Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sự trùng hợp kỳ diệu của hai tâm hồn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong chương trình Ng văn lp 10 (tp 1 sách chương trình cũ và nhóm Chân tri sáng to tái s dng trong chương trình mi vi ta “Bo kính cnh gii – bài 43”), hc sinh đưc hc bài thơ “Cnh ngày hè” (Bo kính cnh gii) ca Nguyn Trãi:


Mt tiết dy hc môn ng văn  trưng THPT (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Rồi hóng mát thuở ngày trường/ Hòe lục đùn đùn tán rợp giương/ Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ/ Hồng liên trì đã tiễn mùi hương/ Lao xao chợ cá làng ngư phủ/ Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương/ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương. (Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 – Văn học thế kỷ X – thế kỷ XVII).

1. Theo hướng dẫn trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập 1; mục “Kết quả cần đạt” về nội dung là: “Cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè và tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu nhân dân, đất nước của Nguyễn Trãi”. Còn về nghệ thuật, cần đạt “Thấy được đặc sắc nghệ thuật của thơ Nôm Nguyễn Trãi: Bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn (sáu chữ) vào bài thơ thất ngôn (bảy chữ)”. Trong phần “Hướng dẫn học bài”, sách giáo khoa nêu 5 câu hỏi nhưng không có câu nào hướng dẫn tìm hiểu cũng như gợi ý hoàn cảnh sáng tác của bài thơ. Như vậy, muốn nắm được nội dung sâu xa của tác phẩm, trước hết cần nắm được bối cảnh xã hội mà bài thơ ra đời.

Chúng ta đều biết, bài thơ “Cảnh ngày hè” được sáng tác vào khoảng thời gian mà Nguyễn Trãi đã “Công danh đã được hợp về nhàn”, tức là thời gian ông lui về ở ẩn với một tâm hồn thư thái “Ao cạn vớt bèo cấy muống/ Đìa thanh phát cò ương sen/ Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then”. Những tưởng ở chốn “mây khách khứa, nguyệt anh tam”, nơi thanh tịnh khiến hồn người lắng lại thì tâm hồn con người dễ bằng lòng với thực tại. Nhưng với Nguyễn Trãi, tiếng vọng cuộc sống bên ngoài vẫn không ngừng dội tới hồn thơ:

Rồi hóng mát thuở ngày trường.

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.

Lúc này, Nguyễn Trãi tự cho mình là lúc rảnh rỗi, lúc “ăn không ngồi rồi” với những ngày dài dằng dặc. Câu thơ ở phía sau dường như có một tiếng thở dài… Nhưng tán hòe bỗng rạo rực một sắc xanh đầy sức sống; tán cây như vồng lên, đùn lên từ cành cây sum suê nhựa sống. Sắc xanh của ngày hè như sắc lại, hẳn đây là thời điểm giữa hè nên vạn vật đều phô hết vẻ đẹp của mình qua sự cảm nhận tinh tế của một tâm hồn nhạy cảm:

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Phảng phất câu thơ Kiều “Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông” sau đó mấy trăm năm! Lối tả thực dùng các từ gợi tả (phun, tiễn) với hình ảnh hai loài hoa nặng tình với mùa hè (thạch lựu, hồng liên) đã phác họa bức tranh đầy màu sắc và dường như thoang thoảng hương sen hồng quê kiểng. Bên hiên nhà, cây lựu đang nở bừng màu hoa đỏ như chập chờn màu lửa hạ. Hoa sen đã tỏa hết mùi hương, đã viên mãn, tròn đầy, sực nức mùi hương dâng tặng con người. Cả một không gian đầy ắp tiếng người, đầy ắp tiếng ve – tiếng cung đàn mùa hè náo nức, rộn rã. Việc đảo ngữ đã làm cho câu thơ thêm sinh động. Phải chăng, có được mùa, có đông vui mua bán nên mới có tiếng muôn người “lao xao” trò chuyện, tâm tình giữa buổi chợ đông. Tiếng ve như hòa chung khúc nhạc, như góp thêm tiếng lòng cho con người – bởi Nguyễn Trãi dẫu thân nhàn rỗi nhưng tấm lòng chẳng bao giờ yên ả! Biết bao lần ông đã tâm sự chân tình: “Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn! Chừng đó lòng ta phỉ sở nguyền” hoặc “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, “Bui một quân thân ơn cực nặng/ Tơ hào chưa báo hãy còn âu”, “Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu/ Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”… Bỗng tất cả như bừng tỉnh giữa cảnh vật say đắm lòng người khi Nguyễn Trãi trở về thực tại. Ước mong của ông là dân no, dân ấm, là “khắp hang cùng ngõ hẻm không còn tiếng kêu than”. Mong có tiếng đàn của một thời thịnh trị “Ngu cầm” – vua Thuấn nước Ngu, thời Ngũ đế là thời thái bình, vua Thuấn gảy khúc Nam phong có câu truyền lại, đại ý “Gió Nam mát mẻ làm cho dân ta bớt ưu phiền; Gió Nam thổi đúng lúc làm cho dân ta thêm sung túc”:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Ông tả cảnh thời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông là thời thái bình, yên ấm (Thời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa chín đầy đồng, cơm chẳng muốn ăn – ca dao). Cảnh ngày hè đẹp, hấp dẫn, quyến rũ hồn người; có thể khiến con người đắm chìm trong không gian rợp sắc màu và ướp đầy hương hoa ấy mà quên đi tất cả. Nhưng tấm lòng thương dân, lo cho dân vẫn luôn canh cánh bên lòng Nguyễn Trãi… Cảnh ngày hè quả là rất đẹp, nhưng đẹp hơn vẫn là tấm lòng lo nghĩ về việc nước, việc dân của ông.

2. Một tâm hồn lớn – Hồ Chí Minh – cũng trong một không gian lung linh ánh trăng nơi núi rừng Việt Bắc trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (1947) đầy gian khổ, thử thách:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Cảnh khuya nơi núi rừng hoang vắng bỗng gần gũi lạ thường. “Tiếng suối” rì rào của thiên nhiên được so sánh với “tiếng hát” của con người. Cảnh hoang sơ của núi rừng Việt Bắc bỗng trở nên thân thiết, gần gũi. Trăng cùng cây cỏ, cùng bóng hòa quyện, quấn quýt nhau. Cảnh thật nên thơ, cảnh đẹp đêm trăng khiến con người mải mê, say đắm bởi Bác mang trong mình tâm hồn thi sĩ!

“Cảnh khuya như vẽ” – cảnh khuya lung linh, huyền ảo do bàn tay kỳ diệu của thiên nhiên tạo ra và con người “thi sĩ” vẫn chưa nghỉ ngơi (người chưa ngủ). Phải chăng vì say mê vẻ đẹp huyền ảo này mà con người không nỡ bỏ qua cơ hội ngắm nhìn? Nhưng không, câu thơ kéo ta về thực tại – đó là tấm lòng Bác trĩu nặng với nước, với dân:

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

“Nỗi nước nhà” ở đây là tấm lòng của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc; ai cũng được học hành”.

Cách nhau mấy trăm năm mà hai tâm hồn lớn có sự trùng hợp, sự hòa điệu thật huyền diệu. Cả hai khung cảnh, hai không gian đều đẹp như bức tranh: Cảnh ngày hè dậy bừng sức sống và cảnh trăng khuya thanh khiết đến nao lòng. Cả hai tâm hồn cùng say mê cảnh đẹp bởi chất nghệ sĩ luôn có sẵn trong những tâm hồn lớn, những nhân cách lớn. Điều kỳ diệu là cả hai con người luôn nặng lòng với dân, với nước; không giây phút nào nguôi ngoai…

Cách xa hàng thế kỷ nhưng thật gần trong những tâm hồn cao đẹp, những nhân cách cao đẹp tỏa nên ánh sáng lạ thường!

ThS. Lê Đc Đng

* Tài liệu tham khảo: Thơ Hồ Chí Minh – NXB Văn hóa – Thông tin, 2002. Hợp tuyển văn học trung đại Việt Nam thế kỷ X – XIX, tập 1 – NXB Giáo dục, 2004. Ngữ văn 10, tập 1, NXB Giáo dục, 2006.

Bình luận (0)