Không chỉ sử dụng trong ẩm thực với những món ăn trộn vàng, rắc vàng… nhằm tăng cường sức khoẻ và chữa bệnh, vàng còn được dùng làm mặt nạ để chống nám, lão hoá… Những liệu pháp dinh dưỡng, thẩm mỹ này có khoa học và hiệu quả như nhiều người kỳ vọng?
Ăn nhiều vàng có thể ngộ độc
Trên internet đang xuất hiện nhiều thông tin về rượu pha vàng xuất xứ từ Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc… Theo lời quảng cáo của rượu vàng G., trong rượu có 22kara vàng lá nguyên chất, hương liệu chiết xuất từ một loại thảo mộc dành cho bò tót ở bản xứ Danzig (Đức); loại rượu này có tác dụng tăng hoạt chất ion trong máu, phân huỷ các loại sỏi trong nội tạng, tăng cường sinh lực cho cơ thể… Giá bán mỗi chai dung tích 500ml, nồng độ 40oC, là 1,5 triệu đồng. Gọi vào số điện thoại 0916069… để hỏi mua loại rượu vàng M., xuất xứ Hàn Quốc, chúng tôi được một phụ nữ giới thiệu: “Rượu này uống tốt cho sức khoẻ lắm. Chồng em mua về từ những chuyến công tác Hàn Quốc. Một triệu rưỡi đồng một set/ba chai. Ngày nào cũng uống một ly trước bữa ăn, chỉ một tuần là thấy kết quả rõ rệt…” Theo lời người bán này, rượu chứa vàng M. không những giúp kéo dài tuổi thọ, tăng cường sinh lực, làm da sáng mịn, mà còn ngăn chặn được cả… virút HIV. Ngoài rượu, hiện ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số nhà hàng bán đặc sản là món ăn chế biến với vàng. Vàng được mài vụn ra, trộn lẫn hoặc rắc trên bề mặt món ăn.
Đắp mặt nạ vàng chỉ có thể làm hao tốn tiền bạc chứ không hứa hẹn đem lại hiệu quả làm đẹp. Ảnh: Senny
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, những nghiên cứu khoa học có giá trị, uy tín nhất trên thế giới cũng như trong nước, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến công dụng của vàng trong chế biến dinh dưỡng cho con người. Vàng cũng không có tên trong danh sách các vi chất, khoáng chất bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, “Vì vậy không cần thiết phải ăn vàng. Hơn nữa, nếu lạm dụng các món ăn trộn vàng hoặc những ly rượu pha vàng, người sử dụng không chỉ tốn tiền mà còn có nguy cơ ngộ độc. Vì dù sao vàng cũng là một kim loại nặng”, bác sĩ Diệp lưu ý.
Vàng không thể trị các bệnh da
Hiện ở TP.HCM và Hà Nội đã có một số trung tâm thẩm mỹ “nhập khẩu” dịch vụ đắp mặt nạ vàng từ Thái Lan, Hàn Quốc… về phục vụ chị em. Theo lời tiếp thị của một thẩm mỹ viện ở quận 3 (TP.HCM), mỗi lần đắp khoảng 120 phút, với giá khoảng 2 triệu đồng. Xung điện có từ vàng sẽ kết hợp với xung điện phát ra từ bàn tay nhân viên thẫm mỹ, tạo ra một trường năng lượng giúp đưa vàng vào da. Tinh chất vàng thẩm thấu vào da mặt đến 99%, giúp da hồng hào; tiêu diệt tế bào chết, các vết nám, thâm, những đường máu nổi trên da; đem lại làn da trẻ hoá…
ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu, đại học Y dược TP.HCM nhận xét: “Với những quảng cáo đắp mặt nạ vàng, điều trước tiên cần làm rõ là có thật sự chất đó là vàng? Nếu đúng vàng thì tinh chất vàng cũng không có tác dụng chống lão hoá, làm đẹp da mặt và không thể thẩm thấu vào bên trong da. Kim loại chỉ dẫn điện chứ bản thân nó không có dòng điện. Do đó, không thể nói vàng có dòng điện hay xung điện của vàng kết hợp xung điện từ tay người mátxa đưa vàng vào da. Trong bảng danh sách các vi tố giúp cải thiện, làm đẹp da, cũng như trong lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp, vàng không có mặt. Chính vì vậy, đắp mặt nạ vàng chỉ có thể làm hao tốn số tiền lớn chứ không đem lại hiệu quả gì”.
Nguyên Cao / SGTT
Y học không còn dùng vàng trị bệnh
Lương y Đinh Công Bảy, tổng thư ký hội dược liệu TP.HCM, cho biết: “Trước kia, vàng non được dùng để trị bệnh cho những người bị phong, hủi. Một số tài liệu cũ cũng nhắc đến công dụng của vàng trong điều trị căn bệnh trên. Tuy nhiên, kim loại này không có tác dụng triệt để. Ngày nay, y học phát triển, có nhiều loại thuốc để điều trị phong nên các thầy thuốc đã không còn sử dụng vàng nữa. Phương pháp này vì thế cũng không còn. Riêng công dụng của vàng trong việc trộn với thức ăn giúp bổ sung dưỡng chất, tăng cường sinh lý, kéo dài tuổi thọ, phòng chống nhiễm HIV… tôi chưa đọc thấy ở bất kỳ nghiên cứu nào”.
Bình luận (0)