Triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm học 2022-2023. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã xây dựng đa dạng chương trình giáo dục nhằm trang bị cho học sinh kỹ năng về khởi nghiệp ngay từ trường phổ thông.
Mô hình “Cà phê khởi nghiệp” kết hợp với sách thu hút đông đảo học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu tham gia
Mô hình kinh doanh quán cà phê trong trường
Năm học này, lần đầu tiên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) triển khai mô hình “Cà phê khởi nghiệp” do chính học sinh trong trường tổ chức, điều hành. Địa chỉ quán là hành lang lầu 1, trang trí bắt mắt như một quán cà phê kết hợp với sách. “Điểm độc đáo của mô hình “Cà phê khởi nghiệp” là học sinh các lớp sẽ đăng ký theo từng tuần để xây dựng kế hoạch kinh doanh. Các em sẽ tự lên thực đơn, thức ăn, nước uống. Cân đối trong một nguồn vốn nhất định để làm sao mang lại hiệu quả khi tổ chức”, cô Nguyễn Thị Ánh Mai (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu) cho biết.
Theo cô Mai, mô hình “Cà phê khởi nghiệp” ngay từ khi được thành lập đã thu hút đông đảo học sinh tham gia vì tính mới mẻ. Các em thích thú khi được trải nghiệm một hình thức giáo dục mới, độc đáo, kinh doanh ngay trong trường. Ban đầu, nhà trường hỗ trợ cho các em một số vốn nhất định là vài trăm ngàn đồng. Mô hình “Cà phê khởi nghiệp” kết hợp với sách được giao cho câu lạc bộ sách của nhà trường quản lý. Tất cả các đầu mối từ liên hệ kinh doanh, xây dựng kế hoạch sẽ đều thông qua câu lạc bộ. Nhà trường còn mời các cựu sinh viên đang học về kinh doanh, hoặc phụ huynh đang có mô hình kinh doanh về trường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm… cho học sinh. “Tận dụng chính cơ sở vật chất của nhà trường, mô hình không chỉ tạo ra sự mới mẻ trong cách thức giáo dục mà còn giúp học sinh có thêm những trải nghiệm mới, hoàn thiện thêm cho các em nhiều kỹ năng. Điều này càng có ý nghĩa trong đổi mới giáo dục, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Mỗi tuần, vào giờ ra chơi sáng thứ hai, các em sôi nổi tham gia, tạo môi trường học đường thân thiện. Chỉ bằng một số vốn nhỏ nhưng các em học được rất nhiều điều, từ việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, tính toán hiệu quả kinh doanh, thị hiếu khách hàng… Từ đó trang bị cho các em kỹ năng khởi nghiệp, bước đầu làm quen với mô hình kinh doanh nhỏ”, cô Mai đánh giá.
Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức đa dạng các hoạt động để tạo môi trường khởi nghiệp cho học sinh
Một mô hình giáo dục trang bị cho học sinh kỹ năng khởi nghiệp hiện được nhiều cơ sở giáo dục áp dụng đó là tổ chức các hoạt động kinh doanh, hội chợ trong nhà trường để học sinh làm chủ. Mỗi lớp hoặc mỗi câu lạc bộ trong nhà trường sẽ tổ chức những gian hàng riêng biệt, kinh doanh các mặt hàng khác nhau để bán trong trường vào những dịp lễ hoặc gắn với chuyên đề, chương trình giáo dục. Thầy Nguyễn Văn Cường (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trọng Tấn, Q.Bình Tân) chia sẻ, hàng năm trong một số chuyên đề của các bộ môn hoặc các dịp lễ như hội xuân, hội trại cho học sinh khối 12, chào đón học sinh khối 10…, nhà trường đều tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm hình thức kinh doanh trong trường. Qua các hoạt động này đều trang bị cho học sinh kỹ năng, tư duy về khởi nghiệp. “Nói là kinh doanh nhưng thực chất học sinh chỉ tổ chức các gian hàng nhỏ, tự làm các sản phẩm gắn liền với môn học hoặc những sản phẩm trong khả năng của các em làm ra để bán cho học sinh trong trường. Điều này vừa tạo môi trường để học sinh nhà trường được trải nghiệm, xây dựng môi trường giáo dục đa dạng, qua đó các em phát huy khả năng, năng lực của bản thân, gắn kiến thức môn học vào hoạt động thực tế”, thầy Cường nhìn nhận.
Khởi nghiệp không cứ phải là kinh doanh, buôn bán
Nhằm trang bị cho học sinh năng lực tư duy về khởi nghiệp, có định hướng và nhìn nhận đúng đắn về các ngành nghề trong xã hội, mới đây Trường THCS-THPT Hồng Đức (Q.Tân Phú) đã triển khai chuyên đề về giáo dục khởi nghiệp cho học sinh nhà trường. Thầy Hoàng Gia Thành (Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Đức) cho hay, trong bối cảnh hiện nay khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, học sinh có cơ hội để tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác. Nhiều khi ảnh hưởng của các ngành nghề mới tác động lớn đến tư duy, nhận thức của các em về vấn đề nghề nghiệp, khởi nghiệp. “Ví dụ, qua mạng xã hội, các em thấy rằng nghề Youtuber kiếm được nhiều tiền lại có tư duy làm sao để trở thành một Youtuber. Chính vì vậy, điều quan trọng là nhà trường phải trang bị được cho học sinh tư duy đúng đắn về khởi nghiệp để các em có định hướng phù hợp”, thầy Thành nhìn nhận.
Chia sẻ với học sinh về vấn đề khởi nghiệp, Youtuber Vương Phạm nhấn mạnh, với các lĩnh vực và ngành nghề mới nổi lên, khi nhìn vào các em có thể thấy dễ dàng, đơn giản, việc khởi nghiệp tưởng chừng rất dễ dàng. Ví dụ, nhiều học sinh thấy rằng nghề Youtuber dễ dàng kiếm tiền và cho rằng đây là lĩnh vực dễ dàng khởi nghiệp. Nhưng để quyết định theo đuổi một lĩnh vực nào đó thì các em phải có sự tìm hiểu, quan trọng nhất là bản thân phải có hiểu biết chứ không nên vì sự hào nhoáng bên ngoài mà ảo tưởng. “Dạy khởi nghiệp trong trường phổ thông không hẳn là học sinh phải kinh doanh hay buôn bán cái gì đó mà chỉ đơn giản là tạo ra môi trường để các em trải nghiệm, qua đó trang bị tư duy, năng lực, hiểu biết về khởi nghiệp cho các em. Khi có tư duy khởi nghiệp thì dù lựa chọn bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp gì các em cũng có hướng đi đúng đắn, không bị những thứ hào nhoáng bên ngoài của ngành nghề tác động”, Youtuber Vương Phạm nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Đỗ Hoa
Bình luận (0)