Với sự phát triển của công nghệ, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan diễn ra ngày càng phức tạp. Dù đã có quy định xử phạt, tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý hành vi xâm phạm này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Hội nghị Tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
Ngày càng phức tạp
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc hiện nay diễn ra một cách thường xuyên ở nhiều lĩnh vực có sử dụng âm nhạc. Trong đó điển hình là ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật – lĩnh vực sử dụng tác phẩm để biểu diễn một cách trực tiếp. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ vì lợi nhuận đã luôn tìm cách né tránh, không thực hiện quy định xin phép, trả tiền sử dụng, dẫn đến tình trạng quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả bị xâm phạm, gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền.
Ông Hoàng Văn Bình (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, chi nhánh TP.HCM) cho biết, những năm gần đây, số lượng vụ việc vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát hiện, ghi nhận lên tới hàng trăm chương trình, chưa tính đến các chương trình biểu diễn không bán vé, không quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 là 102 chương trình. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên hoạt động biểu diễn bị hạn chế nhưng cũng có tới hàng trăm chương trình xâm phạm quyền tác giả.
Bà Phạm Thị Kim Oanh (Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả) cho hay, trong thời đại công nghệ 4.0, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng ngày càng phổ biến. Đối tượng xâm phạm có nhiều thủ đoạn và tìm mọi cách nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc xác định chủ thể có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên lãnh thổ Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong trường hợp cá nhân, tổ chức cung cấp nội dung xuyên biên giới vào Việt Nam hoặc các website, ứng dụng trên không gian mạng như sử dụng tên miền quốc tế, che giấu tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm, sử dụng.
Bên cạnh đó, việc chủ sở hữu quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cho các cơ quan chức năng chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Bên bị cho là xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thiếu hợp tác, dù được mời làm việc nhiều lần nhưng không đến, hoặc tìm lý do để trì hoãn, dẫn đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan trên thực tế gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian hoặc không đủ căn cứ để xử lý theo quy định. Tình trạng cùng dấu hiệu vừa được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, vừa được bảo hộ quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cho các chủ thể khác nhau gây lúng túng cho cơ quan thực thi trong việc đánh giá, xác định yếu tố vi phạm khi có đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền.
Khó xử lý
Tại TP.HCM hiện có khoảng 483 cơ sở kinh doanh karaoke có giấy phép kinh doanh karaoke, 1 cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ vũ trường đang hoạt động và hàng ngàn các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ thu âm, nhà hàng, quán ăn, cà phê, quán bar, beer club, cà phê DJ… có tổ chức hoạt động nghệ thuật biểu diễn, sử dụng tác phẩm âm nhạc. Đa số các cơ sở chấp hành quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nhưng vẫn còn nhiều cơ sở không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trả tiền sử dụng tác phẩm cho chủ sở hữu, tác giả tác phẩm.
Khó khăn trong việc xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Mới đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thi hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Hội nghị nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. |
Đại diện thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, dù đã có quy định xử phạt tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hành vi xâm phạm quyền cũng như việc tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học, điện ảnh, nghệ thuật thường rất phức tạp nhưng hiếm khi chủ thể quyền tác giả làm đơn kiến nghị yêu cầu giải quyết. Khó khăn nữa là khi kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả như: hàng hóa có hình ảnh sản phẩm bị làm nhái, làm giả gây nhầm lẫn với hình ảnh sản phẩm đã đăng ký sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả. “Theo quy định thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ, để có cơ sở xử phạt phải tiến hành giám định nhưng thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP không có thẩm quyền tạm giữ hàng hóa để trưng cầu giám định vì thẩm quyền này thuộc lực lượng quản lý thị trường. Hiện nay, việc bảo hộ này còn chồng chéo: Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Mặt khác, việc giám định có vi phạm hay không còn gặp rất nhiều khó khăn như chưa có tổ chức giám định, kết luận giám định chưa rõ, khó xử lý”, đại diện thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chia sẻ.
Trong khi đó, bà Cao Thị Thanh Thủy (Thanh tra viên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) cho biết, khó khăn trong việc xử lý vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đó là một số tổ chức, cá nhân chưa thực sự có ý thức chấp hành tốt quy định pháp luật, còn né tránh thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan bằng nhiều cách khác nhau. Cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hầu hết là kiêm nhiệm nên chuyên môn về lĩnh vực này còn hạn chế. “Hiện nay, việc thu phí bản quyền đang gây bức xúc cho các cơ sở kinh doanh karaoke vì chưa rõ cơ sở xác định mức phí bản quyền là theo bài hát sử dụng hay theo đầu máy karaoke, trong khi có thực trạng là nhiều bài hát trong đầu máy karaoke không được khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh đã sử dụng các bài hát lấy từ mạng internet nên không có cơ sở để tính thu bản quyền tác giả, gây thất thoát trong việc thu phí tác quyền”, bà Thủy chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)