Giáo dục là một thiết chế văn hóa, là một lĩnh vực của văn hóa và bản thân giáo dục cũng chính là văn hóa. Giáo dục – đào tạo là con đường để tạo dựng cũng như bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa; từ đó điều chỉnh, phát triển văn hóa.
Học sinh THPT tham gia một hoạt động ngoại khóa
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo Văn hóa 2022: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có tham luận với chủ đề “Giáo dục văn hóa và giáo dục để phát triển văn hóa”, trong đó, nhấn mạnh nội dung trên.
Trong tham luận, Bộ trưởng đề cập, con người là chủ thể của văn hóa, sáng tạo và duy trì văn hóa. Giáo dục là lĩnh vực tạo dựng và phát triển con người, vì vậy, giáo dục tạo dựng, phát triển chủ thể văn hóa. Giáo dục tác động sâu sắc, toàn diện và chủ động đến văn hóa. Có thể nói giáo dục làm được tới đâu sẽ mở đường, tạo nền cho văn hóa phát triển tới đó.
Theo Bộ trưởng, triển khai văn hóa giáo dục là làm cho các khâu, thành tố, hoạt động của giáo dục gia tăng những giá trị chân, thiện, mỹ và những giá trị đó hiển thị đầy đủ trong các phương diện, quá trình giáo dục. Muốn thực hiện giáo dục văn hóa thì bản thân nền giáo dục phải mang đậm giá trị văn hóa; phải hiện hữu sinh động, đầy đủ các giá trị cốt lõi như sự trung thực, lương thiện, vì con người và vì những điều tốt đẹp nhất.
Để triển khai văn hóa giáo dục, Bộ trưởng đề cập 6 nội dung, phương pháp gồm: Tư tưởng, triết lý giáo dục; xây dựng thể chế; tạo dựng xã hội học tập; củng cố và phát triển đội ngũ những người làm giáo dục, đặc biệt là các nhà giáo; triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo; xây dựng văn hóa học đường.
Bộ trưởng cho rằng, trong việc triển khai thành công đổi mới căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo thì thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xem là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng và phát triển nền giáo dục theo hướng một nền giáo dục văn hóa.
Ở đây, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh 4 yếu tố: Thứ nhất, giáo dục phát triển văn hóa không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ các nội dung văn hóa mà trước tiên là giáo dục tư chất, nâng cao năng lực tư duy, phát triển cảm xúc thẩm mỹ, xúc cảm xã hội và sự thấu cảm. Thứ hai, mọi nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa qua giáo dục thực sự hiệu quả khi chính học sinh được tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, trải nghiệm thực tế, đưa ra quyết định, dẫn tới việc thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi và thế giới quan. Thứ ba, quá trình phát triển và triển khai chương trình cần đặc biệt chú trọng hoạt động trải nghiệm thực tế toàn diện, giúp học sinh phát triển nhận thức về sự đa dạng của văn hóa, từ đó hình thành thế giới quan và nhân cách. Thứ tư, chương trình giáo dục phục vụ mục đích phát triển văn hóa không thể chỉ giới hạn trong phạm vi trường học. Gia đình và cộng đồng có vai trò không thể thay thế trong việc mang lại những tiếp xúc và trải nghiệm văn hóa chân thực cho học sinh.
Còn việc xây dựng văn hóa học đường có thể xem là một điểm nhấn trong các giải pháp thực hiện chương trình phát triển giáo dục văn hóa. Xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử và các chuẩn giá trị trong trường học; lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh và xem đây là gốc cho phát triển văn hóa.
M.Tâm
Bình luận (0)