Đó là băn khoăn của nhiều học sinh tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 diễn ra tại Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.8) mới đây.
ThS. Lê Ngọc Hải (chuyên gia tâm lý kỹ năng) tư vấn cho học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Đừng nghĩ học xong ra… làm sếp
Trong chương trình tư vấn, em Trà My (học lớp 12A12) – đại diện cho nhiều học sinh, hỏi: “Chúng em rất quan tâm đến ngành quản trị kinh doanh, nhưng nghe nói ngành này có tỷ lệ thất nghiệp cao. Thông tin trên có đúng không?”. Giải đáp câu hỏi này, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết, thông tin này có phần đúng nhưng cũng có phần chưa đúng. Bởi ngành quản trị kinh doanh yêu cầu mỗi người chỉ có một giai đoạn để tạo ra giá trị nên người nào tận dụng cơ hội sẽ thành công, ngược lại sẽ thất bại. Nhiều người trẻ sau quá trình gắn bó với lĩnh vực này họ chuyển sang làm công việc khác. Cũng có những người ban đầu nghĩ học quản trị kinh doanh ra làm sếp, nhưng thực tế họ phải làm nhân viên, kinh qua nhiều vị trí mới có thể “leo” lên vị trí cao. Điều này khiến họ ngỡ ngàng, không chấp nhận và dẫn đến nghỉ việc. Nhưng cũng có những người học một ngành khác nhưng ra trường lại chọn kinh doanh và gặt hái được thành tựu đáng kể. Do đó, chúng ta không thể khẳng định được việc học quản trị kinh doanh là thất nghiệp.
ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) tư vấn thêm cho các em học sinh
PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà cho biết thêm, quản trị kinh doanh là ngành học lâu đời, đòi hỏi người học phải có những tố chất nhất định như nhạy bén, có khả năng lãnh đạo, chấp nhận đương đầu với khó khăn… Nếu người học có những tố chất này sẽ thành công. “Vì vậy, khi quyết định lựa chọn học ngành quản trị kinh doanh, các em không nên lo lắng quá nhiều về vấn đề thất nghiệp, việc thất nghiệp hay không do chính bản thân mình. Nếu các em có sự tìm hiểu về nghề để không bị ngộ nhận, kèm theo những tố chất mà chúng ta có thì chắc chắn sẽ thành công”, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà khẳng định.
Còn theo ThS. Lê Ngọc Hải (chuyên gia tâm lý kỹ năng), khi chọn nghề các em phải dựa theo sở trường, sở thích và sở đoản. Điều đặc biệt là các em phải hiểu công việc mà mình chọn. Chẳng hạn, nếu các em muốn học ngành du lịch thì phải tìm hiểu ngành này cần những yêu cầu gì, việc làm ra sao. Các em không thể chọn nếu bản thân bị say xe không thể di chuyển được đường dài, không chịu được áp lực cao và muốn học để kiếm thật nhiều tiền. Bởi ngành du lịch không phù hợp với những em muốn đạt được những điều đó. Hay với nghề phóng viên, các em phải có kỹ năng giao tiếp, thích xông pha mạo hiểm, sắp xếp công việc hợp lý… Cũng có nhiều em quan niệm học ngành nào ra trường chỉ làm ngành đó. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, học một ngành làm được nhiều nghề. Ví dụ, học ngành tâm lý ra trường có thể làm chuyên gia tâm lý, đi giảng dạy, làm marketing… “Trước khi lựa chọn, các em nên tìm hiểu kỹ để tránh ngộ nhận về nghề. Việc này sẽ giúp các em chọn đúng ngành nghề và thành công trong tương lai”, ThS. Lê Ngọc Hải lưu ý.
Ngành thú y có phù hợp với thời đại 4.0?
Trước sự phát triển của công nghệ, nhiều ngành nghề đón đầu xu thế ra đời khiến không ít học sinh lo lắng về con đường tương lai. Như câu hỏi của một học sinh nam: “Em thích học ngành thú y, liệu ngành này có phát triển trong thời gian tới không?”. ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Giám đốc Trung tâm truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, ngành thú y nằm trong nhóm ngành chăn nuôi. Sinh viên học ngành này sẽ nghiên cứu năng lực chuyên môn về thú y, khả năng thực hiện các thao tác phòng thí nghiệm, chẩn đoán và phòng trị bệnh cho chăn nuôi. Ngành thú y góp phần chăm sóc, bảo vệ động vật bằng hiểu biết về luật, thị trường thuốc thú y, thị trường chăn nuôi… Theo ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung, trước xu hướng phát triển của ngành nghề và công nghệ, những năm gần đây ngành thú y càng được học sinh quan tâm. Bởi theo thời gian, thú cưng hiện nay ở Việt Nam rất được ưa chuộng; những quan điểm đổi mới về vật nuôi và gia súc đã thay đổi, vì vậy nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho chúng cũng tăng. Nghề thú y cũng giống như nghề bác sĩ, đó là mang lại sự sống và cứu chữa cho những sinh mạng nhỏ bé. Vì những lý do đó mà nghề thú y trở thành một ngành nghề chân chính đáng theo đuổi. “Tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngành thú y đào tạo trong thời gian từ 3,5-4 năm. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, nhà trường còn có chương trình liên kết với doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội thực tập, thực tế tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Ra trường, sinh viên có thể làm việc ở các cơ sở thú y, sở/ban/ngành liên quan đến hoạt động chăn nuôi cũng như có thể mở cơ sở chăm sóc động vật. Cơ hội việc làm của ngành này rất rộng mở”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung khẳng định.
Một học sinh nữ đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Ông Nguyễn Công Kỳ (Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT) thông tin thêm, hiện nay có nhiều lĩnh vực nghề nghiệp từ khoa học kỹ thuật, dịch vụ cho đến kinh tế, nhân văn… Trên thế giới đã có nhiều ngành nghề robot thay thế con người để tiết kiệm công sức, thời gian. Dù vậy, nhân tố con người vẫn giữ vị trí quan trọng mà không robot nào có thể thay thế. Do đó, những học sinh quan tâm đến lĩnh vực nghề nghiệp như nông nghiệp, chăn nuôi… sẽ có nhiều lợi thế để phát triển nghề nghiệp. “Theo nghiên cứu, trong số 100% sinh viên học đại học, có tới 28% nghỉ học giữa chừng vì nhiều nguyên nhân như chọn không đúng ngành, học mãi không tốt nghiệp được… Chính vì vậy, việc tìm hiểu về nghề nghiệp trước khi chọn ngành là điều hết sức quan trọng. Hiểu đúng sẽ chọn đúng, từ đó dẫn đến thành công”, ông Nguyễn Công Kỳ nói.
Hồ Trinh
Bình luận (0)