Thuật ngữ “reviewer” đã không còn quá xa lạ với thời đại ngày nay. Từ các trang mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều bạn trẻ đang ồ ạt theo đuổi công việc này và xem nó là một cái nghề “trending”.
Ảnh nhân vật cung cấp
Thực trạng cho thấy, các reviewer hiện nay không chỉ đơn thuần là các bạn sinh viên mà còn có rất nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau, thậm chí là cả các bạn chỉ mới là học sinh cấp 2, cấp 3 nhưng đã bắt đầu dấn thân vào công việc này và thu về cho mình được một khoản tài chính kha khá để trang trải cuộc sống. Nói một cách dễ hiểu, nghề review nổi lên như một hiện tượng và đó là từ chính nhu cầu mua hàng trực tuyến của mọi người. Khi người tiêu dùng đang đắn đo, muốn mua một sản phẩm nhưng chưa biết chất lượng thế nào, có phù hợp với bản thân mình hay không… họ sẽ tìm đến những video hay blog của những KOL, KOC có đánh giá về những sản phẩm đó để tham khảo, tìm hiểu cũng như mua sản phẩm. Và những người làm công việc đó chính là những reviewer.
Reviewer (hay còn gọi là người làm nghề review) có thể lựa chọn ra nhiều sản phẩm để trải nghiệm và đánh giá nó như một số các mặt hàng về mỹ phẩm, gia dụng, công nghệ, thời trang, ẩm thực… thậm chí là một hàng quán hay dịch vụ được nhiều người quan tâm. Hiện nay, hình thức thường thấy là các reviewer thường trực tiếp mua hàng tại các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki… Sau đó đánh giá sản phẩm và gắn link sản phẩm đó để người dùng có thể tham khảo và mua sản phẩm này.
“Theo như kết quả nghiên cứu từ một nhóm các chuyên gia đến từ Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành là trên 24%. Trong đó, có nhiều ngành cử nhân phải làm trái ngành lên đến trên 60%. Nghiên cứu này do nhóm các nhà khoa học gồm TS. Trần Quang Tuyến, TS. Vũ Văn Hưởng và nghiên cứu sinh Vũ Bích Ngọc, Trường ĐH Quốc tế thực hiện. Nhóm đã sử dụng dữ liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê các năm 2018, 2019 và 2020, trong đó tập trung vào lao động có bằng cấp cao nhất tốt nghiệp đại học và làm công ăn lương”. Như vậy, việc hàng loạt các bạn trẻ đổ xô theo nghề reviewer chỉ có thể xem như một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập. Tuy đây là công việc không đòi hỏi quá nhiều về mặt bằng cấp nhưng sẽ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng ở người làm. Nếu cá nhân reviewer không chịu làm mới mình trong lĩnh vực này, sáng tạo nhiều hơn trong cách review thì chắc chắn reviewer đó sẽ mau chóng bị đào thải.
Mặc dù vậy, nhưng không phải bất kỳ đánh giá, cảm nhận của reviewer nào cũng đúng. Bởi vì có những sản phẩm phù hợp với người này, nhưng không phù hợp với người kia, đó là chuyện hiển nhiên. Đâu đó cũng có những reviewer vì lợi ích cá nhân mà quảng cáo, đánh giá sai lệch về sản phẩm. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều sản phẩm, hàng quán có thể phất lên như diều gặp gió nếu như gặp được những reviewer khen lấy khen để. Bên cạnh đó cũng sẽ có những trường hợp bị dìm không thương tiếc nếu như các reviewer chê trách lên bờ xuống ruộng. Với số lượng reviewer ngày càng tăng trên các trang mạng xã hội, chúng ta – là những người tiêu dùng, trước hết cần phải có cái nhìn đúng đắn, đồng thời tìm hiểu kỹ, tránh bị dẫn dắt một cách quá dễ dàng.
Có thể nói, đây là một trong những nghề dành cho các bạn trẻ muốn thể hiện cá tính bản thân, tạo ra những dấu ấn riêng biệt của mình. Do đó, những reviewer phải có tính nghệ thuật, khả năng sáng tạo cao và cảm nhận về sản phẩm một cách khách quan nhất. Ngoài ra, đây cũng là nghề mang lại nhiều thử thách và áp lực cao. Nếu bạn thật sự muốn trở thành một reviewer và theo đuổi nó một cách chuyên nghiệp thì bạn cần phải có niềm đam mê, giữ vững được chính kiến, vượt qua được những bình luận tiêu cực của cộng đồng mạng cũng như không ngừng trau dồi kiến thức của bản thân. Làm nghề này không chỉ đòi hỏi cái tài mà cần phải có cái tâm và cả cái tầm. Đến với nghề review, hãy đặt đam mê của bạn lên hàng đầu bạn sẽ tạo ra những trải nghiệm vô cùng thú vị trong cuộc sống của mình. Từ đó, bạn sẽ đem đến cho cộng đồng những giá trị tốt đẹp và chân thật.
Trí Phùng
Bình luận (0)