Trước những thách thức xã hội đã thúc đẩy sáng tạo không chỉ ở khu vực tư nhân mà còn ở khu vực công. Đây là giải pháp trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.
Đại diện một vườn ươm đổi mới sáng tạo phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công do Sở KH-CN TP.HCM tổ chức mới đây
Cam kết đổi mới sáng tạo
Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM) cho biết các quận/huyện, sở/ngành đang rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo (ĐMST) khu vực công nhưng vẫn còn nhiều vấn đề trở ngại khi triển khai. Sản phẩm ĐMST chính là dịch vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì vậy cần có sự cam kết từ lãnh đạo, trong đó có cam kết về nguồn lực, tài chính, cơ sở vật chất, thời gian… Cụ thể, ĐMST là hoạt động của tất cả mọi người trong cùng một đơn vị, không riêng một phòng ban, cá nhân nào. Vì vậy, muốn thay đổi nhận thức của cả hệ thống thì mỗi sở/ngành, đơn vị có một người phụ trách chính.
Theo bà Hải, Sở KH-CN TP.HCM đã thành lập đoàn đi học tập ở New Zealand và đang tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán nước này tổ chức lớp huấn luyện trong tháng 10 tới. Sở KH-CN TP.HCM đặt hàng nâng cao nhận thức chuyên sâu, tầm quan trọng của ĐMST, phương pháp triển khai tại đơn vị. Sản phẩm đào tạo đợt này là xây dựng được kế hoạch, chương trình của đề án ĐMST tại đơn vị. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tập trung ĐMST cho lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế, quản trị và xây dựng. Riêng trong năm 2022, tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục và quản trị tại quận/huyện. Đồng thời khảo sát, đánh giá và phân loại, chọn vấn đề ưu tiên để giải quyết trước khi có thông báo rộng rãi và đặt hàng, tiếp đó là chọn đơn vị thực hiện. “Sở KH-CN TP.HCM sẽ thành lập Hội đồng đánh giá các đơn vị đủ năng lực thực hiện, có sự tham gia của những đơn vị thụ hưởng. Trong suốt quá trình thực hiện cần có sự tương tác liên tục giữa đơn vị chủ trì thực hiện và đơn vị đặt hàng để đảm bảo đạt kết quả như mong muốn. Khi triển khai ứng dụng thực tế sẽ đánh giá hiệu quả chất lượng, từ đó có sự điều chỉnh”, bà Hải nói.
Theo Kế hoạch số 2701/KH-UBND, trước mắt TP.HCM sẽ ưu tiên đẩy mạnh ĐMST trong khu vực công ở 5 lĩnh vực, gồm: y tế, giáo dục, thuế, xây dựng và quản trị tại quận/huyện.
Nhiều nội dung đặt hàng chuyên gia, doanh nghiệp…
Ngày 4-8-2022, UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch số 2701/KH-UBND về thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại TP.HCM. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài và thường xuyên cùng với chuyển đổi số, được các quận/huyện đặc biệt quan tâm và đang nỗ lực thực hiện, đặc biệt là các địa phương đang thực hiện chính quyền đô thị. Tuy nhiên, trên thực tế đổi mới sáng tạo khu vực công không đơn giản khi mỗi nơi, mỗi lĩnh vực có những đặc thù riêng. |
Mới đây, Sở KH-CN TP.HCM đã phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM”. Đây là một trong những chủ trương lớn không riêng của thành phố nhằm chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, người lao động có thu nhập thấp. Qua đó góp phần thúc đẩy thay đổi công nghệ xây dựng từ kiến trúc đến nội thất, mục tiêu giảm chi phí nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân. Tại tọa đàm, Sở KH-CN TP.HCM đã đưa ra nhiều nội dung đặt hàng đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và startup công nghệ về những ý tưởng ĐMST tập trung vào tiêu chí giá thành, vật liệu mới và quy trình xây dựng phát triển nhà ở xã hội. Liên quan đến lĩnh vực y tế, Sở KH-CN TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM cùng triển khai thực hiện chương trình phối hợp hoạt động KH-CN và ĐMST trong lĩnh vực y tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Sở KH-CN TP.HCM làm đầu mối kết nối Sở Y tế với khu vực nghiên cứu, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo để tìm ra các kết quả nghiên cứu tốt nhất, phù hợp nhất trong lĩnh vực y tế. Nội dung đặt hàng gồm có xây dựng, phát triển các công cụ, giải pháp, mô hình phục vụ công tác quản trị, điều hành của hệ thống y tế thành phố. Trong đó ưu tiên nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng và hệ thống cấp cứu ngoài viện. Bên cạnh đó, còn có các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi và chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Riêng với quận/huyện, Sở KH-CN TP.HCM cũng đã triển khai hệ thống quản lý kinh tế, quản lý chợ tại Bình Thạnh, Phú Nhuận và Bình Tân. Đại diện UBND quận Bình Tân cho biết, trước khi UBND TP ban hành Kế hoạch 2701, quận đã dự kiến nhân sự thành lập tổ công tác theo chỉ đạo của thành phố. Theo đó, nhân sự phụ trách chuyển đổi số, cải cách hành chính… sẽ phụ trách ĐMST khu vực công. Theo ngành dọc, nhiệm vụ này nặng về phòng kinh tế nhưng văn phòng đảm trách vì hiện nay thiếu nhân lực, đặc biệt là người am hiểu chuyên môn. Từ thực tế đó, đại diện UBND quận đề xuất có những buổi huấn luyện, đặc biệt là các gói hỗ trợ tư vấn để tham mưu cho địa phương triển khai hiệu quả hơn.
Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm
Ông Nguyễn Đăng Quân (Trung tâm Công nghệ sinh học, Sở NN&PTNT TP.HCM) băn khoăn, hoạt động ĐMST cần sự đột phá lớn và cần thay đổi nhưng cơ chế chính sách còn ràng buộc. Hiện nay, nhiệm vụ KH-CN đang có khuynh hướng thực hiện lại những gì đã có sẵn và cố gắng làm được trong hoàn cảnh của mình. Điều này gây bó hẹp các hoạt động ĐMST, dè dặt trong thực hiện đăng ký nhiệm vụ. Bởi đăng ký nhiệm vụ phải làm thành công, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ quan chủ trì. “Để hoạt động ĐMST thực sự phát huy, đi vào thực tiễn thì cần thay đổi tư duy từ đầu để người tham gia hoạt động ĐMST mạnh dạn, vì được tạo điều kiện, được thấu hiểu. ĐMST là mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, không thể bỏ 10 đồng sẽ thu về 20-30 đồng. Khó khăn là vậy nhưng Trung tâm Công nghệ sinh học cố gắng nếu có đặt hàng liên quan đến mảng công nghệ sinh học và công nghệ sinh học, đáp ứng yêu cầu của các địa phương”, ông Quân nói.
Đại diện Phòng Kinh tế (UBND quận 11) cũng kiến nghị Sở KH-CN TP.HCM có đề xuất về chi kinh phí trong hoạt động ĐMST, bởi hiện nay chưa có hướng dẫn. Ví dụ, tổ chức hội thi ĐMST thì bị vướng về kinh phí khen thưởng, ghi nhận công sức của các chuyên gia. Nếu “lách” bằng cách vận động mạnh thường quân thì hoạt động này không còn ý nghĩa. Trước những băn khoăn của đại diện các địa phương, đơn vị thuộc sở/ngành, bà Chu Vân Hải cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ chuyên gia huấn luyện, đào tạo. Hoạt động ĐMST khu vực công phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sở KH-CN TP.HCM sẽ phối hợp, kết nối và hỗ trợ giải pháp tốt nhất, còn thành công đến đâu phụ thuộc vào sự quyết tâm của quận/huyện, sở/ngành. “Nếu các địa phương lo lắng về dự toán kinh phí thì triển khai dựa vào các chương trình sẵn có như Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính để tận dụng nguồn lực”, bà Hải nói.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)