫn còn có hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng. Số thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển này là mối băn khoăn của rất nhiều cơ sở giáo dục. Một số ý kiến cho rằng con số trên (tương đương khoảng 1/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển) là điều bất thường. Trong khi đó, ý kiến khác lại cho rằng số liệu trên là bình thường. Bởi có thể nhiều thí sinh đã chọn hướng đi khác, đi du học… thay vì học ĐH trong nước; hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT không đủ cao để tham gia xét tuyển, không đủ điểm sàn của nhiều trường…
Trước hai luồng ý kiến như vậy, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại. Bởi mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do vậy, thí sinh có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển; sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, tới năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH mà chỉ cần điền vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển ĐH hay không”. Đa số các em sẽ điền vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Và tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể cũng như nộp lệ phí.
Thí sinh đăng ký xét học bạ vào trường ĐH tại TP.HCM năm nay
Vào năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270; năm 2021, số lượng là 794.739. Đến năm 2022, số thí sinh đã nhập nguyện vọng tính đến thời điểm “chốt sổ” (ngày 20-8) là 616.522; sau đó, đăng ký thêm gần 4.000 em. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm nhưng thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào ĐH, thực sự mong muốn vào học ĐH. “Khi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT rồi, các em sẽ biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có điểm không cao, nhận thấy không đủ khả năng cạnh tranh xét tuyển ĐH, do vậy đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học… Và điều này cũng giảm được công sức, giảm được việc thí sinh nộp lệ phí xét tuyển không cần thiết, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống là chuyện bình thường”, bà Thủy nhận định.
Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới. |
Cũng theo bà Thủy, có một số lượng lớn thí sinh đi du học năm 2022 nên không đăng ký xét tuyển. Trước đó, các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh đã bắt đầu hành trình đi du học ở khắp nơi trên thế giới.
Tiếp tục phân tích số liệu về thí sinh không nhập nguyện vọng
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển để có những điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới. Bà Thủy nhấn mạnh thêm, nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường ĐH đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Bởi hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho toàn bộ con số hơn 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh, là số liệu nhập học ĐH cao nhất từ trước đến nay.
Bà Thủy đánh giá, con số hơn 300.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống không phải tỷ lệ ảo mà chính là giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh. Con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn đã là những thí sinh muốn học ĐH, có đủ năng lực để học ĐH. Việc hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp giảm ảo rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học hay khó có khả năng trúng tuyển sẽ càng làm rối các con số và khiến các trường càng khó xác định đúng được số lượng thí sinh có khả năng nhập học.
Mê Tâm
Bình luận (0)