Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Giới thiệu mẫu drone ăn được giúp cứu sống người gặp nạn

Tạp Chí Giáo Dục

Mẫu drone mới có đôi cánh làm từ bánh gạo, có thể cung cấp ngay thực phẩm cho người gặp nạn trong lúc chờ nhân viên cứu hộ.
Nhóm nghiên cứu tại Trường Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL) thiết kế drone ăn được, có thể dùng làm thực phẩm duy trì sự sống cho người bị mắc kẹt trong các tình huống khẩn cấp, Design Boom hôm 14/11 đưa tin.
 Mẫu drone với đôi cánh làm bằng bánh gạo.
Mẫu drone với đôi cánh làm bằng bánh gạo.
Thiết kế gồm hai cánh gắn vào thân mỏng, cộng thêm đuôi và cánh quạt. Trong khi đuôi và cấu trúc khác làm từ sợi carbon và mút xốp, đôi cánh dài làm bằng bánh gạo ăn được. Mẫu drone này có thể cứu sống những nhà thám hiểm và người leo núi lạc đường, bị thương hoặc không thể di chuyển. Họ sẽ có thức ăn trong lúc chờ đợi đội cứu hộ đến và đưa về nơi an toàn.
Drone là phương tiện hữu ích cho các nhiệm vụ như vận chuyển thực phẩm và vật tư y tế cho con người trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, các mẫu drone thương mại thường chỉ chở được hàng hóa nặng bằng 10% – 30% khối lượng của chính chúng. Điều này hạn chế lượng thực phẩm có thể mang trong một chuyến bay. Nhóm chuyên gia EPFL đưa ra giải pháp giúp tăng khả năng mang thực phẩm, đó là dùng vật liệu ăn được để làm cấu trúc của drone.
"Chúng tôi đề xuất mẫu drone không chỉ vận chuyển thực phẩm mà chính nó cũng có một phần ăn được, tăng tỷ lệ khối lượng chở thực phẩm lên 50%. Ngoài ra, nếu bị bỏ lại sau khi thực hiện nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp, mẫu drone này cũng dễ phân hủy sinh học hơn so với loại không ăn được, do đó để lại ít rác thải cho môi trường hơn", nhóm nghiên cứu cho biết.
Nhóm chuyên gia EPFL đã chế tạo thành công nguyên mẫu drone bay được. Hiện tại, drone có thể di chuyển với tốc độ 10 m mỗi giây, cung cấp 300 kcal và mang theo 80g nước. Các nhà khoa học dự định tiếp tục nghiên cứu để tăng khối lượng ăn được cho drone.
Trong các thử nghiệm bay, chiếc UAV có tốc độ di chuyển trung bình khoảng 10 mét/giây (36km/h) để không ảnh hưởng đến cấu trúc cánh.
Để hướng tới mục tiêu thương mại hóa, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ cải thiện hơn nữa độ bền và thời gian bay cũng như tham vọng biến toàn bộ kết cấu của chiếc UAV thành thực phẩm.
Bên cạnh các tình huống cần trợ giúp khẩn cấp, ý tưởng về robot có thể ăn được có thể rất hữu ích trong quá trình sản xuất thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã phát triển các ngón tay robot từ gelatin và glycerin, thứ vừa chắc chắn vừa có thể sản xuất dễ dàng.
 Ngón tay robot làm từ gelatin và glycerin.
Ngón tay robot làm từ gelatin và glycerin.
Các ngón tay robot này có thể tham gia vào dây chuyền sản xuất thực phẩm – giúp giảm nguy cơ các mảnh kim loại hay vật liệu nguy hiểm khác lọt vào sản phẩm.
Ngoài ra nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Thụy Sĩ cũng đã phát triển một vật liệu ăn được có từ tính. Họ trộn muối vào gelatin để có thể từ hóa nó.
Công nghệ này được cho là có thể giúp chế tạo những robot ăn được nhỏ hơn nhiều so với hiện tại.
* Ước tính mỗi ngày người trưởng thành cần từ 1.800 đến 2.600 calo còn trẻ nhỏ là từ 1.000 đến 2.000 calo.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)