Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đã đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, giám sát quá trình tuyển chọn tác giả…
Giờ dạy của giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV lĩnh vực GD-ĐT, bên cạnh nêu giải pháp khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên; kiểm soát chất lượng sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng đã đề cập hàng loạt vấn đề khác như: Thi tốt nghiệp THPT 2023; tuyển sinh ĐH-CĐ; tăng cường thanh – kiểm tra nhất là với hoạt động dạy thêm; tăng cường quản lý việc mở ngành khối sức khỏe tại các trường ĐH; rà soát đánh giá việc học trực tuyến; những chính sách đặc thù, bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý – giáo viên – nhân viên – người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non khắc phục hậu quả của dịch Covid-19…
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới
Đối với nhiệm vụ sớm khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa – thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026. Trên cơ sở đề xuất của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023, giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Từ cơ sở này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên thực hiện nghiêm túc theo quy định của pháp luật, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để đảm bảo có nguồn tuyển dụng cho việc cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế; chỉ đạo sắp xếp, dồn dịch các điểm trường một cách hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo tính hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập những cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và đồng bộ các giải pháp khác.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tuyển đủ số giáo viên được Bộ Chính trị quyết định bổ sung cho địa phương năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo; tập trung chuẩn bị đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới.
Ở nhiệm vụ tăng cường thanh – kiểm tra, nhất là đối với hoạt động dạy thêm, học thêm, bộ đã chỉ đạo các sở GD-ĐT tập trung thanh – kiểm tra 6 nhóm nội dung trọng tâm: Công tác dạy thêm, học thêm quản lý văn bằng, chứng chỉ, kiểm định chất lượng giáo; việc thực hiện các khoản thu chi ngoài ngân sách, các khoản đóng góp hỗ trợ tự nguyện; triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là việc mua sắm trang thiết bị giáo dục và việc lựa chọn sách giáo khoa; tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học trực tuyến… Đối với việc tăng cường quản lý khâu mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường ĐH, bộ cũng đã ban hành Thông tư số 02, trong đó, quyết định cho phép mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đã được quy định, bổ sung để kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng chặt chẽ hơn các quy định trước đó. |
Tiếp tục khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách đối với giáo viên vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và thực trạng hoạt động nghề nghiệp của giáo viên các trường chuyên biệt làm cơ sở đề xuất, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Tiếp tục thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, trong đó sẽ chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp giáo viên các cấp học và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng; đặc biệt bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ, tin học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông từ lớp 3.
Siết chặt việc biên soạn, tổ chức lựa chọn sách giáo khoa
Về nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, bộ đã ban hành chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo tại các cơ sở giáo dục nhằm quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở những cơ sở giáo dục phổ thông và các tổ chức cá nhân có liên quan thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa; tăng tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần. Không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập.
Thời gian tới, bộ sẽ tăng cường hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa các môn học/hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông; đảm bảo linh hoạt, hiệu quả và đáp ứng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; tăng cường kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng này để nâng cao chất lượng sách.
Mê Tâm
Bình luận (0)