Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 với thông điệp “Sách: Nhận thức – Đổi mới – Sáng tạo”, “Sách cho tôi, cho bạn”, “Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc” sẽ diễn ra từ 19 đến 23-4 tại khu vực Công trường Công xã Paris và các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách được trưng bày, cùng nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ góp phần phát triển văn hóa và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của người dân TP.HCM.
Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) thông tin về Ngày sách và Văn hóa đọc lần 2 năm 2023
Chiều 13-4, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã thông tin về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023.
Ông Trịnh Hữu Anh (Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) cho biết, Ngày sách và Văn hóa đọc năm nay sẽ trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách. Đó là những tựa sách hay, bổ ích với đa dạng thể loại, chủ đề phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc sách của bạn đọc như: Văn hóa, lịch sử, chính trị, sách về doanh nhân, khởi nghiệp, sách về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi số, sách về khoa học, vũ trụ…
Trong đó, ban tổ chức sẽ trưng bày, giới thiệu cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” và các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm 137 năm ngày Quốc tế lao động; giới thiệu và nhân rộng mô hình văn hóa đọc như: Tủ sách doanh nhân, Tủ sách cộng đồng, Tủ sách gia đình…
Trong khuôn khổ Ngày sách và Văn hóa đọc lần 2 còn có hơn 70 chương trình giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, ra mắt sách, ký tặng sách… Trong đó, có các chương trình do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với các nhà xuất bản, sở ban ngành TP.HCM tổ chức như: Chương trình giao lưu với Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư; Diễn đàn “ChatGPT với việc viết sách, viết văn của giới trẻ hiện nay”; Chương trình tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em; Trao giải Hội thi “Lớn lên cùng sách” lần 8 và Hội thi “Văn hay chữ tốt”.
Để tuyên truyền văn hóa đọc hiệu quả, Ngày sách và Văn hóa đọc năm nay còn có sự đồng hành của nhiều đại sứ văn hóa đọc thuộc đa dạng lĩnh vực. Ngoài việc chung tay lan tỏa hoạt động của chương trình năm nay, các đại sứ sẽ có mặt và giao lưu cùng khán giả, người dân thông qua các hoạt động tại ngày hội.
Thiếu nhi tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc còn có khu kỹ năng với các hoạt động bổ ích: vẽ tranh, làm thủ công, đọc truyện, viết cảm nhận về sách, tương tác trải nghiệm cùng sách…
Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) cho biết, TP.HCM luôn đầu tư cho văn hóa đọc. Ngày xưa chỉ thư viện trong trường học, ngày nay tại các sở ban, ngành đều phải có thư viện. Đặc biệt, hàng năm TP.HCM đều dành ra khoảng 5 tỷ đồng để đầu tư sách cho các vùng sâu vùng xa. Vì vậy, TP.HCM được đánh giá là nơi có hoạt động xuất bản sách sôi nổi nhất cả nước. “Mỗi lễ hội liên quan đến văn hóa đọc, chúng tôi đều cố gắng tạo điểm mới để qua mỗi sự kiện, lễ hội ngày càng lan tỏa văn hóa đọc đến người dân, đặc biệt là thanh thiếu nhi”, ông Thắng cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)