Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Do đó, TP.HCM luôn xác định phải có sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị vào công tác này để vừa ổn định cuộc sống của người dân, vừa tạo điều kiện để thực hiện công tác chỉnh trang và phát triển đô thị của TP một cách có hiệu quả.
Giải phóng mặt bằng để thực hiện giai đoạn 2 dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên
Tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận thực hiện
UBND TP.HCM vừa tổ chức sơ kết Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 12-1-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thu hồi đất; thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tại hội nghị, UBND huyện Bình Chánh báo cáo, từ 2018 đến nay đã hoàn thành 34 dự án và đang tiếp tục thực hiện 116 dự án. Năm 2022, vốn bồi thường bố trí cho 27 dự án là 1.138 tỷ đồng, đến nay huyện đã giải ngân 1.076 tỷ đồng, chi thực tế 861 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện – cho biết, trong quá trình thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn. Một số người dân lo lắng về việc phải di dời đến nơi mới, chuyển đổi nghề, về chính sách bồi thường; công tác khảo sát, thu thập thông tin, đo vẽ xác định nguồn đất, thẩm định giá đất mất nhiều thời gian; đơn giá bồi thường xây dựng chưa sát với giá giao dịch trên thị trường nên chưa tạo được sự đồng thuận của người dân…
“Để bồi thường, hỗ trợ tái định cư đạt kết quả, huyện Bình Chánh đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó có việc ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác bồi thường tái định cư theo tinh thần Chỉ thị 17; thành lập các tổ công tác do các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc tiến độ và tháo gỡ vướng mắc dự án bồi thường. Cùng với đó, thành lập tổ vận động cấp huyện trong đối thoại, giải thích để người dân hiểu, đồng thuận thực hiện. Đơn cử như dự án Bến Lức – Long Thành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp tổ công tác phân nhóm giải thích nên tạo được sự đồng thuận của người dân. Nhờ đó dự án đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Đối với dự án đường Vành đai 3, hàng tuần ban chỉ đạo đều tổ chức họp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, vận động người dân. Theo đó đến nay Bình Chánh đã ban hành quyết định thu hồi đất và bồi thường được 108ha, phấn đấu từ nay đến tháng 6 hoàn thành ban hành quyết định thu hồi trên 28ha đất còn lại để bàn giao cho chủ đầu tư”, ông Tài nói.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệu – Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân – cũng thừa nhận, quá trình triển khai dự án, việc tiếp xúc, vận động người dân chắc chắn không tránh được khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm, lãnh đạo của địa phương. Nếu những người đứng đầu có trách nhiệm, có cán bộ công chức hiểu rõ pháp lý thì việc tiếp xúc, vận động người dân sẽ dễ dàng đạt sự đồng thuận. Điều này cũng góp phần rất lớn vào việc không để xảy ra các trường hợp người dân khiếu nại trong việc triển khai dự án.
Xác định những giá trị này, trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, quận Bình Tân luôn huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia, đặc biệt phát huy vai trò của người đứng đầu. Bên cạnh đó, thực hiện công tác tuyên truyền công khai, minh bạch rõ ràng; tìm ra nhân tố tích cực ủng hộ triển khai từ đó tạo sự lan tỏa.
“Từ 2018 đến nay, Bình Tân có 17/65 dự án trường học, công trình giao thông được đưa vào hoạt động, góp phần vào đảm bảo tình hình giao thông, trường lớp cho học sinh”, bà Diệu thông tin.
Quận 8 có 24 dự án được thực hiện; trong đó có 4 dự án đã hoàn tất công tác mặt bằng, 7 dự án đã chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư, 2 dự án đang chờ TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá bồi thường, 11 dự án đang xây dựng hồ sơ thẩm định giá. Quận 8 đã ban hành quyết định về quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai các dự án.
Ông Phạm Quang Tú – Phó Chủ tịch UBND quận – cho biết: “Ngay bước đầu triển khai thực hiện dự án, quận xác định công tác giải phóng mặt bằng chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mặt trận, đoàn thể, cùng sự tham gia có trách nhiệm của chủ đầu tư và các ban quản lý dự án trên địa bàn”.
Cuối tháng 6, giải phóng mặt bằng phải đạt ít nhất 70%
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – đánh giá công tác giải ngân đầu tư công trong thời gian qua còn chậm. Theo đó, bí thư, chủ tịch 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức phải xem công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là nhiệm vụ trọng tâm.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, hiện nay các sở, ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức cơ bản đã hoàn thành tốt các giải pháp, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng pháp luật, rút ngắn thời gian thực hiện và kéo giảm khiếu kiện, khiếu nại của người dân. Trong năm 2022, tổng số dự án được ghi vốn bồi thường trên địa bàn TP là 190 dự án, tổng số vốn được giao hơn 12.000 tỷ đồng, tổng số vốn giải ngân đến ngày 15-12-2022 là gần 7.000 tỷ đồng, đạt 54,49%; tỷ lệ người dân đồng ý nhận tiền 29,86%, tỷ lệ gửi Kho bạc Nhà nước 24,63%. |
Hiện nay đã ở giữa kỳ trung hạn 2021-2025 tuy nhiên có những dự án giải ngân chưa đạt được 30% kế hoạch vốn. Điều này cho thấy nghịch lý số tiền được phân bổ cho số dự án có nhu cầu vốn lớn nhưng lại không tiêu hết. Cần tiền nhưng khi có tiền lại không dùng được. “Đây là điểm sâu sắc phải đánh giá, phân tích, rút kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị; nếu không việc nhìn thấy kết quả trong văn bản chỉ là hình thức. Đặc biệt phải có sự chuẩn bị kỹ để có được một quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh”, ông Mãi nói.
Nói thêm về công tác giải phóng mặt bằng trên các quận huyện, TP.Thủ Đức, ông Mãi đề nghị cuối tháng 6 phải làm được ít nhất 70% diện tích để đủ điều kiện khởi công các dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường TP phải rà soát, tham mưu văn bản chỉ đạo; các sở ngành liên quan, đặc biệt các quận huyện tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu về mặt bằng để triển khai các dự án. Trước mắt, xác định quá trình triển khai giải phóng mặt bằng là cho nhu cầu đầu tư công 2023, nhưng về lâu dài phải bám Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 11; Nghị quyết 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đặc biệt gắn với những cơ chế chính sách của nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 sắp tới về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Minh Phương
Bình luận (0)