Thời gian qua, trên các trang mạng diễn ra tranh luận về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay hay không. Có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó đáng chú ý là luồng ý kiến cho rằng nên xét tốt nghiệp cho học sinh sau khi học xong lớp 12 mà không thi, giao việc tuyển sinh vào đại học cho các trường đại học. Lý do mà dư luận tán đồng nhiều về ý kiến này là tỷ lệ tốt nghiệp những năm qua quá “hoàn hảo” (năm học 2020-2021, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,6%; năm học 2021-2022, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 98,57%, riêng đối với thí sinh hệ THPT đạt 99,16%), tổ chức thi quá tốn kém, trong khi đó mục đích “2 trong 1” của kỳ thi đang mất dần vai trò, các trường đại học đã đa dạng hóa và chủ động hơn trong các phương án tuyển sinh riêng của mình… Tuy nhiên, điều mà ai cũng phải lo lắng là, nếu không thi, không có áp lực, liệu học sinh có mặn mà với việc học? Theo thiển kiến của cá nhân tôi, băn khoăn này là có cơ sở.
Tôi xin hơi dài dòng một chút về việc học của thế hệ chúng tôi trước đây. Thời chúng tôi áp lực học tập, thi cử là rất lớn. Chúng tôi phải trải qua kỳ thi chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6; thi tốt nghiệp THCS và sau đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Sau khi học xong 3 năm THPT, chúng tôi phải tham dự 2 kỳ thi liên tục là tốt nghiệp và tuyển sinh đại học. Những học sinh nào đăng ký thi vào nhiều trường thì dự thi nhiều lần, các trường cũng tổ chức nhiều đợt lệch nhau… Chính vì áp lực rất lớn ấy mà học sinh nỗ lực rất lớn, nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”. Động lực đó đã sản sinh ra nhiều người tài thực thụ, khác nhiều với cách giỏi kiểu “gà chọi” của học sinh hiện nay.
Dạy học sinh lớp 12 những năm vừa qua, nhất là giai đoạn học kỳ II, tôi thấy nhiều em rất chủ quan, thờ ơ với việc học. Đa số những em này là diện “đã được trúng tuyển đại học” trước khi thi tốt nghiệp THPT vào một số trường theo hình thức xét học bạ 5 học kỳ, trừ học kỳ II lớp 12.
Học sinh hiện nay đã được giảm tải rất nhiều các kỳ thi, chỉ còn 2 kỳ thi quan trọng là tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, tôi cho rằng học sinh THPT sẽ giảm sút nghiêm trọng động lực học tập. Học không thi các em sẽ không cố gắng. Sẽ khó có chất lượng giáo dục lâu dài nếu chúng ta quá nuông chiều, dễ dãi trong thi cử với học sinh! Cái còn lại ở đây là làm thế nào để khôi phục lại “tầm quan trọng” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT nên cân đối lại cách tính điểm xét tốt nghiệp giữa học bạ và điểm thi, mức tính điểm liệt có thể tăng lên như thế nào. Các địa phương phải chấp nhận một tỷ lệ rớt tốt nghiệp thực tế để trả lại “học thật, thi thật”… Đến năm 2025, khi học sinh THPT đã học đủ 3 năm theo chương trình THPT mới, Bộ GD-ĐT nên giao việc thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương.
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)