“Với tôi, Lý Sơn là nhà, học trò là người thân”, thầy giáo Nguyễn Điển – giáo viên Trường THPT Lý Sơn (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nói. Gần 35 năm bám đảo tiền tiêu, thầy Điển lặng lẽ một hành trình gieo chữ và vun lên trong mỗi học sinh lòng nhân ái, yêu thương.
35 năm bám đảo, thầy Nguyễn Điển lặng lẽ nâng bước hàng ngàn học trò đến với con chữ
Quê ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Năm 1987, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ngành ngữ văn, thầy Điển nhận công tác dạy ở một trường trong đất liền. Tháng 11-1988, Trường THPT Lý Sơn thiếu giáo viên, thầy Điển được điều động ra đảo. “Lúc đầu chỉ là chấp hành sự điều động, nhưng ra đến đảo, cảm nhận được khao khát được học tập của học trò, tình cảm của phụ huynh dành cho giáo viên bám đảo rất trân quý nên tôi quyết định gắn bó với sự nghiệp giáo dục của hòn đảo này”, thầy Điển nhớ lại. Trong ký ức của thầy Điển, Lý Sơn 35 năm trước hoang sơ và nghèo. “Đời sống kinh tế người dân cực kỳ khó khăn. Trường lớp xập xệ. Số học sinh lên cấp 3 đếm trên đầu ngón tay, đa phần các em dừng lại khi vừa hoàn thành chương trình cấp 2, rồi bắt đầu ngã rẽ của mình ở những gánh cá tôm hay trên các con tàu lênh đênh vượt sóng. Khát vọng học chữ rất lớn nhưng khó khăn là lực cản không dễ vượt qua. Thương lắm”.
Tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết, trước khó khăn, thầy Điển nỗ lực gấp nhiều lần. Ngoài những giờ dạy ở lớp, thầy đi tìm hiểu đời sống của bà con, khuyên nhủ và động viên học trò cố gắng vì một tương lai khác, tươi đẹp hơn ở phía trước. Từ sĩ số lớp ít ỏi, học sinh đến trường tăng lên hàng năm, tình trạng bỏ học ngày càng được hạn chế.
Không chỉ vậy, thấy nhiều gia đình đông con, kinh tế nghèo, thầy Điển ghi tên vào đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình. “Ai nói bà con còn lưỡng lự, chớ thầy giáo nói là bà con tin. Cứ cuối tuần, tôi cùng học trò căng băng rôn đi xuống từng xóm nhà để vận động”, thầy Điển nói.
Thầy Điển bảo, đời sống giáo viên những năm thập niên 90 thế kỷ trước rất khó khăn, nhất là điều kiện biển đảo mọi thứ còn đơn sơ, không như bây giờ. Thế nhưng, tuổi trẻ, cứ nghĩ mình nhiệt tình cho đi thì sẽ có nhiều điều tốt hơn cho nơi đó. Vì thế, cứ miệt mài dạy học và tham gia mọi công tác trong điều kiện có thể với mong muốn một ngày gần nhất, Lý Sơn sánh bằng đất liền. Thế là vui.
Đưa thực tiễn vào từng tiết dạy
Trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh ở Lý Sơn suốt 35 năm qua, những giờ giảng của thầy Điển luôn hấp dẫn và mới lạ. Không chỉ đơn thuần là những lời giảng của giáo viên, đọc và chép, thầy Điển còn đưa ra những gợi ý để học sinh tư duy, phản biện… tạo nên không khí sôi nổi. Thầy Điển nói, trước mỗi tiết dạy, mỗi bài học mới, thầy đều trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Cần phải cho học sinh hiểu và nắm được bài học một cách đầy đủ để nhớ sâu, nhớ lâu. “Nếu người giáo viên hài lòng với bài giảng của mình và giảng từ năm này qua năm khác thì chỉ là một người thợ giảng. Người thầy phải hiểu được tâm lý của học trò, biết các em cần gì để mình thay đổi cách làm cho phù hợp, làm sao để mỗi tiết dạy là một cuộc trò chuyện”. Thầy cũng là một trong những giáo viên đầu tiên trên đảo thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học, áp dụng tiết học nhóm để kích thích tư duy của học trò.
Thầy Nguyễn Điển trong tiết dạy học theo mô hình phân nhóm
Đời sống kinh tế của người dân Lý Sơn còn nghèo, có nhiều thiếu thốn so với đất liền. Vì vậy, thầy Điển luôn tìm cách bù đắp để học trò tiến bộ. Đa số học sinh Lý Sơn là con ngư dân, cuộc sống có nhiều khó khăn. Vì vậy thầy Điển không chỉ là người thầy mà còn là người bạn đồng hành với học sinh trên mỗi bước đi. “Tôi hay trò chuyện để các em hiểu những vất vả của bố mẹ, nhen lên khát vọng để các em nỗ lực thay đổi, bắt đầu từ việc học. Tôi luôn sẵn sàng bỏ thì giờ ra giúp các em trong học tập, miễn sao bù đắp được chỗ thiếu trong kiến thức bộ môn của các em. Tất cả những trăn trở đó tạo cho tôi áp lực để thay đổi vì học trò. Áp lực chính là thứ làm nên sự khác biệt của kim cương với than đá, là điều kiện để mình nỗ lực”, thầy Điển trải lòng.
Lý Sơn có bề dày truyền thống văn hóa. Trong tiết dạy của mình, thầy Điển thường lồng ghép những hiểu biết về văn hóa, vùng đất để giúp học sinh biết được những đặc trưng riêng có trên đất nước mình. Nhiều năm, thầy Điển luôn tìm cách lồng ghép giáo dục tình yêu biển đảo quê hương cho học sinh thông qua sự liên hệ di sản Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. “Hòn đảo này, biết bao lớp hùng binh Hoàng Sa đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Vì thế, hãy yêu và bảo vệ từng tấc đất trên hòn đảo này”, thầy Điển nói.
Biển đảo là nhà
Nhắc đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), thầy Điển cười hiền: “Ở Lý Sơn, với tôi mỗi ngày đều có niềm vui của ngày nhà giáo. Đó là những học trò cũ trở về thăm, góp sức mình nâng bước các em đi sau còn khó khăn. Đó là lời cảm ơn chân tình từ phụ huynh khi con em mình học hành đàng hoàng. Tôi nghĩ, đó là món quà quý nhất của người đưa đò trên bục giảng rồi”. |
35 năm làm bám đảo, thầy Điển bảo, với thầy đảo là tình yêu lớn. Chẳng thế mà hơn chục năm, để mọi người biết đến Lý Sơn, thầy Điển làm cộng tác viên cho một số tờ báo, đưa thông tin trên đảo đến với đất liền. “Lý Sơn xa đất liền. Những năm trước đây điều kiện đi lại khó khăn, không tấp nập khách du lịch như bây giờ nên nhắc đến Lý Sơn, nhiều người hình dung đến chặng đường vượt biển xa vời vợi. Vì thế, tôi đưa tin để hình ảnh Lý Sơn đến gần hơn với người dân đất liền. Sau này khi nhịp sống hiện đại gõ cửa vùng đất này, mỗi ngày vài chuyến tàu cao tốc cập đảo, công việc cộng tác của tôi mới dừng lại”, thầy Điển kể.
Thầy Điển kể, nhiều năm trước, khi hoàn cảnh gia đình neo đơn, bố mẹ già cả, ốm đau, thầy từng trở về dạy học ở quê 2 năm để chăm sóc ba mẹ. Tròn chữ hiếu, thầy lại lặng lẽ ghi vào đơn tình nguyện trở lại đảo. “Nơi đó không chỉ có vợ con tôi mà với tôi đảo là nhà, bà con và học sinh là người thân. Tôi từng là một cậu học trò trường làng khát khao học tập đã từng vượt chặng đường 20km, qua nhiều xã mới đến được trường học. Vì thế, đến với Lý Sơn, tôi nguyện sẽ dồn hết tâm sức vì học trò”, thầy Điển bộc bạch.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)