Mất việc, giảm giờ làm bởi doanh nghiệp không có đơn hàng, song nhiều người lao động vẫn nán lại Sài Gòn mưu sinh, chăm chỉ làm việc mong có được khoản thu nhập, lương thưởng cuối năm để trang trải Tết. Về phía doanh nghiệp cũng cố gắng xoay xở chăm lo Tết nhằm tri ân, giữ chân người lao động.
Sau khi bị công ty cho nghỉ việc, chị Trang vẫn nán lại Sài Gòn buôn bán thêm để lấy tiền trang trải Tết
Công nhân “sợ Tết”
6 giờ chiều, trời nhá nhem tối nhưng chị Lê Thị Thùy Trang vẫn cố gắng bán nốt số chả cá đã lấy từ sáng để kịp trở về phòng trọ, chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình. Bán chả cá được chị “tập tành” từ đầu tháng 12 ngay sau khi chị và hàng ngàn công nhân khác bị Công ty TNHH Tỷ Hùng cho nghỉ việc.
“Công việc đang ổn định thì bị công ty cho nghỉ việc khiến chúng tôi rất sốc nhưng cũng phải chấp nhận vì công ty không có đơn hàng. Tết nhất đến nơi, tìm việc mới rất khó, về quê không biết làm gì nên tôi nán lại Sài Gòn lấy hàng về bán. Ai thuê gì tôi cũng làm, “chăm nhặt chặt bị” để lấy tiền trang trải Tết”, chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho biết thêm, cứ khoảng thời gian này các năm, chị luôn khấp khởi chờ nhận tiền lương tháng 13, thưởng Tết của công ty để sắm Tết, mua quần áo mới cho con, quà biếu ông bà nội ngoại ở quê. Ngoài tiền còn có thêm phần quà của công ty đã giúp gia đình chị có cái Tết tươm tất. Đây là động lực thôi thúc chị nỗ lực tăng ca để có thêm thu nhập cuối năm. Tuy nhiên, bất ngờ công ty cho nghỉ việc ngay lúc này xem như mất Tết. “Chưa năm nào sợ Tết như năm nay”, chị Trang nói.
May mắn hơn chị Trang, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (54 tuổi, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam – Q.Bình Tân) không bị mất việc. Song, cũng như một số công ty khác chịu tác động chung của thị trường xuất nhập khẩu, Pouyuen bị giảm đơn hàng nên công việc và thu nhập của bà Nguyệt cũng bị giảm. Dẫu vậy, bà vẫn cần mẫn dậy sớm đón xe buýt từ phòng trọ đến công ty làm việc để mong có được đầy đủ khoản tiền lương tháng 13 và thưởng Tết.
Gia đình bà Nguyệt quê ở Trà Vinh, có vườn dừa nhưng tiền thu được từ bán quả không đủ công chăm sóc. Có nhiều khi chỉ 30 ngàn đồng/12 quả, gọi thương lái cũng không ai mua. Để có tương lai, 20 năm trước, hai vợ chồng bà đem theo con trai lên Sài Gòn làm thuê. Tại Công ty Pouyuen, bà Nguyệt làm được 13 năm với mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng vừa đủ trang trải tiền phòng trọ và tiền ăn cho cả gia đình. Chồng bà làm thợ hồ, thu nhập lúc có lúc không. Thế nên năm nào cũng vậy, Tết đến gia đình bà chỉ trông chờ vào khoản lương, thưởng.
“Tết năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thưởng Tết giảm vài triệu đồng. Năm nay, công ty gặp khó khăn do đơn hàng giảm, chúng tôi hết sức chia sẻ nhưng cũng mong có được lương, thưởng đầy đủ để sắm Tết”, bà Nguyệt bày tỏ.
Xoay xở chăm lo Tết cho công nhân
Nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng xoay xở chăm lo Tết.
Tại Công ty Mỹ phẩm Thorakao, sản lượng hàng xuất khẩu bị giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phí logistics cao nhưng công tác chăm lo Tết cho người lao động vẫn được quan tâm thực hiện từ tháng 10. Kinh phí chăm lo Tết cho người lao động được trích từ nguồn dự trữ lợi nhuận.
Ông Huỳnh Kỳ Trân – Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ phẩm Thorakao – cho rằng, lợi nhuận trong kinh doanh nhiều hay ít là chuyện của công ty. Chăm lo Tết cho người lao động mỗi năm chỉ có một lần là trách nhiệm hội đồng quản trị, ban giám đốc phải làm, không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn động viên, tri ân, giữ chân người lao động gắn bó với đơn vị.
TP.HCM hiện có hơn 248.800 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2,4 triệu lao động có tham gia bảo hiểm xã hội. Do ảnh hưởng của thị trường kinh tế thế giới nên một số doanh nghiệp giày da, may mặc xuất khẩu gặp khó khăn, đơn hàng thiếu hụt buộc phải cắt giảm giờ làm, lao động. Để ổn định tình hình lao động, nhất là vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP – cho biết, sở đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vận động các doanh nghiệp sớm ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động; phối hợp thực hiện chương trình chăm lo Tết cho công nhân theo kế hoạch chung của Liên đoàn Lao động TP. Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ người lao động, thời gian nghỉ trong dịp Tết… |
Hiện Thorakao có hơn 150 người lao động chính, khoảng 200 người lao động vệ tinh. Hàng năm, tiền lương tháng 13 khoảng 7 đến hơn 10 triệu đồng/người tùy theo hoạt động kinh doanh của đơn vị. Năm nay, tình hình khó khăn nên khoản lương, thưởng Tết sẽ ít hơn năm trước, tuy nhiên công ty vẫn cố gắng chăm lo đầy đủ.
“Ngoài tháng lương 13, dự kiến người lao động vẫn được thưởng theo đánh giá A, B, C và một phần quà gồm quần áo, dầu ăn, nước tương, gạo, bánh kẹo…”, ông Trân nói.
Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Q.9), hoạt động trong 6 tháng đầu năm khá tốt, công nhân tăng ca bình thường. Tuy nhiên từ tháng 10 đến nay, đơn hàng của công ty giảm 50% ở thị trường EU, Hoa Kỳ. Mặt hàng Jean cũng giảm khoảng 70%. Mặc dù khó khăn nhưng để người lao động có cái Tết đầy đủ, công ty vẫn cố gắng tìm nguồn chăm lo Tết.
Ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc công ty – cho biết: “Dự kiến năm nay mỗi công nhân được thưởng 1 tháng lương khoảng 10 triệu đồng, thấp hơn so với các năm trước. Trước đây có người được lãnh khoảng 20 triệu đồng. Mặc dù công ty cắt giảm khoản thưởng lao động xuất sắc nhưng vẫn chi thêm tiền thưởng từ công đoàn hoặc đối với cán bộ quản lý thì thêm mỗi người 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty vẫn tổ chức chuyến xe mùa xuân để đưa công nhân về quê đón Tết”.
Minh Phương
Bình luận (0)