Từ món ăn dân dã, bây giờ sung đã trở thành món quen thuộc trong các nhà hàng như sung muối chua, cá kho sung, gỏi sung, sung ăn sống…
Sung có tên khoa học là Ficus glomerata, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), được con người trồng từ hàng ngàn năm nay tại các vùng Địa Trung Hải, đảo Antilles, Ấn Độ Dương… Hoa và quả sung thuộc một dạng rất đặc biệt: sung là một quả giả. Trước khi thành quả, sung là một túi chứa vô số các hoa nhỏ lưỡng tính mà chúng có thể thụ tinh không cần sự can thiệp bên ngoài. Sung được xem là loại cây gần gũi, xưa nhất, được con người thuần hóa với gần 29 giống khác nhau. Sung có thể được dùng dưới dạng tươi hoặc khô, vào các món ngọt như mứt, bánh… được khuyên dùng cho các vận động viên và những người cần nỗ lực vì có thể cung cấp nhiều calori (74 Kcal/100 gr), nhiều khoáng chất đặc biệt là calcium, potassium, magnésium, phosphor; vi lượng như sắt, chất xơ và vitamin nhóm B, C, A, rétinol, E và K.
Từ món ăn dân dã, bây giờ sung đã trở thành món quen thuộc trong các nhà hàng như sung muối chua, cá kho sung, gỏi sung, sung ăn sống…
Do có nhiều dưỡng chất như vậy nên sung chín có thể có tính năng trị liệu đối với vài chứng bệnh thường gặp như rối loạn chuyển hóa, táo bón ở phụ nữ mang thai. Sung giã nhỏ có thể dùng để đắp lên các vùng lở loét trên tay chân. Theo một số tài liệu, sung được y học cổ truyền Trung Hoa sử dụng để loại bỏ độc tố cơ thể và mụn nhọt; làm thuốc sắc để chữa cảm cúm và thông đường hấp. Mủ của sung được sử dụng để làm lên men sữa trong phô mai hoặc để làm mềm thịt khi nấu nướng.
Thông thường, chúng ta mua sung thành từng chùm nên cũng dễ dàng, chọn quả có cuống chắc, tròn căng. Khi sử dụng nên gọt bỏ phần vỏ dày gần cuống, vì thường dính mủ có chứa nhiều enzymes lipase, protease có thể gây dị ứng cho môi hay miệng khi ăn phải.
Lưu ý: Những người có bệnh túi thừa đại tràng nên tránh ăn sung, bởi các hạt nhỏ có thể tích tụ lại và gây rối loạn tiêu hóa.
Minh Quân (TNO)
Bình luận (0)