Sau 5 lần tiến hành, Bộ GD-ĐT thông báo kéo dài thời gian lọc ảo xét tuyển thêm 2 ngày và tăng số lần lọc ảo lên 10 lần. Quy trình này kéo dài dẫn đến thời gian các trường ĐH công bố kết quả xét tuyển đợt 1 cũng muộn hơn kế hoạch dự kiến.
Tính đến ngày 19.8, các trường ĐH đã trải qua 5 lần xử lý nguyện vọng (NV) trên hệ thống lọc ảo xét tuyển toàn quốc. Nếu thực hiện theo kế hoạch ban đầu, sau khi lọc ảo lần cuối cùng các trường đã công bố điểm chuẩn đợt 1 vào chiều qua (20.8). Nhưng hết lần lọc ảo thứ 5, Bộ GD-ĐT bất ngờ có thông báo kéo dài thêm 2 ngày. Số lần lọc ảo toàn quốc cũng tăng từ 6 lên 10 lần và kết thúc vào 14 giờ ngày 22.8. Các cơ sở đào tạo có thể công bố kết quả xét tuyển sớm nhất từ ngày 22.8.
Lý giải việc điều chỉnh trên, thông báo của Bộ GD-ĐT cho biết điều này xuất phát từ việc hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ năm nay cung cấp nhiều nguồn dữ liệu để các trường xét tuyển nhiều phương thức. Trong khi, TS chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành mà không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển như các năm trước. Do đó, các trường cần nhiều thời gian hơn để hoàn tất việc xét tuyển.
Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm là việc kéo dài quá trình lọc ảo xét tuyển có tác động như thế nào tới kết quả xét tuyển của TS.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo kế hoạch, từ chiều 22.8, nhiều trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn tuyển sinh. NGỌC THẮNG
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết quá trình lọc ảo nhằm xác định ra danh sách TS trúng tuyển vào từng ngành cụ thể của từng trường sát với chỉ tiêu cần tuyển. Trong đó, một TS dù đăng ký nhiều NV nhưng sau quá trình lọc ảo chỉ trúng tuyển vào một NV ở một trường trong toàn đợt xét tuyển. Có nghĩa, TS đã trúng tuyển ngành này, trường này thì không còn trúng tuyển ảo ở ngành và trường khác. Từ TS trúng tuyển có điểm số thấp nhất, các trường đưa ra mức điểm chuẩn từng ngành.
"Năm nay, hệ thống đăng ký của Bộ cho phép TS thực hiện ít thao tác hơn khi đăng ký, ví dụ chỉ chọn trường và ngành mà không cần chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, một số trường ĐH cho phép TS đăng ký nhiều phương thức xét tuyển khác nhau lên hệ thống chung mà không thực hiện xét tuyển sớm trước đó. Do đó, khi thực hiện xét tuyển phần mềm phải xử lý phức tạp hơn và cần nhiều thời gian hơn", tiến sĩ Nhân giải thích thêm.
Nhưng theo tiến sĩ Nhân, việc tăng thêm thời gian lọc ảo xét tuyển này không ảnh hưởng tới quyền lợi TS. Ông Nhân cho biết sau mỗi lần lọc ảo, các trường xác định được điểm chuẩn dự kiến sát hơn với chỉ tiêu.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho rằng ngoài việc tránh tình trạng TS trúng tuyển ảo vào nhiều trường, quy trình lọc ảo này cũng giúp TS trúng tuyển vào NV tối ưu. Trong số các NV mà TS đã cân nhắc lựa chọn theo mong muốn cá nhân, phần mềm xác định một NV trúng tuyển phù hợp nhất về năng lực của bản thân người học.
Đã xác định mức điểm chuẩn dự kiến
Đến chiều qua (20.8), hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT đã hoàn tất chạy lọc ảo toàn quốc lần thứ 6.
Sau khi tải kết quả từ phần mềm, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết điểm chuẩn dự kiến đến thời điểm này của trường đang trong khoảng 20 – 28 điểm. Trong đó, nhiều ngành ở tổ hợp xét tuyển khối C00 (văn, sử, địa) điểm chuẩn tăng mạnh so với năm ngoái. "Tuy nhiên, kết quả cuối cùng phải đợi đến hết lần lọc ảo thứ 10 để có sự tiệm cận cao nhất với các trường trong toàn quốc. Dự kiến trường sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 23.8", ông Hạ cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng cho biết sau 5 lần lọc ảo thì dữ liệu xét tuyển của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khá ổn định. Trong đó, các phương thức xét tuyển sớm chiếm khoảng 43% tổng chỉ tiêu, 57% chỉ tiêu còn lại xét điểm thi tốt nghiệp. Điểm chuẩn dự kiến các ngành tới thời điểm này đang ở mức 19 – 26, trong đó cao nhất là ngành kinh doanh quốc tế. Nhiều ngành khác điểm chuẩn ở mức 23 – 25 như: công nghệ thông tin, tự động hóa, nhóm ngành kinh doanh quản lý.
"Điểm chuẩn dự kiến hiện đã khá sát với chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Nếu các trường lấy mức điểm chuẩn cao hơn không có sự điều chỉnh mạnh về điểm chuẩn, trường sẽ giữ ổn định ở mức này", ông Nhân nói thêm.
Thí sinh tham gia thi đánh giá năng lực năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM. NGỌC DƯƠNG
Tương tự, tiến sĩ Quách Thanh Hải cho biết điểm chuẩn dự kiến trường đưa ra sau 5 lần lọc ảo đang cao hơn từ 1,5 – 2 điểm so với năm 2022. Trong đó, điểm chuẩn các ngành thấp nhất dự kiến từ 19 điểm trở lên và ngành cao nhất có thể trên 27 điểm.
"Sau đợt lọc ảo lần cuối cùng theo quy định, trường sẽ làm các thủ tục công bố điểm chuẩn ngay trong chiều 22.8", tiến sĩ Hải thông tin.
Theo kế hoạch dự kiến, nhiều trường ĐH khác cũng điều chỉnh lịch công bố điểm chuẩn tới chiều 22.8, như: Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Luật, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM… Một số trường dự kiến công bố điểm vào ngày 23.8 như: Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và Trường ĐH Công thương TP.HCM…
Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM dự kiến công bố kết quả trong ngày 24.8.
Sau khi trúng tuyển, thí sinh cần làm gì ? Theo lịch mới của Bộ GD-ĐT, trước 17 giờ ngày 24.8 các cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn và danh sách TS trúng tuyển đợt 1. Thời gian TS xác nhận nhập học cũng được điều chỉnh tương ứng, từ ngày 24.8 đến trước 17 giờ ngày 8.9 (thay vì từ ngày 22.8 đến trước 17 giờ ngày 6.9). TS phải thực hiện xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống của Bộ trước khi tiến hành nhập học trực tiếp tại trường. Khi đến làm thủ tục nhập học tại trường, một trong các giấy tờ quan trọng TS cần nộp là bản chính giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mỗi TS chỉ được cấp một giấy để nộp vào trường TS muốn theo học. Khi nhận được giấy chứng nhận này, trường đó sẽ quét mã vạch có trên giấy lên phần mềm để xác nhận TS nhập học. Sau khi thực hiện thao tác này, trường khác không thể tiếp nhận TS vào học. |
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)