Khách du lịch trong và ngoài nước về Đà Lạt trong mùa xuân này chắc chắn rất ngỡ ngàng: Phố xá rộng thênh thang, hiện đại; hoa tươi nở thắm khắp các công viên, quảng trường, các con đường, lối đi… Đặc biệt, hệ thống đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh đèn đỏ) lần đầu tiên sau gần 130 năm hình thành Đà Lạt, đã hiện hữu trên các ngã 3, ngã 4… Đà Lạt khoác áo mới vào xuân!
Người dân Đà Lạt tự giác chấp hành tín hiệu đèn giao thông
Đà Lạt phải thích ứng
Để Đà Lạt hôm nay có một diện mạo mới, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và TP.Đà Lạt đã có nhiều chủ trương quyết liệt, “đột phá” trong công tác quy hoạch, nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng đô thị thành phố.
Dù trong thực tế, khi đặt vấn đề cải tạo, chỉnh trang đô thị Đà Lạt, đã gặp phải nhiều khó khăn, “áp lực” với các quan điểm trái chiều, thậm chí phản ứng gay gắt. Đầu năm 2019, khi UBND tỉnh giao Sở Xây dựng Lâm Đồng và các ngành liên quan triển lãm bản đồ án quy hoạch khu Hòa Bình – TP.Đà Lạt, trưng cầu ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, chuyên gia… đã xuất hiện 2 luồng quan điểm trái chiều. Bên cạnh đa số ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận nhân dân ủng hộ chủ trương phải quy hoạch, chỉnh trang khu Hòa Bình đẹp hơn, hiện đại hơn, phù hợp yêu cầu phát triển Đà Lạt hiện tại và trong tương lai; ngược lại, có ý kiến, quan điểm phải giữ Đà Lạt xưa, đó là văn hóa, là hồn cốt Đà Lạt, là nét độc đáo của Đà Lạt…
Đầu năm 2021, trước tình trạng quá tải các phương tiện giao thông tại khu vực cửa ngõ thành phố, các tuyến phố chính của Đà Lạt vào giờ cao điểm, nhất là các dịp lễ, Tết, gây bức xúc trong nhân dân và du khách, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trương cải tạo, nâng cấp giao thông nội thị; đặc biệt, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh, đèn đỏ) ở một số điểm có mật độ giao thông cao. Chủ trương này gắn với việc thực hiện đề án “Xây dựng TP.Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025, được UBND tỉnh phê duyệt. Đây còn là triển khai đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã được Chính phủ phê duyệt. (Quyết định số 704/QĐ-TTg năm 2014).
Có lẽ ai cũng biết xây dựng đô thị thông minh, giao thông đô thị phải thông minh! Song, việc lắp đèn tín hiệu giao thông tại TP.Đà Lạt được người dân và du khách đặc biệt quan tâm; nhiều ý kiến đồng tình; ngược lại, có ý kiến cho rằng, phải giữ gìn nét đặc trưng Đà Lạt; “bảo vệ” thương hiệu “Thành phố 3 không” (không đèn xanh đèn đỏ, không máy lạnh, không xích lô) “độc nhất vô nhị” trên thế giới?…
Để thể hiện tính dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận xã hội, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tổ chức lấy ý kiến người dân, đảng viên, công chức, viên chức các cơ quan, ban, ngành, chuyên gia, cán bộ lão thành… Qua thăm dò, hơn 70% ý kiến đồng thuận việc mở rộng các con đường, điểm nút giao thông và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại một số điểm thường ùn ứ là cần thiết; là một trong những giải pháp giải quyết “bài toán” kẹt xe, ách tắc giao thông ở Đà Lạt.
Điều đáng nói là việc lắp hệ thống đèn tín hiệu giao thông không tiến hành ào ạt mà triển khai thí điểm tại 7 vị trí thường ùn ứ các phương tiện tham gia giao thông như: Khu vực Kim Cúc; nút giao Phan Chu Trinh; Phan Chu Trinh – Trần Quý Cáp; Ngã năm Đại học; nút giao Trần Phú – Đào Duy Từ – Bà Triệu; Hải Thượng – Ba Tháng Hai và nút giao Trần Phú – Hoàng Văn Thụ – Ba Tháng Hai…
Đà Lạt bây giờ đẹp hơn
Tôi tâm đắc câu: “Chỉ có thái độ chủ động đón nhận sự khác biệt trong quan điểm và luôn biết lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh nhận thức, mới là hành xử đúng đắn trong cuộc sống này!”. “Thước đo” ở đây muốn nói đến là hiệu quả của một chủ trương có tính “đột phá” là xóa bỏ quan điểm không còn phù hợp trước yêu cần phát triển của cuộc sống hiện đại, văn minh nhân loại đang hướng tới. Thật chí lý khi trong dư luận có những ý kiến rằng: “Đèn xanh, đèn đỏ không làm mất đi văn hóa của người Đà Lạt”; hay “Người ta yêu Đà Lạt không phải vì danh hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ”. Ông Nguyễn Hữu Tranh sống lâu năm và có nhiều bài viết nghiên cứu nổi tiếng về Đà Lạt, được người ta gọi “Nhà Đà Lạt học”, nói: “Đà Lạt giờ đã khác xưa như hai thế giới, không thể ôm giữ quá khứ mãi”…
Không nên tranh luận ai đúng, ai sai mà hãy lấy hiệu quả minh chứng cho điều phù hợp mà có lẽ cư dân Đà Lạt và du khách đều phải thừa nhận: Đà Lạt bây giờ khang trang hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn, văn minh hơn!
Vòng xoay Kim Cúc được mở rộng thành nhiều làn xe, lắp đặt đèn tín hiệu đã giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông
Từ việc mở rộng các tuyến đường, các vòng xoay, ngã 3, ngã 4, ngã 5 (Đại học Đà Lạt); từ việc lắp đặt thí điểm 7 hệ thống đèn tín hiệu giao thông đầu tiên, đưa vào khai thác; từ bỡ ngỡ, lạ lẫm của người dân… đến nay, mọi người dân tham gia giao thông trên thành phố đã quen và có ý thức chấp hành tín hiệu đèn. Hơn một năm qua, ngành chức năng cử cán bộ, chiến sĩ trực để hướng dẫn nhân dân, du khách (chưa áp dụng chế tài xử phạt vi phạm). Quan sát tại các điểm có đặt đèn tín hiệu giao thông, điều rất đáng ghi nhận là dù không có lực lượng công an trực, người dân vẫn chấp hành nghiêm việc dừng xe theo tín hiệu đèn. Đây là thể hiện ý thức chấp hành quy định pháp luật và trình độ nhận thức của cư dân phố núi; điều đáng nói nữa là người dân đã thừa nhận Đà Lạt “thành phố có đèn xanh đèn đỏ”!
Song, hiện còn một số tuyến đường trên địa bàn Đà Lạt, mặt đường, vỉa hè, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo; còn xảy ra tình trạng ùn ứ. Để hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, xây dựng thành phố thông minh, giữa tháng 11-2022, UBND TP.Đà Lạt đã gửi văn bản cho Sở Kế hoạch Đầu tư đề nghị thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tiếp tục mở rộng thêm một số tuyến đường và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại 10 nút giao thông trên địa bàn Đà Lạt (trong đó, 7 nút được lắp đặt đèn xanh đèn đỏ). Đến nay, toàn TP.Đà Lạt hệ thống giao thông đã mở rộng khá thông thoáng và hệ thống đèn tín hiệu giao thông đã lắp đặt, khai thác rất hiệu quả.
Có thể thấy, từ khi Đà Lạt có đèn xanh đèn đỏ, nạn kẹt xe, ùn ứ các phương tiện giao thông cơ bản được giải quyết. Phố xá thênh thang, thoáng rộng. Đặc biệt, du khách yêu mến tìm về Đà Lạt tham quan, trải nghiệm ngày càng đông hơn. Rõ ràng “Người ta yêu Đà Lạt đâu phải vì danh hiệu thành phố không đèn xanh đèn đỏ”?!
Với sự nỗ lực, quyết liệt của chính quyền địa phương; sự tham gia, ủng hộ của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, TP.Đà Lạt đã khoác trên mình “áo mới”. Cùng với nhiều khu du lịch khám phá mới, trang trại, cánh đồng hoa mở ra, sẽ góp phần làm cho Đà Lạt lung linh sắc màu, gọi mời lữ thứ. Đà Lạt mùa xuân đẹp hơn…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)