Tính Trung Dân thẳng như ruột ngựa, trò chuyện với anh thật thích bởi sự nói thẳng, nói thật không rào trước đón sau. Trung Dân quả là một diễn viên hài có tài, luôn khó tính với bản thân mình nên lĩnh vực nào anh tham gia cũng đều gặt hái được những thành công, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả…
Danh hài Trung Dân và nghệ sĩ Thanh Thủy
Danh hài của giới bình dân
Danh hài Trung Dân tên thật là Nguyễn Trung Dân, sinh năm 1967 ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM trong một gia đình làm nông. Từ nhỏ, anh đã có lòng đam mê biểu diễn trên sân khấu nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã nộp đơn thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM) và tốt nghiệp khóa diễn viên vào năm 1992.
Trong chương trình “Làn điệu quê hương” mới đây, khán giả đã có dịp cười thoải mái với cây hài Trung Dân trong vai Tư xích lô (vở Yêu và ghen). Với duyên hài trời cho, nét diễn giản dị, bình dân, Trung Dân diễn như không diễn. Mặc dù bên cạnh anh là những gương mặt “lão làng” của sân khấu cải lương nhưng sự xuất hiện của anh lúc nào cũng cần thiết, náo động.
Anh chia sẻ: “Bất kỳ nhận một vai diễn nào tôi cũng đều cố gắng hết sức mình. Tôi sợ nhất là khi xuất hiện trên sân khấu, khán giả nhận xét có mình cũng được mà không có cũng… không sao. Vai Tư xích lô có những nét rất giống tôi ở ngoài đời, thẳng thắn, khôi hài, dí dỏm, dám nói thẳng nói thật những điều trái tai gai mắt. Sau mỗi vai diễn ở lĩnh vực nào, tôi đều muốn để lại một chút dấu ấn với khán giả”.
Danh hài Trung Dân trong chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi”
Nhắc đến Trung Dân, khán giả nông thôn lẫn thành phố đều quen với những vai “Hai lúa”. Anh cười tươi: “Cứ nhìn vào vóc dáng và nét mặt của tôi là đủ biết tôi “quê mùa” rồi. Ngay từ khi bước chân vào làng hài, tôi đã tự xác định mình là người của tầng lớp khán giả bình dân, lao động. Nhưng không phải đối tượng này là dễ tính đâu nha, lơ mơ là “chết liền” đó. Tôi phải liên tục làm mới với những nhân vật quê mùa, nếu không khéo sẽ bị giậm chân tại chỗ…”. Có thể nói, Trung Dân chính là khán giả khó tính nhất đối với bản thân mình. Nhiều bài báo viết về anh, có những bài khen quá lời làm anh cảm thấy ngượng, cũng không hiếm những bài khiến anh khó chịu, đôi khi người viết chỉ nhìn một phía rồi nhìn nhận, rồi phán quyết. Không phải anh khó chịu ở sự khen chê mà tính anh luôn phân định rạch ròi, thích sự thẳng thắn, trung trực.
Nhiều người thắc mắc khi Trung Dân đột nhiên xin nghỉ ở Sân khấu kịch IDECAF, nơi mà anh có nhiều vai diễn tạo được tiếng vang với khán giả trong cả nước. Thật ra, anh xin nghỉ vì muốn tập trung vào việc viết lách, anh đã viết được nhiều vở kịch dài đã dựng trên Sân khấu IDECAF như Chuyện làng Ung, Tiếng vạc sành và gần 100 kịch bản cho chương trình “Trên vườn dưới ruộng” của đài Bình Dương và nhiều kịch bản cho đài Long An, Cần Thơ, HTV… Bên cạnh đó, anh cũng tốt nghiệp khóa đạo diễn Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM nên muốn dành nhiều thời gian cho công tác dàn dựng. “Tôi vốn cầu tiến, vả lại học đạo diễn cũng bổ sung rất nhiều cho việc diễn và viết lách. Sự phối hợp của tôi sau này sẽ nhịp nhàng hơn. Tôi đa đoan nhưng luôn biết “lượng” sức mình. Tôi viết và đạo diễn trước hết là để thỏa mãn niềm yêu thích và vui với bản thân mình” – anh cho biết như thế!
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, anh viết và dựng vì… háo danh. Anh thẳng thắn: “Nói không háo danh thì người ta sẽ cho rằng mình… xạo. Nhưng nghĩ lại, nếu mình háo danh mà chẳng làm nên được trò trống gì, bất tài thì cũng bằng không. Tôi luôn nhớ lời dạy của thầy Nguyễn Văn Phúc: “Đối với nghệ thuật, đi vào bằng con đường nào thì sẽ ra bằng chính con đường đó”. Tôi nghĩ, ở cái tuổi của mình hiện tại, việc diễn dần dần sẽ bị hạn chế, lúc đó mình sẽ tiếp tục con đường bằng ngòi bút và dàn dựng”.
Mong khán giả hãy khó tính với hài hơn nữa!
Khi được hỏi: “Trước những lời nhận xét khen chê, nhất là lời chê vì hiện nay sân khấu hài có quá nhiều vấn đề để bàn, anh phản ứng ra sao?”. Anh cho biết: “Tôi luôn bình tĩnh đón nhận những lời khen chê. Cho đến lúc này, ngồi rà soát lại, hú hồn tôi chưa làm gì để khán giả thất vọng cả. Thật sự là hiện nay khán giả quá dễ dãi với hài, hãy khó tính hơn một chút với hài đi. Không chấp nhận những miếng hài dung tục, mạnh dạn đóng góp và tẩy chay những tiết mục hài kém chất lượng, không có định hướng giáo dục. Như thế sẽ giúp cho sân khấu hài lành mạnh hơn. Đồng thời cũng là cách giúp cho những nghệ sĩ hài chân chính không bị quơ đũa cả nắm…”.
Danh hài Trung Dân trong chương trình “Chuyện miệt đồng” Trung Dân từng làm đạo diễn cho chương trình truyền hình “Từ quê ra thành phố” của VTV Cần Thơ, mỗi năm hơn 200 số. Anh cũng là tác giả, đạo diễn nhiều bộ phim truyền hình gây sốt với khán giả miền Tây như Bìm bìm kêu chiều (30 tập, phát trên truyền hình Vĩnh Long), Báu vật (6 tập, phát sóng HTV)… Hơn 30 năm làm nghề, Trung Dân từng vinh dự nhận giải Cù Nèo Vàng năm 2005, giải Nghệ sĩ hài được yêu thích nhất – HTV Awards năm 2008, huy chương vàng Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009… |
Ngay cả khi nói về chuyện gia đình nhỏ của mình, anh cũng bật mí: “Tôi là một danh hài nên rất thích chọc cười khán giả lẫn những người thân trong gia đình tôi. Vì thế mà nhà tôi luôn tràn ngập tiếng cười”.
Hai vợ chồng Trung Dân rất hạnh phúc hơn 30 năm qua nhờ có nhiều sự đồng cảm. Thời gian anh cộng tác cho chuyên mục “Ngôi nhà mơ ước” của HTV với vai trò đồng tác giả viết kịch bản với biên tập viên Phước Lập. Để có những câu chuyện thật hay, thật cảm động cũng như những nhân vật thật sự cần đến sự giúp đỡ của xã hội, anh phải đi thực tế khắp các tỉnh vùng sâu vùng xa hàng tháng trời. Cực nhưng mỗi lần nhìn thấy một mảnh đời cơ cực có được “Ngôi nhà mơ ước”, anh cảm thấy hạnh phúc như cho chính bản thân mình. Nhiều lần ngồi trước máy vi tính viết kịch bản mà nước mắt anh cứ chực trào, bị bà xã bắt gặp anh phải vội lau khô và nói rằng vì… bụi. Nhưng khi chương trình phát sóng, ngồi trước màn ảnh nhỏ, nước mắt anh lại rơi và lần này anh không cần phải giấu nữa vì bà xã của anh cũng đang rưng rưng nước mắt…
Anh Khôi
Danh hài Trung Dân và nghệ sĩ Thanh Thủy
Bình luận (0)