Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa muốn tồn tại và phát triển không thể không chuyển đổi số (CĐS). Tuy nhiên, nhiều DN thừa nhận, việc CĐS không phải cứ muốn là được, các DN đang gặp khá nhiều khó khăn…
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số. Ảnh: Vĩnh Yên
Loay hoay như… “gà mắc tóc”
Ông Nguyễn Viết Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC – cho biết, phạm vi CĐS rất rộng, các DN nhỏ và vừa vẫn đang loay hoay. Sự kết hợp chiến lược giữa CĐS và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chưa thực sự tạo cú hích, cũng như chưa có chính sách ưu tiên cho DN để chuyển đổi máy móc, sử dụng các nền tảng công nghệ. Vì vậy nên có những gói chính sách hỗ trợ cụ thể, thúc đẩy DN thực hiện CĐS. Bởi một nhà máy sản xuất không tự động hóa, không số hóa thì năng lực cạnh tranh không nhanh bằng các nước trong khu vực.
Bà Lâm Thúy Ái – Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX – TM Mebipha – góp ý, các DN nên có lộ trình trước khi CĐS. Từ lựa chọn đơn vị tư vấn đến chuẩn bị ngân sách và nguồn nhân lực. Mặc dù CĐS có thuận lợi nhưng việc lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm, nền tảng còn khá khó khăn.
Dẫn chứng cho khó khăn này, ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lê Thành – cho biết, Công ty Lê Thành có ký hợp đồng với một đơn vị làm CĐS. Chỉ tính riêng thời gian viết phần mềm cho quy trình hoạt động chung mất đến 6 tháng do đơn vị này phải làm việc với từng phòng ban. Công ty không lường trước được rằng đơn vị này chỉ chuyên về một lĩnh vực, trong khi hệ sinh thái công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Để thực hiện CĐS đòi hỏi cần có các nền tảng dịch vụ, tuy nhiên các DN lo ngại dịch vụ hành chính công tại TP còn bất cập sẽ ảnh hưởng đến CĐS.
Ông Đinh Hồng Kỳ – Chủ tịch Công ty Secoin – cho rằng, đối với CĐS, dịch vụ hành chính công và các thủ tục công quyền còn bất cập sẽ không tạo ra được nền tảng cho giới DN “cất cánh”.
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long – Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, CĐS không phải là ứng dụng nhiều công nghệ, CĐS bản chất chính là thay đổi mô hình kinh doanh. Nhờ công nghệ số, dữ liệu để làm sao các hoạt động gia tăng, sức cạnh tranh hiệu quả giúp các DN nhỏ, siêu nhỏ vượt qua những sóng gió thị trường để phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, để DN CĐS hiệu quả đòi hỏi phải có sự đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Việc thành lập trung tâm hỗ trợ và tư vấn CĐS nhằm thúc đẩy hoạt động là rất cần thiết. Việc cung cấp các nền tảng công nghệ vừa hỗ trợ, vừa đáp ứng yêu cầu chi tiết để DN thấy được lợi thế công nghệ mang lại cũng cần thiết.
Doanh nghiệp nên tích cực sử dụng nền tảng số
Đây là lời khuyên của ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) – dành cho các DN nhỏ và vừa trong quá trình CĐS.
Ông Dũng cho rằng, các DN nhỏ và vừa tại TP.HCM không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà cần mạnh dạn khai phá các thị trường mới, các nhu cầu chưa đáp ứng được ở thị trường quốc tế bằng những “kênh số”. Đây là phương thức mới giúp DN có nhiều khách hàng, quản lý tốt khách hàng và quản trị nội bộ hiệu quả hơn.
Nếu nguồn lực tiếp cận công nghệ mới gặp khó khăn sẽ được giải quyết bằng nền tảng số. Cụ thể, làm CĐS trong DN nhỏ và vừa chỉ cần sử dụng các nền tảng số. Có những nền tảng số sử dụng như một dịch vụ trả tiền theo thuê bao, trả tiền điện, nước, internet… mà không cần đầu tư. Bộ TT-TT đã tập hợp được 23 nền tảng số xuất sắc tham gia chương trình này, qua đó góp phần giải quyết được nhiều vấn đề cho DN nhỏ và vừa.
“Thực hiện CĐS quan trọng là có dám làm không, người đứng đầu có chịu thay đổi tư duy không. DN nhỏ và vừa có lợi thế khi chúng ta làm không đúng thì có thể nhanh chóng thay đổi cách làm cho phù hợp. Năm 2022, Bộ TT-TT đặt giải pháp trọng tâm CĐS cho DN nhỏ và vừa. Đó là đưa hoạt động sản xuất kinh doanh lên trên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam”, ông Dũng cho hay.
Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM – thừa nhận, các vấn đề mà DN nhỏ và vừa đang gặp là nhận thức về CĐS, về nền tảng công nghệ, vốn, đơn vị tư vấn, chính sách, nguồn nhân lực… Theo đó, Sở TT-TT TP sẽ tham mưu với UBND TP về các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa trong thực hiện CĐS để tham gia phát triển kinh tế số.
Giám đốc Sở TT-TT thông tin, TP.HCM xác định CĐS và đổi mới sáng tạo là động lực phát triển mới của TP và chuyển đổi toàn diện trên các lĩnh vực từ khu vực công đến tư; từ TP đến phường, xã, kể cả trong cộng đồng tổ chức DN và người dân. CĐS dựa trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
“DN nhỏ và vừa ở TP được xác định là động lực chính của kinh tế số, kinh tế tổng hợp của TP trong thời gian tới. Hiện số DN nhỏ và vừa chiếm 98% trong tổng số các DN. Nếu khu vực này phát triển thì kinh tế tổng hợp của TP rất phát triển”, ông Thắng nhấn mạnh.
Phú Cát
Bình luận (0)