TP.HCM hiện có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung, gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…, nhưng chỉ có 111 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ (KH-CN).
Tại TP.HCM, số doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện còn khiêm tốn. Trong ảnh: Trưng bày và giới thiệu công nghệ mới tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số TP.HCM năm 2022
Tiềm năng phát triển doanh nghiệp KH-CN rất lớn
Theo các chuyên gia, hiện nhiều doanh nghiệp KH-CN đã có doanh thu lớn, sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp trên đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu KH-CN khi tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, từ đó góp phần nâng cao tỷ lệ đầu tư của xã hội cho KH-CN. Tuy nhiên, hoạt động KH-CN tại doanh nghiệp hiện chưa được quan tâm do doanh nghiệp chưa tiếp cận hiệu quả các chính sách ưu đãi và các bước thực hiện hồ sơ đề nghị để được chứng nhận là doanh nghiệp KH-CN. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung. Bà Huỳnh Lưu Thanh Giang (Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở KH-CN TP.HCM) cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp KH-CN là nơi nhận chuyển giao công nghệ mới, tiếp nhận các kết quả nghiên cứu từ viện nghiên cứu, trường đại học. Đồng thời là đích đến của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa trí tuệ, ý tưởng của mình tạo ra những sản phẩm đem lại lợi ích cho xã hội. Doanh nghiệp cũng là cầu nối đưa các tiến bộ KH-CN ứng dụng vào sản xuất, đời sống và tạo ra những sản phẩm KH-CN có giá trị gia tăng cao. Theo thống kê của Sở KH-CN TP.HCM, đến nay trên địa bàn thành phố chỉ có 111 doanh nghiệp KH-CN được cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là trên 700, từ đó cho thấy tiềm năng phát triển mạng lưới doanh nghiệp KH-CN còn rất lớn.
Theo bà Giang, TP.HCM hiện có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo cùng với gần 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây được xem là nguồn phát triển doanh nghiệp KH-CN, cần được chú ý thúc đẩy phát triển trong thời gian tới để xây dựng một hệ sinh thái hoạt động mạnh và có chất lượng nhằm hình thành ngày càng nhiều doanh nghiệp KH-CN cho thành phố, tạo ra nguồn lực có chất lượng từ xã hội để đầu tư cho KH-CN.
Đại diện nhiều cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH-CN và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mong muốn được tiếp cận với các chính sách ưu đãi, tháo gỡ vướng mắc trong việc đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH-CN. Qua đó tạo tiền đề của cầu nối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp KH-CN với nhau, tạo liên kết bền vững góp phần triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025.
Chưa phát huy chính sách ưu đãi
Theo bà Phan Thị Thùy Ly (Phó Giám đốc phụ trách Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao), doanh nghiệp KH-CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng; được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH-CN; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ… Đây là những chính sách ưu đãi rất tốt; tuy nhiên, số đơn đăng ký doanh nghiệp KH-CN hiện nay rất ít. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH-CN cũng như phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH-CN. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp KH-CN sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi. Do đó không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định, dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH-CN khi đáp ứng các điều kiện sau: Được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH-CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định số 13/2019/NĐ-CP; Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KH-CN (Điều 12 – 17 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP): Được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; Doanh thu, thu nhập được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH-CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải là doanh thu, thu nhập từ dịch vụ mới; Ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp KH-CN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH-CN; Hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ… |
Để ngày càng có nhiều doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp KH-CN, bà Ly đề xuất đơn giản hóa thủ tục thành lập. Có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện những ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, triển khai những hoạt động nghiên cứu KH-CN trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về việc triển khai các chính sách đang được ưu đãi, sử dụng trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Đặc biệt là khai thác tối đa những trang thiết bị, máy móc đã và đang phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của doanh nghiệp… Về phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KH-CN tại doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH-CN bền vững.
Từ kinh nghiệm tiếp cận chính sách cho doanh nghiệp KH-CN của Vườm ươm doanh nghiệp công nghệ cao, bà Ly chia sẻ: Vườn ươm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị mà còn thúc đẩy thương mại hóa, giúp doanh nghiệp đạt được các điều kiện để nhận được chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH-CN. Năm đầu ươm tạo, đội ngũ chuyên gia giúp doanh nghiệp rà soát các tài sản sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp có thể đăng ký và vườn ươm sẽ hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. Hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo đều đăng ký thành công ít nhất một tài sản sở hữu trí tuệ trong năm đầu. Song song đó, đội ngũ chuyên gia từ các công ty tư vấn lớn với kinh nghiệm và am hiểu tốt về thị trường trong nước và quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng lại mô hình kinh doanh khả thi. “Thành phố nói chung và các cơ quan chức năng nói riêng cần có những giải pháp để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực nội sinh, tăng cường khả năng nghiên cứu và làm chủ về KH-CN, khả năng thương mại hóa thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ”, bà Ly đề xuất.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)