Ở mỗi thế hệ đều có những tố chất, cách làm việc khác nhau. Nếu thế hệ trước làm việc nhiệt huyết, tận tâm thì thế hệ gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) ngày nay cũng không thua kém. Do lớn lên trong thời đại công nghệ số nên thế hệ gen Z còn có lợi thế về tin học, ngoại ngữ. Điều này giúp các bạn trở nên năng động, giải quyết vấn đề nhanh, làm việc chuyên nghiệp…
Do có kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ nên thế hệ gen Z nắm bắt được nhu cầu việc làm nhanh (ảnh minh họa)
Giúp doanh nghiệp “bắt trend”
Nhiều người cho rằng, thời đại công nghệ phát triển khiến giới trẻ có lối sống thờ ơ, làm việc không nhiệt tình, thiếu chuyên nghiệp. Tuy nhiên điều đó chỉ xảy ra ở một vài trường hợp cá biệt, bởi có rất nhiều bạn trẻ ngày nay rất giỏi. Cụ thể, các bạn không chỉ giỏi về kiến thức, kỹ năng mà còn tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Làm việc và tiếp xúc nhiều với thế hệ gen Z, bà La Ngọc Việt Thương (Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo) cho biết thế hệ gen Z hiện nay có đặc điểm nổi bật, đó là đặt mục tiêu rất rõ ràng và mong muốn hoàn thành trong ngắn hạn (trong khoảng 5 năm). Bên cạnh đó, các bạn cũng có tính độc lập và tính sáng tạo cao. Trong công việc, các bạn nhanh nhẹn, nhạy bén và giải quyết vấn đề nhanh. Về độ chuyên nghiệp, các bạn cũng không thua kém những thế hệ trước. Nhiều bạn rất ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ làm hết giờ ở công ty, ở cơ quan mà tối về các bạn còn “cày” để hoàn thành mục tiêu của mình. “Có rất nhiều bạn thế hệ gen Z đã sở hữu tài sản riêng như nhà, xe bằng chính khả năng làm việc của mình, không phụ thuộc vào gia đình”, bà La Ngọc Việt Thương nói.
Trong công việc, thế hệ gen Z luôn được đánh giá cao bởi có tính sáng tạo (ảnh minh họa)
Có nhiều năm làm công tác tuyển dụng nhân sự, bà Phạm Hoài Thi (nhân viên Phòng Hành chính nhân sự Công ty Vinacacao) nhận thấy các bạn trẻ gen Z làm việc rất năng nổ, nhiệt huyết, đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo bắt kịp xu hướng thời đại. Nhờ lực lượng lao động này giúp các công ty, doanh nghiệp “bắt trend” và không bị lạc hậu. Ngoài ra, do có kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ tốt nên các bạn trẻ gen Z cũng nắm bắt được nhu cầu việc làm nhanh. Theo đó, chỉ cần mở điện thoại lên là các bạn có thể thấy được thông tin tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp và có thể lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với trình độ, năng lực để phát huy tài năng. “Thị trường lao động hiện nay sôi động vì ngoài doanh nghiệp trong nước còn có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đầu tư. Chính vì vậy, bên cạnh những tố chất đã có, các bạn trẻ gen Z cần học hỏi, đầu tư thêm cho bản thân để hội nhập”, bà Phạm Hoài Thi lưu ý.
Thay đổi những quy định không còn phù hợp
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động là thế hệ gen Z. Họ sẽ trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo chủ chốt có mặt tại tất cả các khu vực, thành phần kinh tế, góp những tiếng nói và vai trò quan trọng để giải quyết nhiều thách thức đang hiện hữu. Điều đó cho thấy thế hệ gen Z đang dần thay thế lực lượng lao động hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Lực lượng lao động trẻ này luôn kỳ vọng được làm việc trong lĩnh vực quen thuộc ở cuộc sống thường nhật. Nơi nào cho họ nhiều sáng kiến, tôn trọng, kèm theo sự ổn định và an toàn trong công việc, họ sẽ gắn bó với nơi đó.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, đến năm 2025, Việt Nam sẽ có gần 1/3 dân số trong độ tuổi lao động là thế hệ gen Z. Họ sẽ trở thành những nhà quản lý, lãnh đạo chủ chốt có mặt tại tất cả các khu vực, thành phần kinh tế, góp những tiếng nói và vai trò quan trọng để giải quyết nhiều thách thức đang hiện hữu. |
TS. Đinh Ngọc Thạnh (đồng sáng lập Học viện chuyên đào tạo lập trình viên cho lĩnh vực Blockchain và Web3 – VBI) cho biết trong quá trình đào tạo, ông nhận thấy các bạn trẻ Việt Nam thông minh, chỉ cần môi trường, hệ sinh thái là các bạn có thể phát triển. Điểm mạnh của thế hệ gen Z là sử dụng công nghệ rất tốt và tiếng Anh giỏi hơn thế hệ trước rất nhiều. Họ có thể làm thay đổi những giá trị truyền thống không còn phù hợp trong doanh nghiệp, tạo dựng nét văn hóa làm việc mới, cống hiến, đưa doanh nghiệp đi lên theo hướng hội nhập. Đây là điều mà các doanh nghiệp cần hiểu để tận dụng được sức trẻ, những cái mới để phát triển hài hòa bởi tương lai họ là lực lượng nhân sự chính trong các doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, lao động trẻ ngày nay thường đưa ra nhiều câu hỏi hơn cho nhà tuyển dụng và đặt ra yêu cầu với nhà tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn, cũng như quan tâm đến cách thức tổ chức làm việc, không gian làm việc, mức lương, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc hơn. Lao động trẻ thích những công ty về công nghệ cao đồng thời xem trọng những doanh nghiệp tôn trọng chính kiến, cá tính sáng tạo của họ và hạn chế những cuộc họp không cần thiết… Do vậy, nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao sự đa năng của các ứng viên thế hệ gen Z.
Theo ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), trong thời đại kỷ nguyên số, kinh tế số, sự bùng nổ của internet và tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều lao động trẻ có đủ cơ sở để suy nghĩ về các mục tiêu tài chính, công việc khác với thế hệ trước. Thế hệ lao động trẻ ngày nay có lợi thế được thấy, biết và hiểu những gì các thế hệ trước đã trải qua, họ trở nên khôn ngoan khi đưa ra các quyết định về sự nghiệp của mình. Đó cũng là xu hướng mới trong tìm nghề, chọn việc và định hướng phát triển bản thân của họ. Trong đó kỹ năng làm việc, sự thích ứng, linh hoạt, không gò bó thời gian, không gian làm việc nhưng thu nhập cao là một yếu tố quan trọng.
Khánh Kiều
Bình luận (0)