Gần 12 năm lặng lẽ những bước chân gom nhặt rác quanh bán đảo Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung, ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) bảo: “Tôi mong đến một ngày, Sơn Trà và nhiều nơi khác không còn rác thải. Như thế, mọi người được sống trong một môi trường xanh, trong lành và sạch đẹp”.
Đào Đặng Công Trung thầm lặng với công việc nhặt rác, cứu hệ sinh thái biển Sơn Trà
Cứu tinh của môi trường biển
Khu vực biển ven chân núi bán đảo Sơn Trà nhiều năm nay luôn được đều đặn làm sạch bởi những người yêu môi trường. Người tiên phong trong phong trào làm sạch biển được nhắc đến là anh Đào Đặng Công Trung. Không chỉ bền bỉ với công việc tự nhặt rác, anh Trung còn kêu gọi được nhiều thành viên của CLB Bơi lặn Thanh Khê cùng tham gia gần 4 năm nay.
Anh Trung kể, nhiều lần bơi lặn trên vùng biển Sơn Trà, nhận thấy nơi đây rất đa dạng sinh học. Cùng với các rạn san hô tuyệt đẹp, nhiều loài cá và sinh vật biển rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vào thời điểm nhiều nhóm du khách tự phát đến bán đảo Sơn Trà khoảng vài năm trước, một lượng rác được thải ra nhiều hơn. Cùng với đó, dưới tác động của thiên nhiên, thời tiết, nhiều rạn san hô bị rác thải tấn công. “Nhiều cây san hô đang phát triển rất đẹp lại bị rác che lấp, bám vào khiến cây bị chết. Rác trong lòng biển có rất nhiều loại, từ vỏ chai nhựa, túi nilon đến vải, lưới cụ rách… Phải cứu lấy san hô và các loài cá là ý nghĩ đầu tiên thôi thúc tôi thực hiện các chuyến lặn biển nhặt rác”, anh Trung kể lại.
Đều đặn mỗi tuần, anh Trung đều dành thời gian lặn biển ít nhất 2 lần để nhặt rác, giải cứu rạn san hô. Anh Trung bảo: “Nói lặn biển nhặt rác, nhiều người nghĩ chỉ cần biết kỹ thuật bơi và lặn là làm được. Thực tế không phải vậy, ngoài hai kỹ năng đó ra còn đòi hỏi mình phải có sức khỏe, kinh nghiệm và phán đoán chính xác để không gặp nguy hiểm khi gặp vùng nước xoáy. Ở độ sâu tầm 5 đến 7 mét thường có nhiều rác nhưng cường độ dòng nước ở tầm đó cũng rất mạnh, rác không đứng yên nên việc gom nhặt đưa lên bờ rất vất vả. Đó là chưa kể, biển thường có các sinh vật độc, nếu mình không cẩn thận va phải thì cũng gặp nguy hiểm”.
Hình ảnh quen thuộc của Đào Đặng Công Trung trên đỉnh Sơn Trà
Không phô trương, mỗi hành động của anh Trung đều ghi dấu đậm nét về tình yêu môi trường, yêu thiên nhiên. Gần 12 năm, Sơn Trà in hàng vạn dấu chân của Đào Đặng Công Trung. Anh nói: “Khi môi trường được quan tâm một cách nghiêm túc thì cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn. Tôi cũng mong du khách đến nơi này, đừng để gì lại ngoài những dấu chân kỷ niệm. Tôi hy vọng, đến một ngày gần nhất công việc nhặt rác của tôi bị thất nghiệp”. |
Khó khăn là vậy nhưng anh Trung không bỏ cuộc. Anh trăn trở đưa ra nhiều giải pháp để cứu biển. Tháng 7-2019, anh vận động và nhận được sự đồng ý của CLB Bơi lặn Thanh Khê. Với khoảng 30 thành viên luân phiên tham gia, các vùng biển quanh bán đảo Sơn Trà, trong đó chủ yếu là Bãi Nam được thường xuyên làm sạch. “Dưới biển, có rất nhiều lưới ma, dây thừng, rác thải từ chai, lon bia, túi nilon… Chúng hầu hết mắc chặt vào các cây san hô gây ra tình trạng gãy cây, chết và ô nhiễm môi trường. Anh em chúng tôi thường chia sẻ kinh nghiệm và lặn cùng nhau để hỗ trợ việc thu gom rác hiệu quả và đảm bảo an toàn”, anh Trung nói. Với nỗ lực ấy, vài năm nay, hàng tấn rác đã được đưa lên khỏi mặt biển Sơn Trà, thu gom về nơi thu lấp rác, tạo điều kiện cho các rạn san hô và hệ sinh thái biển phát triển.
Lan tỏa ý thức sống xanh
Anh Trung quê ở Quảng Nam, lập nghiệp ở TP.Đà Nẵng và gắn bó với thành phố cuối dòng sông Hàn ngót hơn một thập kỷ. Công tác trong ngành du lịch nên anh hiểu, một môi trường trong lành, sạch đẹp sẽ là điểm cộng đầu tiên và để lại ấn tượng lâu nhất trong ký ức của mỗi du khách khi đến với thành phố này. Anh Kể, hồi năm 2007, có lần lên bán đảo Sơn Trà, thấy nhiều rác thải, anh đã quyết định dành thời gian thu gom, đưa về đúng điểm tập kết. Ngược xuôi trên cung đường lên Sơn Trà nhiều năm sau đó, không khó để bắt gặp anh với chiếc bao tải, lặng lẽ nhặt rác mỗi ngày cuối tuần, thậm chí cả vào thời gian sáng sớm hay cuối chiều khi đi thể dục. Từ tò mò đến chung tay hành động, nhiều du khách và người dân đã ghé lại cùng anh gom rác.
Anh Trung cho biết, rác tập trung nhiều nhất ở khu vực hồ Xanh, bãi Bắc – Ghềnh Bàng, mũi Nghê… Đây là những địa điểm đẹp, có thể ngắm nhìn khung cảnh biển, rừng và thành phố. Vì thế nhiều du khách đến tham quan, tổ chức ăn uống. Rác thường ở lại sau những cuộc vui ấy. Muốn hình thành một thói quen ở người khác thì chính mình phải làm gương. Bền bỉ như thế qua thời gian, hiệu ứng nhận về của anh Trung rất khả thi. “Trước mỗi lần tôi gom 30, 40kg rác nhưng nay chỉ tầm 10 đến 15kg. Nhiều du khách tự gom rác của mình, nhiều người dân cũng cùng tôi gom phụ… Đó là tín hiệu đáng mừng”, anh Trung bộc bạch.
Anh Trung cùng cộng sự thu gom lưới ma sau khi vớt lên từ đáy biển
Để câu chuyện bảo vệ môi trường đi xa hơn, sâu rộng hơn, trong tour du lịch của chính mình tổ chức, anh đều trang bị dụng cụ lặn, vớt rác và giỏ đựng rác cho du khách. Trước mỗi tour tham quan, anh đề nghị du khách dành 15 phút làm sạch môi trường. Đồng thời, công ty anh thường sử dụng túi cói thay túi nilon để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.
Điều thú vị là mỗi chuyến lặn biển nhặt rác, anh Trung đều tranh thủ chụp lại những bức hình tuyệt đẹp về các rạn san hô, khoảnh khắc lung linh của những loài sinh vật sống dưới đáy biển. Cùng với đó là hình ảnh phản chiếu của rác thải gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển như một sự đối sánh. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ nhất về hành động bảo vệ môi trường sống mà anh muốn gửi đến cộng đồng.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)