Họa sĩ Đặng Thiên Thư hiện là CEO & Founder của Lịch Xuân Phương Nam – một thương hiệu đầy tự hào với 12 năm luôn đi đầu về chất lượng và tính thẩm mỹ trong thị trường lịch Việt Nam. Là người yêu chiều sâu của văn hóa Việt, bao gồm cả văn hóa ẩm thực, họa sĩ Đặng Thiên Thư luôn mong muốn tôn vinh những giá trị đặc sắc của dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước. Nhân dịp đầu năm xuân Quý Mão 2023, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nữ họa sĩ tài hoa này.
Họa sĩ Đặng Thiên Thư giao lưu với khán giả VOH về lịch xuân 2023
+ Thắng lợi lớn nhất của Lịch Xuân Phương Nam (LXPN) năm nay chính là sự kết hợp của văn hóa ẩm thực Việt Nam vào lịch. Theo chị, có phải cách tiếp nhận nhanh nhất của LXPN đến giới trẻ là thông qua con đường ẩm thực?
– Đúng là như vậy. Chúng tôi đã xác định giới trẻ hiện đại chính là đối tượng mà LXPN đang mong muốn tiếp cận, dù đây lại là đối tượng hầu như không quan tâm đến lịch nói chung và lịch bloc nói riêng. Các bạn trẻ đã có sự tiếp xúc quá gần với công nghệ, nên với các bạn trẻ, việc xem ngày tháng trên lịch đã gần như bị lỗi thời. Tuy nhiên, với một nỗ lực lớn lao, chúng tôi vẫn kỳ vọng chính sự đẹp đẽ, thú vị của những sản phẩm lịch của LXPN sẽ đủ sức hấp dẫn họ. Và thông qua những trang lịch mỗi ngày, những thông điệp theo chiều sâu bao gồm hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, những bức tranh dung dị về món ăn ba miền, những câu ca dao, tục ngữ thân thương… sẽ từ từ như “mưa dầm thấm lâu”, sẽ đọng lại trong tâm thức những người trẻ và chuyển hóa thành tình yêu nước Việt thiêng liêng.
Họa sĩ Đặng Thiên Thư bên mẫu lịch xuân 2023
+ Không thể không nhắc đến bộ lịch “Hương vị quê nhà” với 365 trang lịch là 365 món ăn thuần Việt tương ứng với 365 ngày của một năm 2023 trọn vẹn, đủ đầy, no ấm. Chị có thể chia sẻ về tâm huyết của mình và thời gian thực hiện tác phẩm mỹ thuật ấn tượng cho bộ lịch này?
– Mỗi năm LXPN chọn một bộ lịch trọng tâm để đầu tư thật tâm huyết, các năm trước chúng tôi đã vẽ về Lễ hội Việt, rồi Làng nghề Việt, năm nay bộ lịch “Hương vị quê nhà” thực sự là đứa con tinh thần được dành cho rất nhiều tâm sức. Đội ngũ họa sĩ của LXPN đã tái hiện lại những món ăn ba miền bằng thủ pháp màu nước rất kỳ công, tranh vẽ tỉ mỉ và công phu. Hơn cả những món ăn quen thuộc, các món ăn trong bộ lịch lại còn bước ra từ kho tàng ca dao tục ngữ quê hương. Đó thực sự là một công trình sưu tầm phong phú, tái hiện lại vốn quý từ dân gian chính là những đặc sản ẩm thực từ Bắc chí Nam, qua đó còn là phong vị, đặc tính vùng miền, tình cảm tha thiết người xưa dành cho nhau. “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”, “Lần đầu ăn tô bún cá/ Chạy dìa Rạch Giá bỏ má theo em”, “Ai đi cách trở sơn khê/ Nhớ tô mì Quảng, tình quê mặn nồng”… rất nhiều những câu ca dao vừa duyên dáng, vừa đượm tình, mà nhịp sống hiện đại chúng ta đã dần quên lãng. Tôi mong muốn nó xuất hiện trên tờ lịch mỗi ngày ở mỗi gia đình, để chúng ta nhớ mãi một giá trị tuyệt vời của dân tộc và thêm yêu, thêm tự hào mình là người Việt.
Bộ lịch xuân 2023 “Hương vị quê nhà”
+ Lịch tranh vẽ văn hóa ẩm thực Việt, xin hỏi thật có phải đây là sở thích khám phá của chị hay vì lý do gia đình chị hiện cũng kinh doanh đặc sản sạch với thương hiệu mang tên Baka cũng đang được khách hàng rất ưa chuộng?
– Tôi vốn là người trọn tình cùng văn hóa Việt, từ 12 năm nay với thương hiệu LXPN, chúng tôi tiên phong với lịch thuần Việt, đề tài lịch trong các năm đều tập trung vào khai thác những giá trị trường tồn đang dần khuất lấp theo thời gian. Tuy nhiên, một phần nào đó thì nghề tay trái của tôi, kinh doanh đặc sản sạch cũng giúp tôi có thêm hiểu biết về ẩm thực, giúp tôi hoàn thiện công việc biên tập bộ lịch “Hương vị quê nhà” một cách đầy đủ hơn. Dù là thể hiện với hình thức nào, những trang lịch thật đẹp mắt mang ý nghĩa tinh thần hay những món ăn sạch, lành, thơm thảo cho bữa cơm gia đình, chúng tôi đều hướng tới việc đem đến những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Những mẫu thiết kế lịch xuân 2023 của họa sĩ Đặng Thiên Thư
+ Việc vẽ những tác phẩm mỹ thuật về ẩm thực có gì đặc biệt đã cuốn hút chị. Dành thời gian tâm sức để vẽ lên những bao bì nhãn mác cho đặc sản quê ra thành thị như thế điều chị mong đợi nhất là điều gì?
– Thực sự thì dù “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, ngày nay vẻ đẹp và sự tiện dụng của bao bì cũng là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để khiến người tiêu dùng đi đến quyết định chọn mua sản phẩm. Nông sản – đặc sản Việt Nam cực kỳ phong phú và chất lượng, tuy nhiên vẫn chưa có sự phát triển đúng mức, một phần cũng là vì bao bì đa số còn đơn sơ, thiếu bắt mắt. Khi trực tiếp thiết kế những bao bì, nhãn mác cho các đặc sản Việt mà Bakafood sản xuất và phân phối, ví dụ như nước mắm cá linh, các loại mắm Châu Đốc, đường thốt nốt, gạo ST24, 25… tôi thực sự mong muốn chính cái “nước sơn” ấy sẽ hấp dẫn được người mua, góp phần lan tỏa những sản phẩm tốt của quê nhà ra thị trường.
+ Những tâm tư về ngành lịch, là một họa sĩ chị nghĩ sao về vai trò của mỗi cuốn lịch là “Sứ giả của văn hóa Việt” mỗi độ xuân về?
– Chúng tôi rất thích danh xưng “Sứ giả của văn hóa Việt” mà bạn đã gọi. Tôi không mong muốn gì hơn, là mỗi dịp xuân về, nhà nhà thay lịch mới, lật giở từng trang lịch còn thơm mùi mực để đón một năm mới đầy hy vọng, thì mỗi trang lịch nhỏ xinh này sẽ đem đến niềm vui, niềm hứng khởi và năng lượng tích cực cho mọi nhà. Và đâu đó, thông điệp về văn hóa Việt ẩn chứa trong từng tờ lịch sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của chúng ta.
+ Xin cảm ơn chị rất nhiều!
Anh Khôi (Thực hiện)
Bình luận (0)