Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Miền Trung: Hân hoan ngày hội khai trường

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay (5-9), cùng với cả nước, hàng vạn học sinh các tỉnh, thành miền Trung đã hân hoan đón chào ngày hội khai trường năm học mới 2023-2024.


Các trường ở TP.Đà Nẵng thực hiện lễ khai giảng ngắn gọn, lấy học sinh làm trung tâm

Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

Sáng sớm, hơn 290.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã háo hức đến trường khai giảng năm học mới. Lễ khai giảng đồng loạt diễn ra tại các trường từ 7h15 đến 8h. Ngành giáo dục Đà Nẵng chỉ đạo các trường tổ chức ngày hội khai trường với hình thức ngắn gọn, tập trung vào các hoạt động, gồm: đón học sinh đầu cấp; chào cờ, hát Quốc ca; đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới; phát biểu chào mừng năm học mới của hiệu trưởng nhà trường, đánh trống khai trường. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng dự lễ, tặng hoa chúc thầy trò nhà trường một năm học mới đạt hiệu quả cao.

Để chuẩn bị tốt cho năm học 2023-2024, các địa phương, cơ sở giáo dục toàn thành phố triển khai rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp; ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị dạy học để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 4, 8, 11; bảo đảm không có học sinh, học viên thiếu SGK, dụng cụ học tập khi bước vào năm học mới; vận động hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn đột xuất không đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế. Nhằm y bảo đảm giáo viên cho các trường học, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐND, cho phép tăng 537 chỉ tiêu hợp đồng lao động cho các đơn vị sự nghiệp công lập năm học 2023-2024. Cụ thể, Sở GD-ĐT được tăng 58 chỉ tiêu hợp đồng lao động; các quận, huyện tăng 479 chỉ tiêu hợp đồng lao động.


Thầy trò điểm trường Ông Bình lần đầu tiên dự lễ khai giảng năm học mới

Thực hiện Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường bảo đảm 100% học sinh khối lớp 1, 2, 3, 4 được học 2 buổi/ngày. Cụ thể, năm học này, Đà Nẵng có 96,97% học sinh học 2 buổi/ngày (quận Liên Chiêu đạt 80,7%. Cẩm Lệ đạt 98,06%, các quận, huyện còn lại đạt 100%).

Tại Quảng Nam, năm học 2023 – 2024 toàn tỉnh có 727 trường học các cấp (tăng 3 trường) với tổng số gần 346.000 học sinh (tăng hơn 3.100 học sinh so với năm học trước). Trong đó, học sinh tuyển mới lớp 1 hơn 28.000 học sinh (tăng 360 học sinh); lớp 6 là 29.700 học sinh (tăng 3.500 học sinh); lớp 10 là 19.744 học sinh (tăng 840 học sinh). Với chủ đề năm học 2023 – 2024 “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, ngành giáo dục Quảng Nam xác định 15 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện các mục tiêu. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học. Đồng thời sắp xếp lại trường, lớp học gắn với việc bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tại Quảng Trị, năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh có 398 trường (trong đó công lập 377 trường, tư thục 21 trường), giảm 01 trường công lập so với năm học 2022 – 2023. Bà lê Thị Hương – Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học phối hợp với phụ huynh học sinh và đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ SGK cho học sinh. Quán triệt các đơn vị, trường học triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 643/CT-BGDĐT ngày 10-6-2022 của Bộ GD-ĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở GDPT nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập. Chỉ đạo các trường học bố trí nguồn kinh phí hợp lý và huy động các nguồn hỗ trợ để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; vận động học sinh quyên 4 góp, ủng hộ sách cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.


Tiếng trống khai trường vang trên miền biên viễn Quảng Trị

Sở GD-ĐT và các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo kế hoạch của Tỉnh ủy và đề án của UBND tỉnh; triển khai thực hiện đề án phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng mở rộng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tạo thuận lợi cho học sinh, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Xúc động lễ khai giảng ở điểm trường “ba không”

Lần đầu tiên, thầy trò và phụ huynh ở điểm trường Ông Bình, Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) được dự lễ khai giảng năm học mới. Khoảnh khắc tiếng trống trường vang lên giữa núi rừng, thanh âm của bài hát Quốc ca đầy cảm xúc. Tiếp đó, giọng thầy hiệu trường trầm ấm đọc thư của Chủ tịch nước gửi tập thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới, học sinh và phụ huynh đều rưng rưng xúc động.

Trên khoảnh sân đất đỏ vừa được san ủi, 44 em học sinh ở điểm trường Ông Bình hân hoan, háo hức với nụ cười thật tươi, dù ngày khai giảng năm học mới hôm nay nhiều học sinh còn đi chân đất. Với thông điệp trong ngày khai giảng: “Chỉ có đi học mới giúp bản làng mình ấm no và phát triển”. Đây là điểm trường “ba không”: không nước sạch, không điện lưới và không sóng điện thoại.

Thầy giáo Nguyễn Văn Nhân – một trong hai giáo viên “cắm bản” chia sẻ: “Thật khó diễn tả hết thành lời niềm xúc động khi được cùng các em ở điểm trường Ông Bình dự lễ khai giảng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để truyền dạy con chữ, kiến thức cho các em, để không học sinh nào phải nghỉ học giữa chừng”.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)